Theo người nhà kể lại, do bị ho lâu ngày không khỏi kèm theo mệt mỏi, sau khi ăn cơm xong bà Đ có uống thuốc ho dạng xi- rô. Nhưng sau đó khoảng 2 giờ bà phát sinh cơn đau vùng thượng vị, khó thở nên mới đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để kiểm tra. Sau khi thăm khám được các bác sỹ cho đi chụp phim X.quang vùng lồng ngực nhưng không phát hiện ra bất thường. Bà Đ vẫn cảm thấy đau tức ngực và khó thở nên được chỉ định cho đi nội soi. Tại đây, sau khi tiến hành nội soi thực quản, dạ dày các bác sĩ vẫn không phát hiện ra dấu hiệu bất thường vì trong dạ dày bệnh nhân có chứa nhiều thức ăn. Sau khi 5 tiếng uống thuốc thụt tháo dạ dày bệnh nhân được tiến hành nội soi lần 2. Trong quá trình nội soi đã phát hiện 3 răng giả cùng với khung hàm có kích thước 2cm x 3cm nằm lẫn cùng với thức ăn ở bờ cong lớn dạ dày. Các bác sĩ phải tiến hành dùng kìm cá sấu và kẹp gắp dị vật ra.
Theo bác sĩ Cúc những trường hợp nuốt răng giả không hiếm, nhưng nuốt cả khung hàm răng có kích thước 2cm x 3m là hy hữu. Việc gắp dị vật cho bệnh nhân phải mất gần 1 tiếng đồng hồ mới hoàn thành vì dị vật lớn khi đưa đến phần thực quản gần ngã ba hầu họng thì mắc lại nên các bác sĩ phải thật sự cẩn thận, khéo léo để đưa ra ngoài, hạn chế dị vật gây tổn thương. Rất may bệnh nhân phát hiện sớm, nếu không sẽ dễ dẫn đến dị vật đâm thủng dạ dày, nguy cơ xuất huyết cao.
Giải thích việc chụp X. quang mà không phát hiện ra được dị vật (răng giả) nằm trong thực quản hay dạ dày, bác sỹ Cúc cho biết thêm: những trường hợp đeo răng giả làm bằng chất liệu nhựa thì khi chụp X.quang sẽ không cản quang và không phát hiện ra được còn đối với những trường hợp có dị vật là răng giả có kèm theo hợp chất là kim loại thì khi chụp X.quang sẽ có cản quang và dễ phát hiện. Đối với những người đeo răng giả, thông thường hay tháo lắp để vệ sinh nên dẫn đến mòn các mấu liên kết, do vậy cần kiểm tra thường xuyên để có biện phát thay mới tránh trường hợp đáng tiếc xẩy ra như trường hợp bệnh nhân trên.
Tuấn Dũng