Người đương thời

Tôi thấy xứ Nghệ thân thương khi nghe ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý…

Từ khi còn nhỏ, tôi đã mê nhạc phẩm: Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh và Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Với âm hưởng dân ca miền Trung ngọt ngào như lời thủ thỉ, tâm tình khiến người nghe thấy dịu nhẹ, dù là người từng trải qua những nỗi lòng thiêu đốt tâm can…Nhạc sĩ của những khúc tâm tình…Tôi không phải “tín đồ” của âm nhạc, nghĩa là lúc nào cũng có thể véo von hát để giải khuây mỗi khi tâm trạng nhiều ẩn ức. Nhưng tôi thường giải phóng những uẩn ức bằng cách nghe những ca khúc chất chứa tự sự, giãi bày, chậm rãi, mà âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lại “ôm đồm” hết thảy những đòi hỏi có phần khác biệt của tôi.Năm nay, vị nhạc sĩ đáng kính đã bước vào tuổi chín mươi (cái tuổi xưa nay quá hiếm), qua bạn bè nghệ sĩ và đồng nghiệp, tôi biết nhạc sĩ vẫn khỏe, sống bình yên ở một con hẻm nhỏ tại Sài Gòn. Thường thì, độc giả có thói quen nhớ đến ca sĩ, nghệ sĩ thể hiện những ca khúc “đi cùng năm tháng” như: Thu Hiền, Quang Lý, Anh Thơ,… nhưng đã mấy ai biết nhiều về nhạc sĩ – cha đẻ của những tác phẩm nổi tiếng: Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Mẹ yêu con, Dáng đứng Bến Tre, Bài ca năm tấn… Tôi luôn ao ước có một ngày được phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Có những thứ có thể lên kế hoạch, có những thứ không, giống như vị nhạc sĩ cổ thụ của làng âm nhạc Việt này, việc được lên báo, tivi, hay xuất hiện trước đám đông bây giờ có lẽ cũng là việc “hiếm”… Vị nhạc sĩ tài hoa đã thăng hoa hết thảy những sáng tác cho đám đông, một cách ngọt ngào, hồn hậu. Chắc ông không thể tưởng tượng được, những ca khúc ngày nào ông hì hụi chắt chiu từng giọt đàn để buông tiếng trần ai, câu từ ngọt lịm kia, lại trở thành bất tử. Những ca khúc của ông giúp thế hệ hôm nay, mai sau sẽ hát mỗi khi tụ họp, hát mỗi khi nhớ về quê hương, hát mỗi khi nhớ về mẹ… mà quê hương và mẹ đã là một hình tượng bất tử trong mỗi con người. Không phải quá ngạc nhiên khi “list” âm nhạc trong những quán hát karaoke giải trí cho giới trẻ ngày nay, ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thường là những ca khúc được tìm hát nhiều nhất…Một nhạc sĩ có một nhạc phẩm “để đời” đã gọi là “có tầm”. Nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, đếm sơ qua cũng phải đến trên mười tác phẩm “để đời” và sống mãi với thời gian. Thế nhưng, điều khiến tôi luôn ngạc nhiên, là thông tin về vị nhạc sĩ đáng kính này quả là “hiếm”…
Nhạc sĩ của nhiều mối tìnhTheo thông tin từ Wikipedia, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5 tháng 3 năm 1925 tại Vinh, Nghệ An, quê ở Vĩnh Phúc. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của ông “là trùm một phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào”, sau vào làm thợ máy nhà máy xe lửa Trường Thi ở Nghệ An. Thuở bé, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý học ở trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy cho những bài hát của Tino Rossi thịnh hành thời đó. Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo, ông được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca. Ở đó ông được học nhạc lý cơ bản và nhất là nâng cao trình độ hòa thanh, hát bè. Nguyễn Văn Tý còn được một thầy giáo nhạc sĩ người Hoa tên Mạnh Hinh dạy chơi đàn guitar Hawaii.Là nghệ sĩ nổi tiếng nên thời trai trẻ, vị nhạc sĩ này rất “đào hoa”, có nhiều mối tình. Nhưng ở cái tuổi cửu thập, ông tâm sự vẫn phải lấy âm nhạc dìu dặt vang lên, điều chỉnh ở cỡ to, vừa, nhỏ để “chạy đua” cùng ông trong cuộc sống “một mình”. Có hai hồng nhan tri kỷ trong cuộc đời vị nhạc sĩ tài hoa. Người vợ đầu tiên mất đi để lại trong ông nỗi đau khôn cùng cảnh “gà trống nuôi con”. Cuộc hôn nhân thứ hai với bà Bạch Lệ, là em gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương được ông kể lại với đầy ân tình sâu nặng. Sự cô đơn luôn là nguồn dữ liệu chất chứa trong âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, phải chăng vì thế mà hầu hết các ca khúc của ông đều mang giọng điệu tự sự, nhấn nhá, bằng phép đặt câu hỏi tu từ, hỏi chỉ để mà hỏi, giống như nỗi cô đơn của tuổi cửu thập bây giờ, cô đơn chỉ mãi là nỗi cô đơn, đã có âm nhạc nói hộ ông điều muốn nói… Qua bài viết này, tôi muốn gửi sự tri ân tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, thế hệ rất nhỏ sau này được biết đến ông qua âm nhạc. Nhờ những nhạc phẩm của ông, tôi thấy thêm thân thương khi nhắc đến đất và người dân xứ Nghệ…
Thủy Anna

PL&ĐS

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP