Thế giới

Chuyên gia “phơi bày” chiến lược sao chép công nghệ của không quân Trung Quốc

Nhà quan sát quân sự Scott Harold nhận định rằng không quân Trung Quốc đang có tham vọng cạnh tranh và thậm chí đánh bại không quân Mỹ. Họ đang áp dụng rất nhiều chiến lược bao gồm việc sao chép công nghệ của nước khác.

Máy bay J-20 của Trung Quốc (bên trái) bị nghi là được phát triển dựa trên F-22 của Mỹ (Ảnh: Quora)

National Interest ngày 24/11 đã đăng tải nghiên cứu của chuyên gia Scott Harold từ tổ chức nghiên cứu RAND (Mỹ). Ông Harold kết luận rằng mục tiêu của không quân Trung Quốc không chỉ là cạnh tranh mà còn muốn đánh bại Mỹ.

Để thực hiện chiến lược đó, chuyên gia này nói rằng Bắc Kinh sẽ mua mọi công nghệ họ có thể, thậm chí sao chép khi họ không thể có được và chỉ bắt đầu sáng tạo và nghiên cứu khi không thể mua hoặc sao chép.

Phân tích của ông Harold có thể hỗ trợ cho những nhà hoạch định quân sự Mỹ tìm ra phương án xử lý những điểm hạn chế của lực lượng Mỹ trong kịch bản xung đột với Trung Quốc bùng phát, cũng như cho các quan chức Washington hiểu được cách nhìn nhận của Trung Quốc về điểm yếu của họ.

“Cạnh tranh với Mỹ không phải là mục tiêu của quân đội Trung Quốc (PLA) mà họ coi đó là phương tiện nhằm đạt được các mục tiêu có tính chính trị do chính phủ giao phó”, ông Harold nhận định.

Ông cho rằng mục tiêu của không quân Trung Quốc là bảo vệ không phận Trung Quốc, tính toán phương án dùng vũ lực để buộc Đài Loan sát nhập với đại lục, triển khai sức mạnh tại các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Để đạt được các mục tiêu, không quân Trung Quốc đang phải sử dụng công nghệ quân sự mới và cũ, trong đó một số là do Trung Quốc mua và phát triển hợp pháp, còn lại là do họ sao chép hoặc chiếm đoạt công nghệ.

Ông Harold nói rằng lực lượng không quân vũ trụ Trung Quốc bao gồm khả năng có được từ thời Chiến Tranh Lạnh, như các vũ khí mua của Nga và Ukraine, các biến thể sao chép từ máy bay Nga sử dụng giấy phép hợp lệ hoặc dùng kỹ thuật đảo ngược. Ngoài ra, chuyên gia này còn nói rằng Trung Quốc đang sở hữu một số lượng nhỏ nhưng ngày càng tăng các máy bay chiến đấu và ném bom thế hệ 4 và 5 bị nghi là phát triển dựa trên phần thiết kế khung của máy bay Mỹ mà họ chiếm đoạt được thông qua nhiều phương cách.

Ví dụ, ông Harold nói rằng các công ty hàng không vũ trụ Trung Quốc đã mua máy bay Su-27 của Nga về và sau đó sao chép lại bằng phương thức đảo ngược công nghệ để có thể tự sản xuất các phiên bản “nhái”.

Chuyên gia này nhấn mạnh nếu Bắc Kinh không thể tự mua được khí tài, họ dường như sẽ tìm mọi cách để chiếm đoạt công nghệ nước ngoài để sao chép và biến đổi cho phù hợp với nhu cầu của PLA.

Máy bay J-15 của Trung Quốc bị nghi là hàng "sao chép" của S-33 Nga. Tuy nhiên, quyết định này được cho là không sáng suốt vì J-15 liên tiếp gặp lỗi kỹ thuật và tốn của Bắc Kinh nhiều thời gian và tiền bạc (Ảnh: Reuters)

Ông Harold nhắc lại vụ nghi vấn tin tặc Bắc Kinh đánh cắp dữ liệu liên quan tới chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ. Ông cho rằng dữ liệu này đã có tầm ảnh hưởng tới 2 chương trình phát triển máy bay tàng hình J-20 và J-31.

Ngoài ra, chuyên gia Harold cũng cáo buộc rằng Trung Quốc gần như sao chép trực tiếp các máy bay chiến đấu và cách vận hành các vũ khí này. Nếu Mỹ thường triển khai hỗn hợp máy bay chiến đấu đa nhiệm như F-15, F-16 và máy bay chiến đấu tàng hình F-22, F-35 khi tham chiến, thì Trung Quốc cũng xây dựng mô hình tương tự với các máy bay J-10 (bị các chuyên gia nghi là dựa trên công nghệ Israel) và máy bay chiến đấu tàng hình J-20.

Ngoài ra, Mỹ thường tổ chức các hoạt động diễn tập dựa trên kịch bản mô phỏng thực chiến và Trung Quốc cũng đang đi theo hướng này. Theo ông Harold, Trung Quốc dường như có tham vọng đánh bại không quân Mỹ bằng chính cách của người Mỹ.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP