Thế giới

Trung Quốc tính lập căn cứ trí tuệ nhân tạo cho tàu ngầm dưới Biển Đông

Trung Quốc đang lên kế hoạch thiết lập một căn cứ ở dưới đáy biển biển để phục vụ hoạt động quốc phòng và khoa học của tàu ngầm không người lái tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang có những hành động mang tính bành trướng.

Tàu ngầm không người lái Qianlong III của Trung Quốc. (Ảnh: Weibo)

Theo SCMP, dự án trên được khởi động tại Viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh trong tháng này sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới một viện nghiên cứu biển sâu tại Tam Á, tỉnh Hải Nam hồi tháng 4. Ông Tập đã kêu gọi các nhà khoa học và các kỹ sư “dám” làm những điều mà chưa ai làm trước đó.

“Chưa có con đường nào mở ra dưới biển sâu. Chúng ta không cần chạy theo (các nước khác). Chúng ta chính là con đường đó”, ông Tập nói.

Ý tưởng thành lập một căn cứ để phục vụ các hoạt động thám hiểm dưới đáy biển đã trở thành đề tài thu hút sự chú ý của các nhà khoa học, các kỹ sư và các tiểu thuyết gia từ hàng trăm năm nay. Thần thoại Hy Lạp cũng truyền cảm hứng cho những câu chuyện về cái gọi là “thành phố dưới biển”.

Theo SCMP, vùng Hadal, nơi đặt căn cứ dưới biển của Trung Quốc, sẽ nằm ở phần sâu nhất của đại dương ở độ sâu từ 6.000 - 11.000m. Các nhà khoa học ước tính dự án này sẽ tiêu tốn khoảng 1,1 tỷ Nhân dân tệ (160 triệu USD), bằng một nửa chi phí của dự án kính thiên văn FAST lớn nhất thế giới tại tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc.

Giống một trạm không gian vũ trụ, tổ hợp dưới biển của Trung Quốc cũng cần có căn cứ để phục vụ việc neo đậu. Do vậy, các kỹ sư cần phát triển các vật liệu có thể chịu được áp lực của nước tại độ sâu lớn như vậy.

“Việc xây dựng một căn cứ trên một hành tinh khác dành cho các cư dân robot với trí tuệ nhân tạo là một thách thức. Công nghệ này có thể thay đổi thế giới”, một nhà khoa học tham gia vào dự án của Trung Quốc cho hay.

Các tàu ngầm robot sẽ được triển khai để khảo sát đáy biển, ghi chép thông tin về các sinh vật sống dưới biển và thu thập các mẫu khoáng sản. Đóng vai trò như một phòng thí nghiệm độc lập, căn cứ dưới biển của Trung Quốc sẽ phân tích các mẫu do tàu ngầm thu được và gửi thông tin lên mặt nước.

Căn cứ dưới biển sẽ phụ thuộc vào hệ thống dây cáp nối với một tàu hoặc một trạm năng lượng và thông tin liên lạc. Tuy nhiên “bộ não” và hệ thống cảm biến thông minh sẽ cho phép chúng hoạt động độc lập. Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn hoài nghi về dự án này.

Nhiều thách thức

Đáy biển là khu vực có môi trường khắc nghiệt, nơi áp lực nước, tình trạng xói mòn, địa chất thường xuyên thay đổi và động đất có thể đe dọa bất kỳ cấu trúc nào được xây dựng trên đó. Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí cho dự án tham vọng này có thể sẽ cao hơn nhiều so với dự tính.

Theo nhà nghiên cứu Du Qinghai tại Trung tâm nghiên cứu công nghệ và khoa học Hadal tại Đại học Đại dương Thượng Hải, con số 1,1 tỷ Nhân dân tệ ước tính để phát triển dự án vẫn còn “khiêm tốn”, mặc dù đây là mức kinh phí chưa từng có tiền lệ để phát triển một cơ sở nghiên cứu dưới biển.

Do chịu áp lực nước rất lớn, căn cứ dưới biển cần đảm bảo độ vững chãi và chắc chắn hơn rất nhiều so với một căn cứ được xây dựng với kinh phí tương đương trên đất liền.

“Việc xây dựng một căn cứ như vậy còn khó hơn xây dựng một trạm không gian. Chưa có nước nào làm được điều này trước đây”, Tiến sĩ Du nhận định.

Theo ông Du, phần lớn kinh phí sẽ được sử dụng để phát triển công nghệ và vật liệu. Chẳng hạn, vật liệu để xây dựng căn cứ neo đậu phải cực kỳ cứng nhưng vẫn phải linh hoạt. Ngoài ra, căn cứ này cũng đối mặt với các thách thức về công nghệ trí tuệ nhân tạo. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, khoảng 99% đáy đại dương, vốn chiếm hơn 70% bề mặt Trái Đất, vẫn chưa được khám phá.

Giáo sư Yan Pin, nhà nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Đại chất biển và đại dương thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết vị trí đặt căn cứ dưới biển cũng cần đáp ứng một số tiêu chí nhất định. Vị trí này phải nằm ở độ sâu đủ lớn, nơi có các hoạt động địa chất đủ nhiều để phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy vậy, cũng không thể chọn một nơi có hoạt động địa chất quá sôi động, nếu không, căn cứ dưới biển có thể bị phá hủy bởi núi lửa phun trào hay sạt lở.

Theo Giáo sư Yan, người từng có hàng chục năm nghiên cứu về đáy Biển Đông, một vị trí tiềm năng cho căn cứ của Trung Quốc là khu vực rãnh Manila. Ông Yan cho biết đây là nơi duy nhất tại Biển Đông có độ sâu vượt quá 5.000m. Tuy vậy, có nhiều hoạt động núi lửa diễn ra trong phạm vi của rãnh này, đặt ra những thách thức cho việc xây dựng căn cứ dưới biển.

Rãnh Manila cũng là một trong những khu vực có nguy cơ động đất mạnh nhất thế giới. Một cuộc nghiên cứu của Viện địa chất thuộc Cơ quan Động đất Trung Quốc năm nay dự đoán một trận động đất lớn tại rãnh Manila có thể tạo ra sóng thần cao tới 4m về phía đồng bằng Châu Giang, bao gồm Hong Kong, trong vòng 3 giờ đồng hồ.

Rãnh Manila cũng nằm gần bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines từ nhiều năm nay. Theo Giáo sư Yan, mặc dù là khu vực tiềm ẩn nhạy cảm chính trị, song việc xây dựng một căn cứ tàu ngầm không người lái dưới biển gần bãi cạn Scarborough vẫn có khả năng xảy ra. Những người ủng hộ dự án nói rằng, Trung Quốc có thể chia sẻ dữ liệu và công nghệ từ căn cứ này với các nước láng giềng.

“Trung Quốc và Philippines có thể thảo luận về việc này. Cảnh báo sóng thần là điểm mấu chốt. Các dữ liệu thu thập được từ căn cứ có thể mang lại lợi ích cho mọi nước trong khu vực và cứu nhiều sinh mạng”, ông Yan cho biết thêm.

Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch cho việc xây dựng các cơ sở biển của nước này, bao gồm một căn cứ dưới biển có người ở đầu tiên trên thế giới. Căn cứ này được thiết kế để hàng chục người có thể sống ở độ sâu 3km dưới mặt nước biển trong vòng 1 tháng. Ngoài ra, Bắc Kinh còn lên kế hoạch xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi, trong đó nhà máy đầu tiên dự kiến hiện diện trên Biển Đông trước năm 2020 nhằm hỗ trợ cho các hoạt động thương mại và quân sự.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP