Nỗi đau nối tiếp nỗi đau
Trong cái giá rét của những ngày tết, theo chân ông Lê Đức Thắng, Bí thư chi bộ thôn Đức Giáo 10, chúng tôi đến thăm căn nhà nhỏ của ba anh em mồ côi: Phạm Đình Hưng; Phạm Đình Hiệp và Phạm Thị Huyền. Căn nhà lợp tôn dù chỉ chưa đầy 30m2, nhưng sao vẫn khiến người ta có cảm giác chông chênh. Một không khí tang thương dường như bủa vây tất cả không gian nhỏ, khi hai bàn thờ đặt gần nhau, đượm khói hương cùng di ảnh của bố, mẹ đã khuất.
Căn nhà nhỏ nhuỗm màu tang thương của ba anh em mồ côi |
Manh áo đồng phục sờn chỉ mỏng manh, đôi dép lê cũ không đủ sức giúp các em chống chọi trước giá lạnh. Hình như sự thiếu thốn khiến những đứa trẻ quen dần với môi trường sống. Tuy vậy, cái lạnh của thời tiết có lẽ chẳng là gì so với nỗi đau trong lòng các em. Ánh mắt ngơ ngác, câu trả lời lí nhí và cái nhìn thẫn thờ càng làm nỗi đau thêm hiện hữu. Dường như, những đứa trẻ vẫn chưa tin rằng, mình thực sự không còn bố mẹ.
Ông Thắng là người hàng xóm nên quá hiểu hoàn cảnh của gia đình các em. Từ nhiều năm nay, đây là một hộ nghèo gặp nhiều khó khăn nhất trong thôn. Cái nghèo, cái khó đã bủa vây gia đình từ khi cả bố, mẹ các em còn sống. Người bố không may qua đời cách đây gần 3 năm. Ngày còn sống, anh vốn là lao động chính trong gia đình. Nhưng vì làm lụng vất vả quá sức, lại mắc bệnh hiểm nghèo khiến anh không thể tiếp tục chăm lo cho gia đình mình.
Người anh cả Phạm Đình Hưng gặp vấn đề về thần kinh |
Bố mất, mọi gánh nặng được dồn lên đôi vai người mẹ quanh năm đau ốm. Chị vốn là người khỏe mạnh, nhưng sau khi sinh đứa con đầu tiên là Phạm Đình Hưng thì sức khỏe yếu dần, dẫn đến chứng bệnh tâm thần. Những lúc tỉnh thì chị chăm sóc, thương con vô cùng. Nhưng khi bệnh tái phát, thì ngay đến bản thân mình là ai chị cũng không biết.
Cả gia đình chỉ trông vào 400m2 đất ruộng, những lúc nông nhàn, chị lại đi làm thuê, làm mướn, ai thuê gì làm nấy chẳng quản. Trừ thời gian đến trường, lúc rảnh rỗi, chúng cũng theo mẹ lăn lộn với ruộng đồng, rồi làm thuê mà không một lời kêu than. Nhìn thấy mẹ vất vả, những đứa con của chị cũng theo đó mà cố gắng.
Nhưng, những lúc căn bệnh tái phát, người mẹ đau khổ ấy có thể làm những việc không ai ngăn cản nổi. Nói rồi vị cán bộ thôn dẫn chúng tôi ra cánh cửa nhà đã bị đốt cháy nham nhở trong một lần chị lên cơn. Cũng bởi vất vả và suy nhược khiến bệnh chị mỗi ngày thêm trầm trọng. Và cách đây chưa hai tháng, chị đã quyên sinh, bỏ lại căn nhà nhỏ và những đứa trẻ bơ vơ.
Từ ngày mẹ mất, em gái út Phạm Thị Huyền thay mẹ chăm lo cơm nước cho cả ba anh em |
Ngày còn sống, người mẹ ấy thường ốm đau, bệnh tật nhưng dẫu sao, chị cũng là chỗ dựa tinh thần để khi mệt mỏi, các con vẫn được gọi một tiếng “mẹ ơi”! Còn giờ đây, ngay đến cả điều đơn giản đấy cũng không thể.
Nỗi đau khổ cùng cực dường như vẫn chưa buông tha đối với gia đình nhỏ ấy khi người anh cả Phạm Đình Hưng dù đã 19 tuổi, song nhận thức chẳng khác gì một đứa trẻ lên 10.
Chiếc bàn nhỏ thành bàn thờ bố mẹ
Trước di ảnh bố mẹ, ba anh em mồ côi dường như vẫn chưa thực tin rằng đấng sinh thành đã thực sự rời xa. Căn nhà nhỏ đơn sơ, chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài hai chiếc bàn nhỏ giờ đây đã trở thành bàn thờ bố mẹ. Còn chiếc giường ọp ẹp được kê giữa nhà, ban ngày là nơi uống nước, ban đêm được dọn dẹp làm chỗ ngủ.
Em Phạm Đình Hưng mệt mỏi sau phẫu thuật mổ ruột thừa |
“Hàng ngày em và anh Hiệp phải đi học, cuối tuần hai anh em đi gói nem thuê cho người trong làng, vì chỉ làm được vào chủ nhật nên mỗi tháng cả hai anh em được gần 300 ngàn. Mẹ mất, bọn em vẫn cấy 400m2 ruộng của gia đình, mới vụ đầu tiên phải tự làm mọi việc chưa quen thì được các bác trong gia đình, hàng xóm hướng dẫn, giúp đỡ”, cô em gái út Phạm Thị Huyền cho biết.
Nói về tương lai sau này, Huyền im lặng và đôi mắt đượm buồn. Dù là em út, nhưng kể từ khi mẹ mất, Huyền đã dần đảm nhiệm vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Người anh thứ Phạm Đình Hiệp dù hơi gầy gò song ánh mắt tinh nhanh, lanh lợi. Trong lúc trò chuyện, em không nói nhiều nhưng thi thoảng lặng lẽ ngước mắt nhìn di ảnh bố mẹ. Có cảm giác, em hiểu rất rõ sự mất mát, khó khăn trước mắt cũng như con đường dài phía trước.
“Học xong cấp 3 có lẽ em không thi đại học. Em sẽ tìm một nghề nào đó để vừa học, vừa làm để đỡ đần cho gia đình, để nếu được thì cho em gái đi học tiếp”, Hiệp tâm sự.
Nỗi buồn trong ngày cận Tết của 3 anh em mồ côi |
Dù khó khăn, vất vả nhưng cả hai em Hiệp, Huyền, nhiều năm đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Tuy vậy, câu chuyện học hành của các em sẽ đi về đâu khi mà trên những đôi vai nhỏ đã trĩu nặng những gánh lo toan cho cuộc sống.
Ông Nguyễn Huy Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hợp, cho biết: “Gia đình em Huyền là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. Khi mẹ các cháu là chị Nguyễn Thị Hạnh mất thì địa phương cùng các ban, ngành đoàn thể đã cùng với gia đình hỗ trợ các cháu lo tang ma. Cùng với các chính sách của nhà nước thì địa phương cũng có những ủng hộ, giúp đỡ, song thực sự không nhiều. Địa phương rất mong các cơ quan chức năng, đoàn thể, nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ để các cháu vượt qua giai đoạn khó khăn, khôn lớn, trưởng thành, là công dân có ích cho xã hội”.
Chiều 29 Tết nguyên đán, khi không khí Tết đã thực sự về trên những đường, ngõ xóm, trong gia đình các em vẫn chưa chuẩn bị được gì để đón Tết, còn người anh cả Phạm Đình Hưng vừa xuất viện sau ca phẫu thuật mổ ruột thừa.
Căn nhà nhỏ trống vắng kể từ khi bố mẹ qua đời, 3 đứa trẻ vơ vơ giữa dòng đời |
Căn nhà vắng lặng, em Hưng ngồi ngơ ngác vẻ mệt mỏi, yếu ớt thấy rõ sau những ngày nằm viện. Hai em Hiệp, Huyền cũng vừa trở về với quần áo bê bết bùn đất. Hỏi ra mới biết do phải đi học nên tranh thủ những ngày nghỉ Tết các em ra ruộng cấy. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đang xúng xính áo quần, rong chơi ngày Tết thì với các em, dường như Tết này vẫn đang ở đâu đó.
Thương hoàn cảnh của ba đứa trẻ mồ côi, họ hàng, làng xóm cũng cũng đùm bọc, sẻ chia, người cho bánh chưng, gạo nếp, thịt, rồi kẹo bánh…Rời căn nhà nhỏ bé, hòa mình vào dòng người đang hối hả ngược xuôi chuẩn bị Tết, thấy lòng trĩu nặng. Chẳng biết, Tết này và cả những ngày tiếp theo của các em rồi sẽ sao...
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2826: Em Phạm Đình Hưng, thôn Đức Giáo 10, xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. |
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí