Truyền thuyết kể rằng, bà tên thật là Nguyễn Cơ, tự Bích Châu, một cung phi xinh đẹp, thông minh, tài giỏi, được vua Trần Duệ Tông (1337-1377) yêu quý. Vì vậy, khi được tuyển vào cung hầu hạ, chỉ ít lâu sau, Bích Châu đã là bậc quý phi, thường giúp vua trong việc giấy tờ, nghiên bút. Bấy giờ, vua Duệ Tông ham mê chơi bời, chẳng có tài trị nước, đã vậy, thường tự kiêu, lại cả tin bọn nịnh thần.
Thấy cơ nghiệp nhà Trần ngày một suy vi, Bích Châu thường tỏ ra lo lắng. Nàng bèn dâng lên vua một bài sớ “Kê minh thập sách”, trong đó trình bày mười việc chính sự cần sửa đổi. Nhưng Duệ Tông không để ý, lại nghe lời bàn của một viên quan quyết định thân chinh. Khi khuyên chồng không được, Bích Châu xin phép được ngự giá cùng nhà vua trong chuyến tuần du về phương Nam. Đến một cửa biển lớn, vua ra lệnh cho quân sĩ lên bộ nghỉ ngơi ít ngày, nhưng vừa ghé bến được một chốc thì trời bỗng nổi một trận gió lốc dữ dội.
Sau khi biết chuyện Giao Thần đòi một giai nhân mới giúp cho cuộc hành quân thuận buồm xuôi gió, trong khi mọi người đang nhìn nhau sợ hãi chưa biết ứng phó thế nào thì Bích Châu từ sau trướng bước ra và nói: Sự thể đến nơi rồi, khó mà cưỡng lại. Xin bệ hạ lấy tính mạng ba quân làm trọng, coi ái ân làm nhẹ. Chỉ liều một người cứu được muôn người, con đường ấy dễ đi hơn cả. Sau đó, Bích Châu lạy vua rồi bước lên một chiếc thuyền câu. Trong ánh sáng mờ mờ của buổi bình minh, chiếc thuyền lướt ra biển cả như một chiếc lá trôi. Bỗng chốc, một đợt sóng dâng lên ngập trời. Khi sóng hạ xuống thì thuyền đã biến mất. Một lát sau, trời vừa sáng rõ thì sóng yên, gió lặng. Hai ngày sau cơn bão tan, xác của cung phi Bích Châu dạt vào bờ. Dân chúng quanh vùng vớt xác bà an táng và lập đền thờ.
Rất đông người dân tham gia thả hoa đăng nhân lễ giổ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu |
Lại có một truyền thuyết dân gian lưu hành ở địa phương kể rằng: Bích Châu đã tử nạn nơi chiến địa khi đang cưỡi ngựa đánh giặc bảo vệ nhà vua. Nhà vua bại trận và cũng bị tử nạn trong trận chiến đó. Linh cữu nhà vua được đưa về kinh thành Thăng Long bằng đường bộ, còn linh cữu nàng được đưa về bằng đường biển. Khi đi qua cửa khẩu Kỳ Hoa, gặp sóng to, gió lớn, thuyền phải quay lại. Quan quân lên bờ làm lễ mai táng nàng ngay bên bờ biển. Đền thờ nàng cũng được lập ở đó.
Không có chính sử nhưng câu chuyện về Nguyễn Thị Bích Châu vẫn được truyền tụng theo thời gian. Một tấm lòng yêu nước, thương dân, sẵn sàng hy sinh bản thân để đổi lấy bình yên cho nhiều người đã trở thành tín ngưỡng, niềm tin tâm linh trong lòng người Việt
Để bảo tồn những giá trị lịch sử, trong những năm qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Kỳ Anh đã trùng tu, tôn tạo, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và hoạt động tại đền. Năm 1991, Bộ Văn hoá Thông tin đã công nhận và xếp hạng Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu là Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Trải qua 638 năm, ngôi đền nổi tiếng với sự linh thiêng nên hàng năm có rất nhiều khách thập phương trong cả nước đến thăm viếng, cầu may. Nhân dịp lễ giổ 638 năm ngày mất của Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, hàng trăm chiếc đèn hoa đăng lung linh đầy màu sắc đã được người dân thả trên sông Hải Khẩu.
Mạnh Hải/ Báo Hà Tĩnh