Như Dân trí đã thông tin, dù đã chấm dứt thời hạn thu phí từ ngày 30/11/2016, đến nay đã kéo dài hơn 1 năm, nhưng Trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang đóng tại xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) của Tổng công ty Sông Đà vẫn chưa được tháo dỡ.
Hàng loạt bất cập, đặc biệt là tai nạn giao thông luôn rình rập do các ụ giảm tốc, dải phân cách bố trí dày đặc, các làn đường chật hẹp… khiến các phương tiện giao thông qua lại gặp nhiều khó khăn.
Trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang bỏ hoang cả năm nay, cần được tháo dỡ để đảm bảo việc đi lại cho nhân dân. |
Mới đây, trong quá trình tìm hiểu khi nào thì trạm thu phí trên được tháo dỡ, PV Dân trí đã tiếp cận được văn bản số 2832/TCĐB-QLBTĐB do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện ký ngày 17/5/2017 gửi Bộ GTVT và các vụ Đối tác công - tư, Tài Chính (cùng Bộ GTVT) đề xuất nguồn kinh phí tháo dỡ trạm thu phí.
Theo đó, tổng chi phí tháo dỡ trạm là hơn 840 triệu đồng.
Đáng chú ý, theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ, một phần chi phí tháo dỡ Trạm thu phí hầm Đèo Ngang được lấy từ nguồn kinh phí từ Dự án QL1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh, cũng đầu tư theo hình thức BOT.
Dù tổng số chi phí là không lớn, nhưng sau khi báo Dân trí đăng tải thông tin nói trên đã có nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với đề xuất này.
Theo đó, các ý kiến cho rằng, kinh phí tháo dỡ Trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang phải được lấy từ chính nguồn kinh phí của dự án này. Việc bắt người dân đóng phí cho BOT tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh để lấy nguồn phục vụ cho một công trình BOT ở tận Đèo Ngang là không thể chấp nhận.
“Nếu nguồn thu từ BOT đường tránh TP Hà Tĩnh dôi dư thì Bộ GTVT, Bộ Tài chính phải xem xét, rút ngắn thời gian thu phí của nhà đầu tư, chứ không thể lấy nguồn từ dự án này để phục vụ tháo dỡ trạm thu phí của một dự án BOT khác”- anh Nguyễn Hoàng Hiệp, chủ một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh cho hay.
Đề xuất của Tổng cục Đường bộ lấy một phần nguồn kinh phí từ Dự án Quốc lộ 1A tuyến tranh TP Hà Tĩnh làm kinh phí dỡ bỏ Trạm thu phí Đèo Ngang gây bất bình đối với người dân. |
Các ý kiến nêu trên là có cơ sở, xác đáng bởi trước đó ngày 23/12/2016, Thanh tra Bộ GTVT đã công bố thông tin đầy bất ngờ: trạm thu phí Đèo Ngang thu vượt quá 2 năm theo quy định. Tuy không công bố chi tiết số tiền thu thừa, nhưng theo tính toán sơ bộ dựa trên số liệu cập nhật từ trạm thu phí nằm trên cùng trục đường QL 1A của Công ty Tasco ở Quảng Bình, số tiền thu phí vượt thời hạn tại Trạm thu phí Hầm Đèo Ngang có thể lên đến gần 219 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngày 26/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường từng cho biết trên báo Tiền Phong: “Bộ GTVT đang trình Chính phủ để tiếp tục làm hầm thứ 2. Nếu Chính phủ đồng ý sẽ đưa ngay số tiền (thu vượt) đó làm hầm thứ 2. Nếu không được đồng ý, nhà đầu tư (Tổng Cty Sông Đà) phải trả lại tiền để dùng vào duy tu quản lý hầm Đèo Ngang hiện nay”.
Thế nhưng, số tiền vượt này hiện vẫn chưa được Tổng công ty Sông Đà hoàn trả đầy đủ như yêu cầu của Bộ GTVT.
Ông Hoàng Minh Việt, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông Hà Tĩnh cũng cho rằng, việc lấy kinh phí từ dự án QL1A đường tránh TP Hà Tĩnh để chi cho việc tháo dỡ trạm thu phí hầm Đèo Ngang là vô lí. Theo ông Việt, dù ít dù nhiều thì chi phí đó cũng trích từ tiền thu phí từ người dân, trong khi người dân không liên quan đến dự án này.
PV Dân trí đã liên lạc với phía Tổng công ty Sông Đà để nắm rõ hơn thông tin này. Ông Tưởng Hùng Vương, Phó giám đốc công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà xác nhận, đơn vị có báo cáo xin chủ trương của Tổng cục đường bộ trong việc tháo dỡ Trạm thu phí Đèo Ngang. Còn về kinh phí, thì trách nhiệm này không thuộc về nhà đầu tư.
Tác giả: Văn Dũng
Nguồn tin: Báo Dân trí