Người đương thời

Viết tiếp về người anh hùng – Võ Trọng Việt

Xin được bắt đầu câu chuyện về anh từ việc cùng đồng đội quyết tâm cứu tộc người Chứt ở vùng biên giới Việt – Lào trên địa bàn Hà Tĩnh, khi anh làm chỉ huy trưởng Biên phòng ở nơi đây hơn mười năm trước.

 Trung tướng Võ Trọng Việt thăm cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang)
Cuộc sống mông muội của người Chứt luôn khiến Võ Trọng Việt và đồng đội day dứt: không có nhà, không biết đến văn hóa văn minh mà chỉ dựa vào săn bắn con chim, con sóc… Đói rét, ốm đau triền miên. Trước tình cảnh đặc biệt ấy, anh và Đảng ủy, chỉ huy đã có một chủ trương tích cực: Dứt khoát phải cứu người Chứt thoát khỏi nguy cơ khốn cùng của lạc hậu và nghèo đói.
Võ Trọng Việt trực tiếp gặp đồng chí Đặng Duy Báu – Bí thư Tỉnh ủy lúc đó về tình trạng dân tộc Chứt. Đồng chí Bí thư trao đổi với anh: “Đây là vấn đề nan giải, phức tạp, công phu. Các đồng chí Biên phòng làm được là sẽ giúp cho sự tồn tại, phát triển của một tộc người đang đứng trước sự sống còn. Nhưng khó khăn lắm đấy!”. Võ Trọng Việt tự tin nói: “Chúng tôi đã bàn kỹ, bộ đội biên phòng sẽ quyết tâm làm bằng được”. Anh mở cặp lấy tài liệu: “Đây là kế hoạch thực hiện quá trình chuyển dân về địa bàn cư trú. Đây là tổ công tác chuyên trách làm việc này. Đây là khu vực làm bản mới cho dân cư trú, có nhà, có nguồn nước, có ruộng nương. Bộ đội Biên phòng sẽ làm một ngôi nhà cho các cháu học tập và là nơi sinh hoạt cộng đồng. Trước mắt, tổ công tác cử một người làm giáo viên dạy chữ cho các cháu…”. Bí thư Tỉnh ủy xúc động nói: “Thế là Bộ đội Biên phòng đã tiên phong làm một việc khó của tỉnh nhà. Thường vụ rất tin ở các đồng chí”. Giọng Bí thư chùng xuống: “Anh Việt phải cố gắng, tỉnh ta còn nghèo lắm. Nhưng dẫu sao vẫn phải làm việc này. Dứt khoát không được để người Chứt sống lay lắt”.
Ngay sau đó, Bộ đội Biên phòng đã góp tiền, góp công sức triển khai bắt tay làm. Sau khi trực tiếp khảo sát, đánh giá, nắm tình hình đồng bào dân tộc Chứt, Võ Trọng Việt đề xuất, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành trong tỉnh, xây dựng, củng cố đời sống toàn diện đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Sau 5 năm, đời sống của bà con dân tộc Chứt dần dần ổn định, chuyển biến cơ bản về nhận thức, định canh, định cư, biết trồng lúa nước, các tập quán, hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, người Chứt thoát khỏi cảnh đói nghèo, từng bước hòa nhập với cộng đồng.
Một bản của người Chứt được thành lập. Ngày đưa người Chứt về bản có vài chục người ủ ê. Đến nay, dân số tăng hơn 400 người tíu tít nói cười. Bản người Chứt ngày càng rộng mãi ra, luôn rộn tiếng cười con trẻ. Đêm về, bếp nhà nào cũng đỏ lửa, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, cái ấm no rạng trên nụ cười, gương mặt của người già. Đặc biệt, có người con gái Chứt đã trở thành vợ của sĩ quan Biên phòng. Ở bản Rào Tre, ai cũng nhắc đến Bộ đội biên phòng Việt, anh là thành viên của bản. Tên anh, tên của Bộ đội Biên phòng gắn với sự phát triển tốt đẹp của dân tộc Chứt trên quê hương Hà Tĩnh.
Ngày 21-12-2005, Đại tá Võ Trọng Việt được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Cũng năm đó, anh được trên bổ nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh Chính trị Bộ đội Biên phòng, năm 2008 là Chính ủy, từ năm 2012 đến nay là Tư lệnh.
Từ Chỉ huy trưởng tỉnh được bổ nhiệm là Phó Tư lệnh Chính trị, có thể ví là từ sông ra biển lớn. Võ Trọng Việt đã thể hiện rõ nét nhân cách của một cán bộ có tầm nhìn xa trông rộng. Từ Chính ủy sang làm Tư lệnh, cương vị nào anh cũng tiếp cận nhiệm vụ mới một cách khoa học và rất thực tiễn. Anh vừa biết tiếp nối người tiền nhiệm, vừa năng động, sáng tạo với lối tư duy sắc sảo, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, nói đi đôi với làm. Võ Trọng Việt là người có tính quyết đoán cao, rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát, luôn trăn trở phải mạnh dạn có những việc làm mang tính đột phá. Anh đề xuất và phát động phong trào: “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm” nhằm làm cho các thế hệ nối tiếp luôn biết tôn trọng, noi gương phát huy truyền thống của các thế hệ trước để tiếp nối xứng đáng.
Có một chuyện đời của Bộ đội Biên phòng ai cũng thường nhắc đó là “Quỹ Hiếm muộn”. Nhắc nhớ điều này, mọi người nghĩ ngay đến Trung tướng Võ Trọng Việt – người đã khởi xướng, tạo dựng nên thành công của quỹ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.
Xuất phát từ đặc điểm công tác của lực lượng, hầu hết người chồng khi mang quân hàm xanh đều xa nhà, xa vợ. Một lần nghỉ phép trong năm khó có thể đạt mục tiêu có con. Lại còn phải tính đến môi trường công tác khắc nghiệt, tại nơi rừng xanh nước độc ảnh hưởng không ít đến sức khỏe. Thực trạng ấy đã làm cho Võ Trọng Việt và các anh trong Bộ Tư lệnh phải tìm ra giải pháp, không thể đành lòng khi vợ lính vò võ ở nhà một mình, thấp thỏm tính tháng, tính ngày đợi chồng về để có con. “Quỹ Hiếm muộn” ra đời.
Bộ Tư lệnh Biên phòng đã gặp mặt những gia đình hiếm muộn trong toàn lực lượng để mọi người nghe tư vấn về sức khỏe, được động viên thăm hỏi, được bố trí công tác phù hợp… Sự chân tình, trách nhiệm của lãnh đạo đã thắp niềm tin cho các gia đình hiếm muộn con. Ở các đồn biên phòng, gia đình quân nhân hiếm muộn đã được Bộ Tư lệnh hỗ trợ kinh phí xây nhà để đón các cặp vợ chồng. Những ngày vợ chồng ở đơn vị sẽ được bảo đảm ăn, ở. Những đồn Biên phòng dẫu là ở cực Bắc như Sì Lờ Lầu – Lai Châu đến đồn Biên phòng Sông Đốc – Cà Mau ở cực Nam Tổ quốc đều có gian phòng trong ngôi nhà hạnh phúc dành cho vợ chồng hiếm muộn. Những đứa con lính biên phòng đã ra đời từ ngôi nhà hạnh phúc nơi phên dậu Tổ quốc.
Để phát huy vai trò Bộ đội cụ Hồ bộ đội của dân, công tác vận động quần chúng bằng việc làm cụ thể trong việc đổi mới giúp các cấp ủy địa phương xây dựng cơ sở chính trị, giúp dân xóa đói giảm nghèo được Bộ tư lệnh tập trung chỉ đạo toàn diện, cùng địa phương giúp đồng bào dân tộc La Hủ ở Lai Châu, đồng bào dân tộc Rục ở Quảng Bình và nhiều mô hình giúp dân có hiệu quả khác. Đặc biệt từ ý tưởng đề xuất của anh, được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Báo Quân đội Nhân dân phát động đợt vận động: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” gọi tắt là “mái ấm biên cương”. Chính ủy Võ Trọng Việt đồng trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động này. Với quyết tâm cao, cách làm thiết thực, mọi người quyết làm bằng được. Từ việc tuyên truyền, kêu gọi, trực tiếp đi nhiều nơi nói rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của cuộc vận động. Cuộc vận động đã được lãnh đạo các tỉnh, thành, cơ quan, các lực lượng, nhất là các doanh nghiệp trong cả nước vào cuộc mạnh mẽ, ủng hộ làm nhà cho đồng bào nghèo biên giới và xây dựng các công trình phúc lợi nơi biên giới, hải đảo.
Tiếp xúc với Trung tướng Võ Trọng Việt tôi thấy anh luôn gần gũi chân tình với mọi người. Anh luôn chăm chú lắng nghe các ý kiến. Khi trao đổi, dẫu đấy là nguyên tắc, là lý luận, là quan điểm, khái quát, nhưng anh có cách diễn đạt sắc sảo, thông minh, dễ hiểu, dễ gần và luôn bám vào thực tiễn. Phong cách ấy cùng với cuộc sống giản dị, đã tạo cho anh dẫu đang giữ cương vị, trọng trách cao, là Tư lệnh, là Anh hùng, là Đại biểu Quốc hội, vẫn dung dị đời thường. Trung tướng Võ Trọng Việt là người luôn hòa mình với cuộc sống của đồng đội, gần gũi với đời sống thường nhật của nhân dân.
Phùng Văn Khai

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP