TrustBank – Ngân hàng TMCP Đại Tín – tiền thân là Ngân hàng thương mại cổ phần Nông thôn Rạch Kiến. Trong 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ, nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn (Sáu Phấn) đại diện sở hữu 84,9% cổ phần.
Theo cơ quan điều tra, đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước thanh tra TrustBank, phát hiện thực trạng tài chính ngân hàng rất xấu. Vốn chủ sở hữu âm hơn 2.854 tỷ, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ. Ngân hàng Nhà nước sau đó đồng ý phương án tái cơ cấu, cho phép nhóm bà Phấn chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh đại diện.
Trên thực tế, trước khi được chấp thuận phương án tái cơ cấu, bà Phấn đã làm hợp đồng chuyển giao TrustBank cho ông Hà Văn Thắm. Ông Thắm sau đó giới thiệu cho ông Danh.
Ngày 6/6/2012, bà Phấn ký biên bản chuyển nhượng ngân hàng cho Phạm Công Danh với giá hơn 4.600 tỷ đồng. Tài sản chuyển nhượng kèm theo bao gồm 9 ha đất quận 2, gần 25 ha đất Nhà Bè, cổ phần bảo hiểm Hùng Vương, cổ phiếu Chứng khoán Đại Việt, cổ phần Ngân hàng Đại Tín. Đồng thời, ông Danh phải kế thừa các khoản nợ mà TrustBank để lại.
Ông Danh đưa người vào điều hành và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng – VNCB; chuyển hơn 3.580 tỷ đồng vào tài khoản phong tỏa của bà Phấn mở tại Ngân hàng Xây dựng. Tuy nhiên, ông không thể lấy tài sản ra để sử dụng.
Quá trình điều hành ông Danh và cấp dưới có nhiều sai phạm dẫn đến ngân hàng thua lỗ 9.000 tỷ đồng.
Lý giải về việc chưa thể chuyển giao tài sản như cam kết ban đầu với ông Danh, bà Phấn cho rằng ông này chưa thanh toán hết tiền theo thỏa thuận (còn thiếu 1.037 tỷ đồng) và tài sản trên đang thế chấp tại Ngân hàng Đại Tín để đảm bảo khoản vay của nhóm Phú Mỹ mà ông Danh chưa thanh toán. Nguồn gốc số tiền ông Danh trả mình, bà không biết và không có ý kiến.
Bà Phấn được cho là có nhiều sai phạm trong thời gian điều hành TrustBank. Ảnh: Q. T.
Quá trình xét xử sơ thẩm ông Danh và đồng phạm hồi tháng 9 năm ngoái, VKS cho rằng có căn cứ xác định vốn chủ sở hữu của TrustBank bị âm hơn 2.800 tỷ đồng là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do nhóm bà Phấn, ông Hoàng Văn Toàn (Chủ tịch HĐQT), Trần Sơn Nam (Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) trong quá trình điều hành ngân hàng gây ra.
Đồng thời, trong quá trình kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm liên quan đến hành vi của nhóm Phú Mỹ, VKS phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Bà Phấn sử dụng 29 cá nhân đứng tên vay tiền, thế chấp tài sản có giá trị thấp hoặc không thế chấp tài sản, để lấy tiền ngân hàng góp vốn đầu tư cho các công ty thành viên.
“Việc ký hợp đồng mua bán trái phép, cho vay nhận tài sản thế chấp, làm các thủ tục giải ngân nhưng không giao tiền cho người vay, việc mua cổ phần ngân hàng Đại Tín, mua sắm tài sản cố định, mua bán nhà lòng vòng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước…”, VKS nêu quan điểm và kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án liên quan đến nhóm bà Phấn.
Chấp nhận quan điểm của VKS, TAND TP HCM khởi tố vụ án, điều tra những sai phạm của bà Phấn và những người có liên quan. Tóa án sau đó cũng ra quyết định thu hồi gần 1.000 tỷ đồng được cho là tiền ông Danh phạm tội mà từ hành vi Cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng chuyển cho bà Phấn.
Quyết định này cũng được TAND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên trong phiên xử ông Danh hồi đầu năm.
Hôm 24/3, sau 6 tháng khởi tố vụ án, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (C46, Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bà Hứa Thị Phấn và một số người liên quan về hành vi Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhà chức trách cũng thực hiện lệnh khám xét nơi ở của bà Phấn – căn biệt thự màu trắng ở quận Thủ Đức (TP HCM) – và Ngân hàng Xây dựng chi nhánh Lam Giang (trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1).
Trước đó, Bộ Công an cũng bắt tạm giam ông Hoàng Văn Toàn về sai phạm trong thời gian là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín (sau thời bà Phấn); cựu Tổng giám đốc Trần Sơn Nam và ít nhất 5 người khác.
Hải Duyên / Theo VnExpress