Trong những năm tháng kháng chiến, cả gia đình tôi theo ba – nhà giáo, nhà văn, nhà biên kịch, dịch giả Hoàng Hữu Đản về Hà Tĩnh dạy học. Ba tôi đã từng dạy ở Cẩm Xuyên, Hương Khê nhưng Phù Việt là nơi lâu nhất. Năm 1955-1956, ba tôi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường cấp 2 ở Phù Việt. Mẹ tôi sinh con gái thứ ba cũng tại mảnh đất này. Phù Việt cũng là nơi mẹ con tôi học được nghề làm nón, cái nghề thủ công nhẹ nhàng, đáng yêu đã giúp chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống gian nan, vất vả hồi đó. Chợt nhớ câu hát trong bài “Ru mẹ” của con trai tôi – nhạc sỹ Lê Minh Sơn: “Mẹ tôi đêm khâu từng chiếc nón, nâng cả trời xanh cho tôi bằng chị bằng anh”. Nghề nón Phù Việt đã theo tuổi thơ của chị em tôi như thế đó, để rồi cũng theo cả tuổi thơ của các con tôi trong những nghĩa tình!
Tôi được 2 cô giáo trẻ là Thủy và Nga – học sinh của chồng tôi đưa về thăm Phù Việt. Đã quá lâu nên tôi chỉ còn mường tượng Phù Việt ở ven đường lớn. Suốt quãng đường, tôi vừa nhớ lại những kỷ niệm, vừa băn khoăn: liệu ở Phù Việt còn ai nhớ tới nhà mình, nhớ tới ba mình? Rẽ vào làng, chúng tôi hỏi thăm nhà ông chắt Hoằng, người đã cho cả nhà tôi ở hẳn một ngôi nhà có vườn tre bao quanh. Thật đáng tiếc khi biết gia đình ông đã chuyển vào Nam sinh sống từ lâu. Tôi lại hỏi thăm tới nhà cố Hướng – một người cao tuổi nhưng còn rất minh mẫn trong làng với hy vọng cố còn nhớ tới ba tôi. Quả nhiên, sau khi nghe tôi nói chuyện, cố nói ngay: “Thầy Đản cao gầy, da xanh mái phải không?”. Tôi mừng rỡ. Vậy là người Phù Việt vẫn nhớ tới ba mình.
Cố Hướng dẫn chúng tôi tới nhà anh Nhung, học trò cũ của ba tôi. Anh Nhung đã 76 tuổi mà vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh như một “lão nông tri điền”. Anh là kỹ sư, nguyên là trợ lý của Thứ trưởng Bộ GTVT và là trợ lý của Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. Về nghỉ hưu, anh được cán bộ, nhân dân địa phương tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi kiêm Ủy viên BCH Hội khuyến học Phù Việt. Anh Nhung mừng rỡ, hồ hởi tiếp chuyện và cho biết chính ngôi nhà này trước đây là chỗ ở của gia đình tôi trước khi chuyển sang nhà ông chắt Hoằng.
Lật giở từng trang cuốn “Lịch sử trường Phù Việt 1935 – 2010” do anh đề tặng, tôi rưng rưng trước những dòng chữ viết về ba: “Năm học 1955 – 1956 có thêm 2 lớp 7 với 340 học sinh do thầy Hoàng Hữu Đản làm hiệu trưởng… Thầy Hoàng Hữu Đản là một gương điển hình vượt qua hoàn cảnh khó khăn chăm lo giảng dạy tốt, luôn tự sáng tác văn thơ để tuyên truyền giáo dục cho học sinh lòng căm thù giặc, tình yêu Tổ quốc và quê hương”… Đọc cuốn “Lịch sử trường Phù Việt 1935 – 2010”, tôi được biết thêm nhiều về “Làng Đỏ”, những tấm gương về giảng dạy, học tập, trưởng thành, về những tấm lòng cao cả đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của người dân Phù Việt mà khi còn nhỏ, tôi chưa biết đến.
Từ một vùng quê nghèo, Phù Việt đang phát triển từng ngày và trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ảnh CT
Ngày dạy học trên mảnh đất này, ba tôi và các con đều có phụ cấp 20 kg gạo thay tiền lương. Nhưng có khi 3, 4 tháng mới được lãnh gạo một lần. Vậy là các thầy được dân nuôi! Tôi còn nhớ thúng gạo trắng và một tảng thịt lợn ông chắt Hoằng – người khá giả trong làng – cho người chở đò đưa tới nhà tôi trong một mùa lụt. Những gia đình khác, nhà cửa chật chội hơn cũng cố gắng đón được một thầy hoặc cô về ở, có nhà còn bán bớt cả ruộng để thêm vào nuôi thầy như nhà cố Thao. Truyền thống hiếu học và tình người nơi làng quê nghèo này vẫnmãi theo gia đình tôi.
Hồi đó, cứ tới mùa bới khoai, tôi cũng cắp rổ đi mót theo chúng bạn. Các bác nông dân bới khoai bằng cách cuốc hoặc cày hai bên luống, người đi sau chỉ việc nhấc cả túm khoai củ lông lốc lên, nhìn thích lắm. Bọn trẻ chúng tôi mót cũng được cả rổ, có bác còn gọi cho tôi củ khoai to tướng như cái bình vôi. Tôi cũng từng đứng lên cái bừa theo trâu khi bác hàng xóm bừa ruộng, cũng trốn ba mẹ theo bạn đi lấy đất sét trắng về làm phấn viết bảng… Tôi không quên được kỉ niệm về bát cháo cám nhà hàng xóm trong những ngày lụt lội ở Phù Việt. Ngoài ruộng, cọng rau má không còn, thân cây đu đủ ăn được trong vườn cũng bị chặt hết. Một buổi tối, em gái tôi nằng nặc đòi mẹ sang hàng xóm đổi cơm lấy bát cháo cám (dân Phù Việt không bao giờ để các thầy cô phải ăn cháo). Hai chị em tôi tranh nhau bát cháo nhưng mới đưa được một miếng vào miệng thì phải nhè ra vì nó vừa đăng đắng, vừa ngai ngái rất khó chịu. Vậy mà những bác nông dân nghèo và con cái họ đã phải ăn như vậy trong bao lâu! Vậy mà họ vẫn hiếu học, vẫn đóng góp nuôi thầy, vẫn kiên cường chịu gian khó, thật xứng đáng là “Làng Đỏ”, xứng đáng là lá cờ đầu của ngành Giáo dục Hà Tĩnh những năm 1945 – 1954.
Thanh bình Làng Đỏ. Ảnh CT
Về với Phù Việt, về lại quê hương thứ hai, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc thiêng liêng nhưng vẫn thấy một chút ân hận. Nhà tôi đã chuyển ra Bắc năm 1957, vậy mà nay tôi mới có dịp trở lại nơi này. Giá như tôi thu xếp về được sớm hơn để được gặp các thầy dạy cùng ba tôi và nhiều học sinh cũ của ba tôi nữa. Tôi đã bao lần tự vấn mình bằng sự “giá như” như thế, để rồi lỗi hẹn với đất và người Phù Việt cũng bấy nhiêu lần!
Làng quê Phù Việt nghèo mà hiếu học ngày xưa, nay đã đổi thay, trù phú; là một trong những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đường làng bê tông sạch sẽ, nhà cửa kiên cố, khang trang. Khu trung tâm hành chính xã, trường học, nhà văn hóa sừng sững, đầy đủ tiện nghi. Trường cấp 2 Phù Việt mà ba tôi dạy xưa kia, nay đã mang tên trường THCS Nguyễn Thiếp – một người con của quê hương Phù Việt và là nhà hoạt động cách mạng xuất sắc của Hà Tĩnh. Làng xóm vẫn thanh bình, vẫn những rặng tre hiền hòa bao quanh, vẫn ruộng đồng xanh tốt, vẫn thuần chất một làng quê miền Trung yên ả đã nuôi dạy biết bao con người thành đạt, vẹn tình.
Rời Hà Tĩnh, lòng tôi đầy lưu luyến, bịn rịn. Xin cảm ơn Phù Việt, nơi đất và người đã ôm ấp, che chở, nuôi dưỡng gia đình tôi những năm kháng chiến chống Pháp; nơi bồi đắp tình người, đức tính cần cù và tinh thần hiếu học cho chúng tôi đến tận bây giờ!
Hoàng Thị Như Mỹ
(32 – ngách 102/14 Pháo Đài Láng – Hà Nội)
Bao Ha Tinh