Lao Động - Việc Làm

Trắng tay cùng giấc mơ làm việc nơi xứ người

Sau khi nhận tiền đặt cọc để chạy xuất khẩu lao động (XKLĐ), bà Hoàng Thị Đào bỗng dưng mất tích khiến hàng chục lao động nghèo tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lao đao.

Hiện họ đang rơi vào cảnh khốn cùng khi đang ôm đống nợ và phải è cổ ra để trả lãi. Ôm nợ vì xuất khẩu lao độngTheo trình bày của 28 công dân tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh): Biết được bà Hoàng Thị Đào, trú tại phường Cửa Nam, TP Vinh, tỉnh Nghệ An có nhu cầu tuyển người đi XKLĐ tại Hà Lan với công việc trồng cỏ nuôi bò sữa. Mức lương khởi điểm là 1.000 USD/tháng, sang tháng thứ hai là 1.500 USD/tháng. Làm việc 12g, Cty lo ăn ở đầy đủ với tổng chi phí là 5.800USD/người, làm việc theo hợp đồng trong vòng 3 năm. Nghe những lời của bà Đào, hàng chục người nông dân nghèo tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân đã đồng ý. Bà Đào còn bảo: “Khi nào có visa và vé máy bay là ra Hà Nội làm hợp đồng luôn. Còn tiền đặt cọc thì đợt đầu đặt 500 USD cùng ảnh và hộ chiếu”. Ngày 29-7-2012, tại nhà riêng của bà Đào, hàng chục người dân đã đến đóng tiền cọc và được bà Đào ghi “giấy biên nhận” viết tay. Hai tuần sau, bà Đào thu mỗi lao động số tiền 3.900.000 đồng để đưa ra Hà Nội khám sức khỏe. Sau khi khám người lao động không được cầm kết quả khám bệnh, và mọi người tự túc bắt xe về quê. Ngày 12-1-2013, bà Đào gọi các lao động sang nhà bà và thu thêm mỗi người 1.300 USD để làm visa và mua vé máy bay. Tại đây, sau khi nhận tiền, bà Đào ghi thêm vào giấy biên nhận là “đã nhận thêm 1.300 USD, nếu đến ngày 20-3-2013 không đi được tôi hoàn trả số tiền trên”. Bà Đào còn hẹn đến 9-2-2013 (ÂL) rồi ngày 24-2-2013 (ÂL) sẽ bay, bà sẽ thông báo trước 2 ngày để học định hướng. Tuy nhiên, đến ngày đó bà lại hẹn chắc chắn đến ngày 29-3-2013 (ÂL), nhưng vẫn không thể bay được. Anh Trần Xuân Việt, SN 1973, một nạn nhân cho biết: “Hầu hết số tiền đặt cọc đưa cho bà Đào đều là tiền vay mượn ngân hàng. Nhiều người phải bán rẻ trâu bò để đóng tiền cọc. Bây giờ, không đi được mà trâu cũng không có mà cày kéo trả nợ”. Sau nhiều lần hứa hẹn, nhiều người đã liên tục gọi điện cho bà Đào nhưng đều không liên lạc được. Nóng ruột, họ đã tìm đến tận nhà riêng bà Đào nhưng lúc nào cũng cửa đóng then cài. Không còn cách nào khác, những người dân này đã gửi đơn trình báo tới CQCA.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP