Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến những vụ đánh đấm, bắt nạt giữa học sinh lại diễn ra dồn dập, manh động và gây hậu họa nặng nề như ở thời điểm hiện tại.
Một cảnh học sinh đánh nhau (Ảnh cắt từ clip). |
Clip về một nhóm học sinh lớp 8 Trường THCS Võ Văn Tần (Đức Hòa, Long An) lao vào đánh, đấm, thụi, bịch một bạn học ngay giữa không gian lớp học làm chúng tôi chẳng dám xem đến tận cùng sự tàn nhẫn của hành vi bạo lực. Đúng như nhận định của Phòng GD-ĐT Đức Hòa, đây là vụ việc bạo lực học đường mang tính chất nghiêm trọng.
Chứng kiến một đứa trẻ đơn độc chỉ biết ôm đầu cúi gằm mặt xuống bàn chịu trận đòn như đấm bốc của 5-6 bạn cùng trang lứa, tôi thót cả tim, vừa xót xa tận cùng vừa căm phẫn tột độ đối với nhóm trẻ ra tay tàn nhẫn.
Bạo lực đang diễn biến đầy bất thường và đáng ngại ngay chính trong môi trường luôn nêu cao đạo lý làm người, luôn đề cao giá trị của tình bạn! Bạo lực đang nghệch ngoạc tô vô vàn nét vẽ xấu xí lên bức tranh giáo dục của nhà trường và gia đình khi ngày càng tái diễn nhiều hành xử đậm chất "luật rừng".
Tháng 2, có hai nam sinh ở Huế và Bình Phước bị đâm tử vong trong cơn tức tưởi. Rồi một nữ sinh lớp 10 ở Hương Trà (T.T.Huế) bị bạn học dùng mũ bảo hiểm tấn công đến mức chấn động não, cơ quan chức năng vừa có kết quả giám định tỷ lệ thương tổn cơ thể là 23%.
Thêm một nam sinh lớp 12 ở Hà Nam đi xe máy bị bạn học cùng trường đạp ngã xe dẫn đến tử vong hôm 3-6. Hay ngay tại chính ngôi trường THCS Võ Văn Tần đang xôn xao clip bạo lực chấn động ấy, cách đây chưa bao lâu có nam sinh lớp 6 bị đánh hội đồng nhiều lần trong nhà vệ sinh khiến gia đình nạn nhân bức xúc.
Quả thật kể không hết những vụ bạo lực học đường bị quay clip tung lên mạng ầm ĩ suốt bao ngày qua. Và tất cả chỉ mới là phần nổi của một tảng băng chìm về nguy cơ bạo lực âm ỉ trong đám trẻ. Khởi điểm từ mẫu thuẫn vụn vặt bởi xích mích lời nói hoặc bình luận, bởi cái nhìn bị quy chụp là "đểu", bởi sự ngông nghênh "nhìn thấy gai mắt"… cảnh túm tóc, đập đầu, xé áo giữa nữ sinh hay đấm đá, đâm chém giữa nam sinh cứ dội đến khiến dư luận hãi hùng.
Bọn trẻ đang hành xử khác lạ dưới sự tác động đa chiều từ mạng ảo, sự rối rắm của những biến đổi tâm sinh lý phức tạp, sự loay hoay định hình giá trị sống với khối áp lực khổng lồ từ chuyện học hành, thi cử. Bọn trẻ đang trượt dài trong hố sâu của những lầm tưởng về cái tôi cá nhân to đùng, thích ra oai, muốn thể hiện và mê cái danh hão huyền - "Anh đại", "chị đại".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường vào ngày 1-6. Đây quả thật là một điều kiện cần để nhanh chóng, quyết liệt xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện và tử tế.
Tuy nhiên, điều kiện đủ để Chỉ thị số 08 phát huy hiệu quả và tác dụng chính là sự khởi động của mỗi nhà trường và từng gia đình trên hành trình vun bồi nét đẹp truyền thống của người Việt nhân ái, hiếu học, đoàn kết, tương thân tương ái.
Hãy quyết liệt phòng chống bạo lực học đường bằng cách ngăn chặn mầm mống mâu thuẫn, xích mích từ trong học sinh bằng nỗ lực cùng nhiệt tâm của bố mẹ, thầy cô trên hành trình lớn khôn của con trẻ.
Hãy cởi trói áp lực học hành để bọn trẻ có cơ hội tham gia trải nghiệm nhiều hơn các chuyên đề giáo dục đạo đức, hội thảo về giáo dục giá trị sống, ngoại khóa với nhiều hoạt động tập thể gắn kết tình bạn.
Và tôi cũng như nhiều phụ huynh đặc biệt mong mỏi công tác tư vấn tâm lý học đường đi vào chiều sâu và hiệu quả! Để bọn trẻ có chỗ dựa tin cậy trút nỗi lo toan, cởi trói nỗi phiền muộn và tìm kiếm giải pháp hóa giải mâu thuẫn…
Tác giả: Nguyễn Thanh
Nguồn tin: Báo Dân Trí