Tuỳ bút Quê hương

Vài cảm nhận từ khúc ca về một dòng sông quê hương

Hình như nhạc sĩ Trần Hoàn duyên nợ với quê hương Hà Tĩnh mình lắm (?!). Bởi, những giai điệu, tiết tấu, âm sắc và ca từ trong các sáng tác của ông cứ neo đậu trong trái tim và tình cảm của người dân xứ Nghệ nói riêng và mọi người nói chung…

Ơi con sông Ngàn Phố

Sáng tác: Trần Hoàn


Ơi con sông Ngàn Phố của tôi ơi


(chứ) Em sinh khi mô thì tui đây nỏ biết


Những chuyện ngày xưa kể mần răng cho hết


Chỉ biết bây giừ xanh biếc những bờ cây


Ơi con sông Ngàn Phố của hôm nay


Nắng ban mai nhuộm sông màu sáng


Và Ngàn Sâu như hai hàng lụa trắng


Để sông La chảy mãi lững lờ.


Tôi đi từ chợ Thượng, tôi ngược bến Tam Soa


Như con thuyền ngày xưa tôi đi theo Ngàn Phố


Hương Sơn quê mình đó với Nước Sốt, Cầu Treo


Dãy núi Nầm cheo leo quanh năm trầm mặc.


Tôi đi giữa đồng lạc, qua viếng mộ Lãn Ông


Gặp đường Hồ Chí Minh vắt ngang con đường Tám


Đường lên thăm nước bạn cũng có gì đâu xa


Rừng thắm nở hoa chờ đợi anh trở về.


Ngàn Phố của hôm nay gừng vẫn cay, muối vẫn mặ


nMà nghĩa tình càng sâu nặng, con cá mát với bát chè xanh


Đã đến giờ xa nhau, đã đến phút chia tay


Mà răng đi nỏ được, mà răng đi nỏ được


Ơi Ngàn Phố của tôi…!



Ca khúc: “Ơi con sông Ngàn Phố” có ca từ được diễn đạt dưới hình thức của ngôn ngữ thơ. Hai đoạn mở đầu được phát triển trên nền nhạc nhẹ nhàng, êm êm, đậm âm sắc câu vè, điệu ví dân ca xứ Nghệ mà ngọt ngào như tiếng mẹ ru. Một là “con sông Ngàn Phố”của ngày xưa: “Em sinh khi mô mà tui đây nỏ biết” và một là “Con sông Ngàn Phố của hôm nay, nắng ban mai nhuộm sông màu sáng”.


Giọng nữ trung, trong trẻo đầy mê hoặc dìu dặt, thướt tha, luyến láy như đưa ta về với con sông Ngàn Phố thuở hồng hoang; vượt qua không gian, băng qua thời gian cùng những biến cố, thăng trầm của lịch sử để hôm nay, có một Ngàn Phố hợp lưu cùng với một Ngàn Sâu “như hai hàng lụa trắng” dệt nên một dòng La êm đềm “lững lờ” trôi, mà trên đó có rất nhiều chiến công đã đi vào huyền thoại.


Chất liệu dân ca như hoà quyện trong mỗi ca từ. Cảm từ “Ơi” ở đầu mỗi đoạn kết hợp với động từ sở hữu “của” (“Ơi con sông Ngàn Phố của tôi ơi!” và “Ơi con sông Ngàn Phố của hôm nay) qua sự sáng tạo của ca sỹ, được chắp cánh từ giai điệu mang âm hưởng mượt mà, dịu ngọt của dân ca xứ Nghệ, tạo nên âm ba du dương, lắng sâu và da diết; như đăm đắm, thiết tha; như bâng khuâng, day dứt, luyến nhớ và tự hào trước biến cố của thời gian “vật đổi sao dời” và cảm thức của lòng người. Người nghệ sỹ đã níu thời gian từ thuở hồng hoang về với hiện tại để cho“con sông Ngàn Phố” hôm nay không còn là một hiện tượng tự nhiên hoang sơ nữa mà thực sự trở thành một nhân vật trữ tình, được tác giả cách điệu hoá thành “Em” – Em sông Ngàn Phố! Một sự phi lý trong logic đời sống nhưng lại thật có lý trong nghệ thuật. Rất táo bạo mà cũng thật dễ thương! (chứ “Em sinh khi mô thì tui đây nỏ biết”).


Có lẽ (tất cả chúng ta) cũng chỉ có thể biết rằng sông Ngàn Phố khởi nguồn từ phía tây thuộc dãy Trường Sơn còn “sinh khi mô” thì ai mà biết được (?!). Cái quá khứ thuở “khai thiên lập địa” với hiện tại đã vượt lên không gian và thời gian vô định để xích lại gần nhau bởi cụm từ “chỉ biết”. “Chỉ biết bây giừ xanh biếc những bờ cây” mà thôi. Còn ngoài ra chỉ là sự tồn tại!


Mô típ “chứ” mà ta thường gặp trong ví giặm Nghệ – Tĩnh (giặm: chêm, xen, thêm vào những chỗ thưa, trống – giặm lúa) như: “Em ơi (chứ) khoan vội bực mình”; (chứ) “Giận thì giận mà thương thì thương”; “(chứ) Khi tui chưa đánh thằng Mỹ, thì nghe đồn ngược đồn xuôi…”… khi đến tình khúc nổi tiếng “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” thì đã được nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sử dụng rất “đắc địa” ở câu mở đầu: (chứ) “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh…” và lần này trong ca khúc “Ơi con sông Ngàn Phố” lại đượcTrần Hoàn phát triển rất linh hoạt.


Lại nữa, việc đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “tôi” ở câu thứ nhất được tác giả tinh tế chuyển ngay sang tiếng địa phương Hà Tĩnh “tui” ở câu thứ hai, kết hợp việc sử dụng với tần số cao các phương ngữ khác như “khi mô”, “nỏ biết” tạo nên sự đậm đặc của ngôn ngữ xứ Nghệ trong một câu hát, gây cảm hứng thích thú cho người nghe: (chứ) “Em sinh khi mô thì tui đây nỏ biết”.


Như vậy, từ việc vận dụng chất liệu dân ca đến sự kết hợp rất tinh tế những phương ngữ Nghệ – Tĩnh như “khi mô”,“nỏ”, “mần răng”, “bây giừ” v.v…, người nghệ sỹ đã cùng ta đi từ quá vãng xa xưa trở về với cuộc sống hôm nay bằng hai đoạn tiếp theo rất giàu tính tự sự với yêú tố kể nhằm “điểm danh” những vùng “địa linh”, những “nhân kiệt”, “hiền tài” đậm chất sử thi, đã đi vào sử sách; gợi nhớ về một thời chưa xa mà mảnh đất và con người Hà Tĩnh phải gồng mình lên, bám đất quê hương để tồn tại, để sống và làm nên lịch sử, làm nên Đất nước. Hơn một lần chúng ta đã từng được gặp những tên đất, tên người người như thế trong ca khúc “Mời anh về Hà Tĩnh”: “… vào tận Đèo Ngang rồi vòng lên Chu Lễ…ghé Đức Thọ, Hương Sơn; Can Lộc vào Cẩm Xuyên; Thạch Hà ra Hồng Lĩnh… qua huyện Nghi Xuân,… thăm mộ Nguyễn Du;… lên đồi Cụ Phan,… qua nhà Trần Phú…”.


Không phải là sự trùng lặp, mà là trước đó, tác giả như còn để ngỏ, nên đến ca khúc này, ông lại gợi nhắc và nhấn mạnh thêm một lần nữa như để khẳng định, như để tự hào và thưởng thức:


Tôi đi từ chợ Thượng, tôi ngược bến Tam Soa


Như con thuyền ngày xưa, tôi đi theo Ngàn Phố


Hương Sơn quê mình đó, có Nước Sốt, Cầu Treo


Dãy núi Nầm cheo leo, quanh năm trầm mặc


Tôi đi giữa đồng lạc, qua viếng mộ Lãn Ông


Gặp đường Hồ Chí Minh, vắt ngang con đường Tám…


Những tên đất, tên người được nêu lên ở đây, đâu chỉ là ghi dấu chiến công trong quá khứ. Đó còn là những địa chỉ văn hoá và những vùng kinh tế mở trong thời “hội nhập”, “mở cửa” hôm nay. Đó là bến Tam Soa (ba dải lụa) – nơi hợp lưu của Ngàn Sâu, Ngàn Phố để đổ vào sông La thuộc địa phận xã Tùng Ảnh, Đức Thọ – vùng “địa linh” với biết bao “nhân kiệt” như Phan Đình Phùng, Trần Phú… Rồi Nước Sốt, Cầu Treo là chốn khởi nguồn và là tiềm năng cho những vùng kinh tế mới. Giai điệu trầm lắng như thủ thỉ, tâm tình, như lời ru ngọt ngào da diết, như hoài niệm mà cũng rất mực tự hào muốn gọi mời khách thập phương hãy về với “Hương Sơn, Ngàn Phố, Nước Sốt, Cầu Treo…”


Nhịp điệu và tiết tấu ở đây mạnh dần lên và dồn dập, khắc hoạ hình ảnh dòng sông nơi thượng nguồn, có độ dốc lớn, nước chảy xiết hơn, nên câu hát như được tách ra với nhịp 3/2 và 2/2 ở câu cùng của khổ thơ tạo sự dứt khoát, gấp gáp như nhịp chèo trên sông Ngàn Phố:


Tôi đi từ / chợ Thượng / tôi ngược bến / Tam Soa


Như con thuyền/ ngày xưa / tôi đi theo / Ngàn Phố


Hương Sơn / quê mình đó /có Nước Sốt / Cầu Treo


Dãy núi Nầm / cheo leo / quanh năm / trầm mặc…


Ai từng lên Hương Sơn nếu đi đường bộ, sẽ phải qua Ngã ba Nầm. Đây là một chặng của “Đường mòn Hồ Chí Minh” huyền thoại. Trong kháng chiến chống Mỹ, nó đã trở thành “túi bom”do không quân Mỹ dội xuống hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Núi Nầm giờ đây toạ lạc một nghĩa trang Liệt sỹ lớn, nơi yên nghỉ cho những người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh, của Mẹ Việt Nam đã hy sinh vì nước và nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nước bạn Lào. Bởi vậy mà dãy núi Nầm như càng thêm “trầm mặc” và thiêng liêng! Chất liệu dân ca vùng quê Nghệ Tĩnh đã quyện lại, lắng sâu vào từng ca từ, được nhạc sỹ xử lý một cách linh hoạt và uyển chuyển tạo nên tiết tấu đậm đặc âm sắc chất giọng xứ Nghệ.

Vài cảm nhận từ khúc ca về một dòng sông quê hương

Ngàn Phố êm đềm

Đoạn cuối như một dấu lặng, khép lại cảm xúc trước lúc đạt tới cao trào và độ viên mãn khi nhạc sỹ vận dụng chất liệu “gừng cay, muối mặn” trong câu ca dao “Muối ba năm, muối đang còn mặn; Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay” và một sự so sánh cũng thật dung dị, đơn sơ để chỉ một Ngàn Phố, hay nói rộng ra là một Hà Tĩnh hôm nay đã đổi mới và đi lên cùng đất nước. Đã “đàng hoàng, to đẹp hơn” nhưng vẫn luôn giữ một điều không bao giờ thay đổi, đó là tình người sâu nặng, thuỷ chung, nghĩa tình, son sắt:


Ngàn Phố của hôm nay, gừng vẫn cay, muối vẫn mặn


Mà nghĩa tình sâu nặng, như con cá mát với bát chè xanh


Hương Sơn nổi tiếng với nhiều đặc sản quý hiếm như lộc nhung hươu, như cam bù, mật ong rừng cùng nhiều lâm sản quý… Vậy nhưng nhạc sỹ chỉ chọn hai sản vật bình dị nhất đó là “con cá mát” và “bát nước chè xanh” để bộc bạch tấm lòng của người dân Hương Sơn, Hà Tĩnh mình chân quê mà nặng tình, chung thuỷ. Đơn sơ mà rất đỗi bền chặt, sáng trong. Chính điều đó cắt nghĩa vì sao đôi chân người nghệ sỹ cùng tất cả những ai đến với Hương Sơn, trong giờ phút chia xa cứ như bị níu giữ, không thể nào “dứt áo ra đi” được:


Đã đến giờ xa nhau, đã đến phút chia tay


Mà răng đi nỏ được! Mà răng đi nỏ được?


Ơi Ngàn Phố của tôi!


Điệp khúc, sự kéo dài và luyến láy không dứt của âm ba tạo nên sự dùng dằng, day dứt “Mà răng đi nỏ được? Mà răng đi nỏ được?!” để cuối cùng bật lên cảm xúc dâng trào, trong niềm kiêu hãnh và tiếc nuối khi phải chia tay “Ngàn Phố của tôi!”.


Có nhiều nhạc sỹ viết về những dòng sông và có nhiều dòng sông được các nhạc sỹ thể hiện và gửi gắm bằng nhiều cung bậc tình cảm say đắm khác nhau của lòng mình, nhưng “Ơi con sông Ngàn Phố” của nhạc sỹ Trần Hoàn là nhạc phẩm có một tiếng nói riêng, một cảm xúc riêng; là bản tình ca sâu lắng mà trào dâng như những nhịp sóng, mãi vỗ dạt dào vào bến bờ tâm tưởng của người nghe.


————————


Khi mô: khi nào, lúc nào; tui: tôi; mần răng: làm sao; nỏ: chẳng, không; răng: sao, tại sao; bây giừ: bây giờ


Vương Khả Sơn

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP