Theo ông Tài, ngay sau khi có phản ánh, UBND xã đã xuống lập biên bản đình chỉ xây dựng. Sau đó chính quyền tiếp tục họp dân phân tích đúng sai thì lúc này ông Nhất mới thống nhất đóng tiền. Tuy nhiên bà con bức xúc vì sao trước đây không đóng, bà con họp nhiều lần mất công mất việc nên bà con chưa đồng tình tháo dỡ.
"Hộ gia đình ông Nhất cũng không phải thuộc diện hộ nghèo. Ngày 29/5, UBND xã yêu cầu ban tự quản thôn và các hộ dân tự tháo dỡ trong vòng 7 ngày. Sau khi hết thời hạn, hôm nay ngày 7/6, chúng tôi sẽ ra quyết định cưỡng chế, khắc phục hậu quả. Chính quyền xã đã rất nỗ lực để giải quyết vấn đề, nhưng việc tháo dỡ phải thận trọng, tránh tạo ra điểm nóng", ông Tài cho biết thêm.
Về sự việc này, ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp cho biết, đã nhận được báo cáo ban đầu của ban tự quản tổ 8. Theo báo cáo, ông Nhất là người địa phương khác đến đây mua đất, tuy nhiên nhiều khoản đóng góp của thôn xóm ông Nhất đều không đóng góp, nhiều lần còn xúc phạm dân cư trong xóm. Người dân bức xúc quá nên mới dẫn tới hành động như thế.
Trong thời gian tới, sẽ cưỡng chế tháo dỡ bức tường trước cổng nhà ông Nhất |
“Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo UBND xã Quảng Tín xuống vận động người dân tự tháo dỡ bức tường trên, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu rõ vấn đề. Các bên ngồi lại nói chuyện với nhau để phương án xử lý hợp tình, hợp lý nhất”, ông Thị nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nhất cho biết, hai ngày nay vợ chồng ông đưa con đi chữa bệnh tại TP.HCM nên chưa nhận được thông tin tháo dỡ bức tường trước cổng của gia đình. “Sau sự việc này, tôi sẽ xin lỗi mọi người và đóng số tiền gần 3 triệu đồng, nhưng tôi cũng yêu cầu những người nào xây bức tường, phá hoại tài sản phải xin lỗi gia đình tôi, đồng thời xem xét trách nhiệm của địa phương vì để xảy ra sự việc này”.
Trước đó Dân trí đã phản ánh, hơn một tháng nay đường vào nhà ông Nguyễn Văn Nhất (tổ 8, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp) bị người dân trong xóm xây một bức tường kiên cố dài 15 m trước cổng. Bức tường được xây dựng sau khi gia đình ông này chậm đóng tiền làm đường nông thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, khiến sinh hoạt, đi lại gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với PV, một người dân cho biết, gia đình ông Nhất không phải hộ nghèo, điều kiện cũng khá hơn một số hộ khác trong thôn, nhà lại ở cuối đường. Những hộ khác đóng góp được, còn ông ấy lại xin đóng 1 nửa, đóng muộn thì không chấp nhận được.
Tác giả: Dương Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí