Hàng ngày mò mẫm dậy từ mờ sáng, đi bộ hàng chục km hết hang cùng ngõ hẻm của TP. Hà Tĩnh để bán chổi, mỗi ngày kiếm được từ 50 – 100 ngàn đồng những người phụ nữ khiếm thị Dương Thị Thanh (53 tuổi) ở xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đây là nguồn sống duy nhất của chị và người “cộng sự”.
Gần chục năm qua, người dân TP. Hà Tĩnh không còn xa lạ với người đàn bà khiếm thị Dương Thị Thanh một mình mò mẫm hết ngõ ngách của thành phố bán chổi kiếm sống.
Ấy thế nhưng, hơn 1 năm nay chị Thanh đã không còn phải đơn độc một mình trên hành trình mưu sinh đầy hiểm nguy do khiếm thị khi có thêm “cộng sự” là chị Trần Thị Vân (SN 1974) ở xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà – một người mắc chứng bệnh động kinh bẩm sinh.
Hàng ngày, mò mẫm dậy từ mờ sáng, hai chị đi bộ hàng chục km hết hang cùng ngõ hẻm của TP. Hà Tĩnh để bán chổi, mỗi ngày kiếm được từ 50 – 100 ngàn đồng.
Chị Thanh trò chuyện với PV
Chúng tôi gặp hai chị vào những ngày đầu tháng 3, khi miền Trung đón đợt không khí lạnh về. Mặc cho thời tiết không mấy thuận lợi, hai chị vẫn cần mẫn đi từng ngóc ngách, ngõ hẻm để rao “Ai mua chổi không”. Khi cơn mưa ngày càng nặng hạt, sợ ướt bó chổi trên đầu, hai chị đành tìm một mái hiên bên đường để trú.
Trong cơn mưa lạnh, câu chuyện của các chị khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
“Ba mẹ tôi sinh ra được hai người con, năm lên 7 tuổi sau một trận ốm đôi mắt tôi mờ dần rồi mù hẳn. Vì hoàn cảnh khó khăn ba tôi đã đi tìm bến đỗ mới. Kể từ đó, mẹ con nương tựa vào nhau. Nhưng mẹ tôi già, yếu ớt sau cơn bạo bệnh đã qua đời cách đây bốn năm. Người em trai may mắn sinh ra khỏe mạnh và cũng có mái ấm riêng, nhưng lại không thể chăm sóc chị vì hoàn cảnh em trai lại nghèo khó. Vì vậy, tôi đành nhường ngôi nhà xập xệ lại cho em trai và đi thuê trọ kiếm sống”, chị Thanh chia sẻ.
Còn hoàn cảnh của chị Trần Thị Vân hoàn cảnh cũng bi đát không kém. Ba mẹ chị Vân sinh ra được hai người con. Ngay từ khi còn đỏ hỏn chị đã được ông bà ngoại mang về chăm sóc. Bản thân chị cũng gần như bị mù và bị bệnh động kinh. Không muốn mang thêm gánh nặng cho ông bà ngoại chị xin đi ở trọ với hi vọng kiếm được việc làm từ hội người mù huyện Thạch Hà.
Hàng ngày chị Thanh và chị Vân cuốc bộ hàng chục cây số kiếm sống. Ảnh Quỳnh Nga
Chị Thanh cho biết thêm: “Từ ngày hai chị em về ở với nhau tui cũng vui hơn, có người bầu bạn và cũng giúp tui đỡ gặp nguy hiểm hơn khi đi bán chổi mưu sinh. Nhưng lắm lúc Vân lên cơn co giật ngã giữa đường.Tôi khổ năm thì Vân khổ mười nhưng cùng hoàn cảnh chị em sống dựa vào nhau kiếm sống. Chúng tôi không muốn trở thành gánh nặng gia đình và xã hội”.
Hàng ngày hai người phụ nữ khuyết tật vẫn cần mẫn đội trên đầu bó chổi rong ruổi hết các con phố ở Hà Tĩnh đi bán với hi vọng kiếm ít tiền nuôi sống bản thân. Mỗi ngày đi bộ hàng chục cây số nhưng cũng chỉ kiếm được 50 – 100 ngàn đồng. Nhưng với 2 chị số tiền đó cũng đủ để nuôi sống hai người và còn dành dụm được một ít.
Tâm sự với chúng tôi chị Thanh chẳng có ước mơ gì cao sang: “Tui chỉ muốn trời cho tui sống khỏe mạnh thêm ba hay bốn năm nữa để tui có sức đi bán chổi tích góp tiền vì không có chồng, con chăm sóc thì có chút tiền tích góp lo tuổi già”.
Nhìn bóng hai chị liêu xiêu giữa đường phố tấp nập chúng tôi không khỏi nhói lòng trước câu nói của hai người phụ nữ khuyết tật “Cả đời chúng tôi chưa biết ngày 8.3 là gì”.
Quỳnh Nga