Phan Văn Đức tiến bộ vượt bậc khi được làm việc cùng HLV Park Hang-seo |
Kể từ chiến tích về nhì tại giải U23 châu Á 2018, bóng đá Việt Nam liên tục có thêm nhiều thành công mới, với nòng cốt là thế hệ vàng Quang Hải, Công Phượng, Đình Trọng, Văn Thanh…
Thực tế, thế hệ vàng của tuyển Việt Nam là sự kết hợp của hai lớp cầu thủ, 1993-1995 và 1996-1997. Số này thi đấu cùng nhau nhiều năm, giàu kinh nghiệm và thấm nhuần triết lý của thầy Park.
Tuy nhiên, không ít cái tên chỉ thực sự được nâng tầm thành ngôi sao ở vị trí của mình dưới thời HLV Park Hang-seo.
Có thể kể ra một vài ví dụ tiêu biểu như: Phan Văn Đức, Nguyễn Tuấn Anh, Trần Đình Trọng, Đỗ Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu, Quế Ngọc Hải…
Mặc dù vậy, lớp cầu thủ kế cận của tuyển Việt Nam (sinh từ năm 1998 đổ về sau) lại không có những cái tên xuất chúng.
Nhìn vào hành trình U23 Việt Nam trải qua tại VCK U23 châu Á 2020 mới thấy được lỗ hổng lớn về mặt lực lượng của bóng đá Việt Nam.
Nhiều cầu thủ được đánh giá tiềm năng chưa thể phát triển vượt bậc dưới sự chỉ đạo của thầy Park giống lứa đàn anh. Ví dụ như: Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Bảo Ngọc, Đỗ Thanh Thịnh, Trần Bảo Toàn…
Không thể đổ lỗi cho thời gian bởi đa phần cầu thủ dự VCK U23 châu Á 2020 đều đã dự SEA Games 30. Nhiều người còn từng đá vòng loại U23 châu Á cùng nhau.
Vậy tại sao HLV Park Hang-seo lại chưa thể nâng tầm lứa kế cận của tuyển Việt Nam? Thứ nhất, có thể thấy nền tảng của lứa cầu thủ này không bằng lứa Quang Hải, Công Phượng.
Thứ hai, cần phải thừa nhận rằng, U23 Việt Nam hiện tại gặp quá nhiều thách thức khi các đối thủ lớn đều dè chừng, dẫn tới lối chơi chưa ưng ý.
Thứ ba, theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, làm bóng đá không phải cứ có 1 lứa giỏi là lứa sau cũng phải giỏi. Việc 1 cầu thủ hay 1 lứa cầu thủ xuất sắc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.
Cuối cùng, có thể thấy áp lực thành tích quá lớn khiến HLV Park Hang-seo không còn quá chú tâm được vào việc phát triển các cá nhân. Ông phải đặt chiến thắng của đội lên hàng đầu.
Tác giả: Hoàng Yến
Nguồn tin: Báo Giao Thông