Tuỳ bút Quê hương

Vài cảm nhận từ ca khúc về một dòng sông quê hương

Không biết tự bao giờ, tôi yêu những ca khúc viết về Hà Tĩnh quê mình đến vậy?! Có phải vì "duy ý chí" khi nghĩ mình là người Hà Tĩnh nên tôi cứ đồ rằng những ca khúc viết về mảnh đất và con người của núi Hồng, sông La hay đến mức mà hiếm một vùng quê nào trên đất nước này có được. Có thể liệt kê: Chào em cô gái Lam Hồng; Người con gái sông La;Gửi sông La; Một khúc tâm tình của người Hà Tình; Hà Tĩnh mình thương; Nơi ấy quê mình; Mời anh về Hà Tĩnh; Sông La ngày về; Núi Hồng Sông La… vân vân và vân vân…

Dãy núi Nầm cheo leo, quanh năm trầm mặc


Tôi đi giữa đồng lạc, qua viếng mộ Lãn Ông


Gặp đường Hồ Chí Minh, vắt ngang con đường Tám…



Những tên đất, tên người, được nêu lên ở đây, đâu chỉ là ghi dấu chiến công trong quá khứ. Đó còn là những địa chỉ văn hoá và những vùng kinh tế mở trong thời “hội nhập”, “mở cửa” hôm nay. Đó là bến Tam Soa (ba dải lụa) nơi hợp lưu của Ngàn Sâu, Ngàn Phố để đổ vào sông La thuộc địa phận xã Tùng Ảnh, Đức Thọ – vùng “địa linh” với biết bao “nhân kiệt” như Phan Đình Phùng, Trần Phú…Rồi Nước Sốt, Cầu Treo là chốn khởi nguồn và là tiềm năng cho những vùng kinh tế mới. Giai điệu trầm lắng như thủ thỉ, tâm tình, như lời ru ngọt ngào da diết, như hoài niệm mà cũng rất mực tự hào muốn gọi mời khách thập phương hãy về với “Hương Sơn, Ngàn Phố, Nước Sốt, Cầu Treo…”


Nhịp điệu và tiết tấu ở đây mạnh và dồn dập. Khắc hoạ hình ảnh dòng sông nơi thượng nguồn, có độ dốc lớn, nước chảy xiết hơn, nên câu hát như được tách ra làm tư với nhịp 3/2, 2/3 và 2/2 ở câu cuối của khổ thơ tạo sự dứt khoát, gấp gáp như nhịp chèo trên sông Ngàn Phố:


Tôi đi từ / chợ Thượng / tôi ngược bến / Tam Soa


Như con thuyền /ngày xưa / tôi đi theo /Ngàn Phố


Hương Sơn / quê mình đó /c ó Nước Sốt / Cầu Treo


Dãy núi Nầm / cheo leo / quanh năm / trầm mặc…



Ai từng lên Hương Sơn nếu đi đường bộ, chắc sẽ phải qua Ngã ba Nầm. Đây là một chặng của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại; trong kháng chiến chống Mỹ đã trở thành “túi bom”do không quân Mỹ dội xuống hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Núi Nầm giờ toạ lạc một nghĩa trang Liệt sỹ lớn, nơi yên nghỉ cho những người con quê hương Hà Tĩnh, của Mẹ Việt Nam đã hy sinh vì Nước và vì nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nước bạn Lào. Bởi vậy mà dãy núi Nầm càng thêm “trầm mặc” và thiêng liêng! Chất liệu dân ca vùng quê Nghệ Tĩnh đã quyện lại, lắng sâu vào từng ca từ, được nhạc sỹ xử lý một cách linh hoạt và uyển chuyển tạo nên tiết tấu đậm đặc âm sắc chất giọng xứ Nghệ .


Đoạn cuối như một dấu lặng, khép lại cảm xúc trước lúc đạt tới cao trào và độ viên mãn khi nhạc sỹ vận dụng chất liệu”gừng cay, muối mặn” trong câu ca dao “Muối ba năm, muối đang còn mặn; Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay” và một sự so sánh cũng thật dung dị, đơn sơ để chỉ một Ngàn Phố hay nói rộng ra là một Hà Tĩnh hôm nay đã đổi mới và đi lên cùng đất nước. Đã “đàng hoàng, to đẹp hơn” nhưng vẫn luôn giữ một điều không bao giờ thay đổi, đó là tình người sâu nặng, thuỷ chung, nghĩa tình, son sắt:


Ngàn Phố của hôm nay, gừng vẫn cay, muối vẫn mặn


Mà nghĩa tình sâu nặng, như con cá Mát với bát chè xanh…


Hương Sơn nổi tiếng với nhiều đặc sản quý hiếm như lộc nhung hươu, như cam bù, mật ong rừng cùng nhiều lâm sản quý…Vậy nhưng nhạc sỹ chỉ chọn hai sản vật bình dị nhất đó là “con cá Mát” và “bát nước chè xanh” để bộc bạch tấm lòng của người dân Hương Sơn, Hà Tĩnh mình chân quê mà nặng tình, chung thuỷ; đơn sơ mà rất đỗi bền chặt, sáng trong. Chính điều đó cắt nghĩa vì sao đôi chân người nghệ sỹ cùng tất cả những ai đến với Hương Sơn, trong giờ phút chia xa cứ như bị níu giữ, không thể nào “dứt áo ra đi” nổi:


Đã đến giờ xa nhau, đã đến phút chia tay


Mà răng đi nỏ được! Mà răng đi nỏ được?…


Cô ca sỹ đã thể hiện bằng điệp khúc và sự kéo dài và luyến láy không dứt âm ba tạo nên sự dùng dằng, day dứt “Mà răng đi nỏ được?! Mà răng đi nỏ được?” để cuối cùng bật lên cảm xúc dâng trào, trong niềm kiêu hãnh và tiếc nuối khi phải chia tay: “Ngàn Phố của tôi!”


Chưa có may mắn được biết danh tính của người thể hiện ca khúc này, nhưng tôi thật sự xúc động, tự hào và cảm ơn cô gái – ca sỹ, đã chắp cánh cho bài hát “Ơi con sông Ngàn Phố” được thăng hoa trong bầu trời âm nhạc. Bài hát đã ghi thêm vào danh sách những ca khúc tuyệt vời, hát về quê hương Hà Tình yêu dấu của chúng ta!


Có nhiều nhạc sỹ viết về những giòng sông và có nhiều giòng sông được các nhạc sỹ thể hiện và gửi gắm bằng nhiều cung bậc tình cảm say đắm khác nhau của lòng mình, nhưng “Ơi con sông Ngàn Phố” của nhạc sỹ Trần Hoàn là nhạc phẩm có một tiếng nói riêng, một cảm xúc riêng, là bản tình ca sâu lắng mà dâng trào như những nhịp sóng, mãi vỗ dạt dào vào bến bờ tâm khảm của người nghe.



TP. Hà Tĩnh, 02/2009


VƯƠNG KHẢ SƠN


(Theo Vuongkhason.vnweblogs.com)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP