Như vậy, một lần nữa hy vọng vừa loé lên lại bị dập tắt. Trong sáng hôm nay, các lực lượng tăng cường sẽ rà soát kỹ hơn nữa vùng biển được khoanh vùng. Các tàu biển được điều động sẽ cố gắng tìm kiếm và vớt được các vật trôi nổi trên biển tối qua đã được trực thăng quân đội chụp ảnh.
Thông tin đang tiếp tục được cập nhật
6 giờ sáng nay, 10/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu và Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN ĐInh Việt Thắng đã bay chuyến bay sớm nhất từ Hà Nội vào Phú Quốc để lập sở chỉ huy trực tiếp cuộc tìm kiếm ngay tại hòn đảo này.
Phóng viên Báo Giao thông đã có mặt từ 4 giờ 30 phút sáng tại sân bay Nội Bài để mua vé đi Phú Quốc chuyến sớm nhất và sẽ có mặt tác nghiệp tại điểm chỉ huy mới được lập tại Phú Quốc trong những ngày tới. Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu sẽ làm việc với lãnh đạo tỉnh để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho hoạt động của sở chỉ huy tại đây.
5 giờ 30 sáng 10/3, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 khẳng định chưa tìm được vật gì trên biển.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 cho biết 2 tàu của Trung tâm đã tới khu vực được cảnh báo và nỗ lực tìm kiếm suốt đêm nhưng đến thời điểm này cũng chưa phát hiện được gì nghi vấn. Thông tin từ các tàu khác báo về cũng vậy. Hiện các tàu vẫn chia nhau các khu vực tiếp tục tìm kiếm.
20 giờ ngày 9/3, truyền thông Mỹ đưa tin Mỹ phủ nhận có vụ nổ ở Biển đông
Tờ New York Times cho biết “các dữ liệu tình báo sơ bộ” của Lầu Năm Góc cho thấy chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines không hề bị nổ ở Biển Đông.
Báo này dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên nói rằng “một hệ thống đặc chủng phát hiện mọi đốm sáng trên toàn thế giới” không hề phát hiện dấu hiệu nào của một vụ nổ.
Các quan chức Mỹ cho biết họ đang điều tra những mối quan ngại về khủng bố.
CNN sau đó cũng đưa tin từ nhiều nguồn khẳng định vật được trực thăng chụp ảnh rên biển không liên quan đến vụ nổ.
23 giờ đêm 9/3, tàu của Việt Nam tiếp cận khu vực được trực thăng thông báo tìm thấy mảnh vỡ nghi là của máy bay mất tích
Công tác tìm kiếm lập tức được triển khai với các mục tiêu được xác định khá rõ ràng.
20 giờ 9/3, Malaysia xin đưa 5 tàu vào khu vực Việt Nam tìm kiếm
Tối nay, Malaysia đã gửi yêu cầu xin phép cho 5 tàu vào khu vực biển có vật thể nghi của máy bay mất tích mà phía Việt Nam vừa phát hiện.
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết đoàn công tác của Bộ GTVT và Cục Hàng không ngay sáng sớm mai sẽ bay vào Phú Quốc để nghiên cứu việc thành lập Sở Chỉ huy tiền phương cứu hộ cứu nạn tàu bay của Malaysia và chuẩn bị các phương án phục vụ công tác điều tra tai nạn. Dự kiến chiều mai, Thứ trưởng sẽ có cuộc họp với UBND tỉnh Kiên Giang và các đơn vị liên quan.
Mọi công việc đang được triển khai rất khẩn trương, chuẩn bị cho cả núi công việc phía trước, một thành viên trong ban chỉ huy cuộc tìm kiếm cho biết.
|
Chấm trắng được cho là mảnh composit văng ra từ tàu bay mất tích |
...
Đã tìm thấy mảnh vỡ máy bay mất tích?
18h 30 phút, sau nhiều giờ quần thảo trên biển, tàu bay DHC6 báo về đã tìm thấy một mảnh vỡ nghi là của máy bay. Tuy nhiên trời tối nên không thể hạ cánh mà chỉ có thể chụp lại ảnh. Ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không VN lo lắng, nếu không vớt ngay nhỡ may trôi đi thì sao?
Lực lượng tìm kiếm khẳng định phát hiện miếng composite nghi là ốp phía trong cửa máy bay. Tối quá không vớt được, sáng mai tàu bay DSC6 sẽ ra xác định tiếp. Lập tức, Trung tâm chỉ huy yêu cầu Cục Hàng hải VN điều tàu ra vị trí tìm thấy miếng composite. Các tàu của ta đang tăng tốc về vị trí được chỉ định.
Nếu đúng tàu bay rơi tại vị trí ta đang tìm kiếm, phần việc đang chờ các cơ quan chức năng của Việt Nam là rất lớn. Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc điều tra và công bố các thông tin liên quan.
Cán bộ bay đã chụp lại được miếng composite và gửi về Sở chỉ huy. Thêm cả một vật nghi thanh bằng ngang của đuôi máy bay. Vị trí tìm thấy mảnh vỡ máy bay có tọa độ gần 8độ 47 phút 32 Bắc – 103độ 22phút 26 giây Đông. Cách Thổ Chu 80km Nam – Tây Nam.
Được biết, 6 nước đang cùng lúc tìm kiếm tại 4 vùng lân cận tính theo tọa độ cuối cùng được định vị trước khi máy bay mất tích. Vài chục phút trước đã có thông tin hoang báo Thái Lan đã tìm được mảnh vỡ và một vài thông tin khác, tuy nhiên, theo Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không, đây đều là các thông tin chưa được kiểm chứng.
Cho đến lúc này, thông tin và ảnh chuyển về từ lực lượng cảnh sát biển là xác thực nhất. Sáng mai, sẽ là một ngày căng thẳng nhưng nhiều kỳ vọng của các đội tìm kiếm. Trung tâm chỉ huy vừa mới được thiết lập tại Phú Quốc sẽ trực tiếp điều phối hoạt động này.
Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, đại diện một đơn vị của Bộ Quốc phòng cho biết vệt màu được nghi là vệt dầu loang trên biển thực chất chỉ là một vùng biển có màu khác khu vực xung quanh do tầng sinh vật dưới đáy khá dầy và có màu đặc trưng.
18 giờ. Tìm kiếm không ngừng nghỉ
Tại vùng tìm kiếm rộng hơn 100 nghìn m2, sau khi trời tối, các trực thăng của Việt Nam đã dừng tìm kiếm, tuy nhiên, các tàu vẫn tiếp tục chia vùng để rà soát, kiên quyết không để lọt các dấu vết cho thấy vị trí máy bay lâm nạn.
Sau gần 2 ngày tìm kiếm, vẫn chưa có tín hiệu xác thực nào về việc tàu bay Malaysia Airlines đã rơi tại khu vực này. Trước đó, một vật thể màu vàng được máy bay Singapore xác báo khiến tất cả lực lượng tăng tốc đến “điểm nóng”. Tuy nhiên, đến 6 giờ chiều nay thông tin về Sở chỉ huy vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, chưa có gì được xác định rõ ràng. Liên tục có một số thông tin chưa được xác minh chuyển về trụ sở. Do chưa kiểm chứng nên đây đều được cho là tin hoang báo.
17g30: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải họp Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải – Chủ tịch Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia đang chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc tìm kiếm máy bay mất tích tại trụ sở Bộ Quốc phòng. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng báo cáo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương sự nỗ lực, phản ứng nhanh của các lực lượng liên quan ngay từ khi xảy ra sự việc. Tính thời điểm này, thời gian tàu bay mất tích đã khá dài nhưng các đơn vị tìm kiếm cứu nạn vẫn không ngừng nghỉ, chậm trễ một phút nào trong công tác tìm kiếm.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đơn vị tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tốt nhất cho các nước bạn triển khai tìm kiếm. Nếu máy rơi xuống biển thì khả năng sống sót của hành khách là rất lớn, nên phải thực hiện tìm kiếm 24/24 giờ, không được ngơi nghỉ. Đến nay vẫn chưa thể xác định máy bay rơi hay không, ở vị trí nào nên cần thiết phải mở rộng tìm kiếm sang các phương án khác.
Nếu phát hiện máy bay gặp nạn trong vùng thông báo bay FIR do Việt Nam quản lý, sẽ phải thành lập Ủy ban điều tra quốc gia về tai nạn. Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì.
Tại cuộc họp, báo cáo Phó Thủ tướng, ông Võ Văn Tuấn – Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân VN cho biết sẽ sớm xác minh vết dầu loang trên biển có phải dầu máy bay hay không. Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cũng báo cáo sáng mai Sở Chỉ huy tại Phú Quốc có thể đi vào hoạt động. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Kiên Giang để chuẩn bị đủ các điều kiện tốt nhất.
Trước đó, đại diện Đại sứ quán Mỹ đã đến Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam thông báo: lực lượng tìm kiếm của Mỹ xác minh vật thể khả nghi do máy bay Singapore phát hiện không liên quan đến máy bay mất tích. Trước đó, thủy phi cơ DHC-6 do Phó tư lệnh quân chủng Hải quân Nguyễn Minh Thành chỉ huy đã cất cánh từ sân bay Phú Quốc ra vị trí phát hiện vật thể lạ.
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải – Chủ tịch Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia nghe Thứ trưởng Bộ GTVT – Phó Chủ tịch ủy ban báo cáo tình hình tìm kiếm tàu bay mất tích |
Vật trôi nổi nghi liên quan tàu bay lâm nạn đang cách đảo Thổ Chu về phía nam – tây nam 100km. 7 giờ tối nay, tàu của Việt Nam sẽ tiếp cận được vị trí này. Theo thông tin từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, sau đó khoảng 1 tiếng, tàu Malaysia cũng sẽ có mặt tại đây.
|
Sơ đồ tìm kiếm tàu bay mất tích. Theo Vnn |
16 giờ , hy vọng dồn vào một vật thể màu vàng trôi nổi trên biển
1 máy bay Singapore vừa phát hiện vết khả nghi cách đảo Thổ Chu về phía nam – tây nam 100km. Tọa độ 8 độ 31 phút 36 giây đông và 103 độ 13 phút 30 giây bắc. Phía bạn đang yêu cầu phối hợp xác minh. Ban đầu nghi là đồ vật từ chiếc máy bay mất tích. Tuy nhiên phải 1, 2 giờ đồng hồ nữa, các phương tiện tìm kiếm mới tiếp cận được khu vực này.
|
Ô vuông to nhất là vùng tìm kiếm mở rộng của Việt Nam, hướng bút đỏ là nơi phát hiện vệt dầu loang |
Trước thông tin phía Trung Quốc có được những bức ảnh được một hành khách đi máy bay hôm nay chụp lại trên biển có nhiều đồ vật trôi nổi nghi liên quan tới tàu bay lâm nạn. Phóng viên Báo Giao thông đề nghị Sở chỉ huy đối chiếu vị trị này có trùng khớp với phát hiện của Singapore và Việt Nam về vị trí vật thể màu vàng mà chúng ta đang tiếp cận hay không, tuy nhiên, chưa có ai xác nhận thông tin này.
14g 30, Sở chỉ huy họp khẩn
14h chiều nay, Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không có cuộc họp khẩn tiếp tục các công việc tiếp theo tìm kiếm máy bay và các phương án chuẩn bị điều tra nếu tìm thấy máy bay rơi ở địa phận Việt Nam.
Ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, trong trường hợp máy bay rơi ở lãnh thổ Việt Nam, chúng ta kiến nghị việc điều tra sẽ do toàn quyền phía Việt Nam, từ nạn nhân tử vong, mảnh vỡ máy bay, hành lý hành khách… Địa điểm dự kiến tập kết sẽ ở đảo Phú Quốc.
Theo quy định của ICAO, các nước liên quan đến chiếc máy bay, hãng thiết kế, chế tạo, đăng ký và khai thác máy bay được quyền tham gia nhưng phải đúng theo các quy định và thông lệ quốc tế về điều tra sự cố và tai nạn máy bay.
Bên cạnh đó, trong trường hợp máy bay rơi ở Việt Nam, dự kiến sẽ có khoảng 800 người gồm các lực lượng phối hợp, thân nhân người bị nạn… sẽ đến Việt Nam. Vì vậy công tác chuẩn bị cũng phải hết sức chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân người bị nạn, các quan chức cũng như phải đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối. Dự kiến cuối giờ chiều nay, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn sẽ có cuộc họp đầu tiên về sự cố này. Các cơ quan tìm kiếm cứu nạn của phía Việt Nam cũng sẽ có báo cáo cụ thể.
Chiều ngày 9/3, Bộ Giao thông Malaysia phán đoán có thể máy bay đã bay vòng về Malaysia
Ông Hishamuddin Hussein – Bộ trưởng Giao thông Malaysia cho biết đang tiến hành điều tra về bốn hành khách nghi vấn đi trên chiếc máy bay bị mất tích ngày 8/3 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS).
Hãng Reuters dẫn lời ông Husein nói rằng nhiều khả năng chiếc máy bay đã bay vòng trở lại thay vì đến Bắc Kinh như dự kiến. Theo Bộ trưởng Giao thông Malaysia, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang giúp xác định nhân thân những đối tượng đánh cắp hộ chiếu để có mặt trên chiếc máy bay này. Người phát ngôn FPI cho biết chưa tìm thấy mối liên hệ rõ ràng với khủng bố và cơ quan này đang kiểm tra bản kê khai hàng hóa của hành khách.
Phi công về hưu Capt Lim Khoy Hing nói rằng các phi công được đào tạo để thực thực hiện cuộc gọi khẩn cấp trong trường hợp xảy ra sự cố và mọi người trong không phận cùng một tần số sẽ nhận được và ưu tiên hàng đầu sẽ được trao cho chiếc máy bay đó để nó có thể hạ cánh an toàn. Tuy nhiên, giám đốc điều hành Malaysia Airlines- Ahmad Jauhari Yahya cho biết không có dấu hiệu cho thấy các phi công đã gửi tín hiệu cấp cứu.
Còn về hộp đen máy bay, trong điều kiện tốt, tín hiệu có thể được phát hiện từ vài trăm dặm, ông John Goglia, cựu thành viên của Ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ cho biết. Tuy nhiên, ông John Goglia cũng cho biết thêm, nếu hộp đen bị mắc kẹt trong các đống đổ nát thì tín hiệu phát ra có thế không được xa.
14 giờ chiều ngày 9/3, kiểm tra lại vết dầu trên biển
Theo thông tin từ Sở Chỉ huy tìm kiếm của hàng không, vết dầu trên biển phát hiện từ hôm qua không có gì đặc biệt. Chiều qua, một chiếc máy bay của Singapore đã bay kiểm tra vết dầu này và cho biết không có gì đặc biệt, hơn nữa khu vực này có tàu cá hoạt động nên nhiều khả năng đây là dầu của các tàu cá. Cơ quan chức năng cũng cho biết sẽ kiểm tra kỹ vết dầu này.
Malaysia cũng cho biết sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm về phía đất nước của họ. Một máy bay của Mỹ cũng đã được điều động tham gia tìm kiếm. Chiếc máy bay có khả năng dò được kim loại dưới đáy biển, bay theo đường bay R 208.
Trưa ngày 9/3, đợi chờ thông tin mới
Rất nhiều phương tiện tìm kiếm đã có mặt tại khu vực cách Cà Mau khoảng 250 km. Bộ GTVT cân nhắc việc đặt một sở chỉ huy tại đảo Phú Quốc. Vùng nghi dầu loang vẫn hiện hữu và thậm chí còn loang nhanh trên diện rộng hơn nhưng không một vết tích nào liên quan tới chiếc tàu bay được tìm thấy.
Bên cạnh phương tiện của quân đội, cảnh sát biển, 2 tàu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 cũng đã nhận lệnh tìm kiếm. Chiếc SAR 431 có mặt tại khu vực được đánh dấu từ sáng và đang triển khai công việc dựa trên đánh giá về hướng gió và hướng dòng chảy. Giám đốc Trung tâm – ông Phạm Hiển cho biết có rất nhiều lực lượng có mặt tại tọa độ được xác định nghi máy bay rơi. Do vậy, cần phân vùng để khỏi chồng lấn và hiện tại 2 tầu của Trung tâm cũng đang được phân công rà soát mặt biển tại 2 khu vực khác nhau.
10 giờ sáng ngày 9/3, liên tiếp điều động thêm tàu bay
Có tới 4 khu vực tìm kiếm đang được máy bay và tàu biển của Việt Nam, Singapore, Malaysia, Mỹ, Philipines, Trung Quốc nỗ lực rà soát nhưng vẫn chưa thể tìm thấy dấu hiệu của máy bay lâm nạn.
2 máy bay tìm kiếm của Malaysia đã được cho phép bay tìm kiếm tại khu vực mở rộng trùng với nhận định của các chuyên gia Việt Nam.
Hiện tại một chiếc AN26 của phía Việt Nam đã rút về tiếp nhiên liệu.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu trực tiếp chỉ đạo từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn |
Hiện có 8 máy bay của Việt Nam, Mỹ, Singapore, Malaysia tích cực tìm kiếm trên 4 khu vực để phát hiện dấu vết máy bay. Dự kiến phía Trung Quốc và Philippine cũng sẽ điều 3 máy bay tham gia tìm kiếm. Vẫn chưa thấy dấu vết gì khác thường.
Phía Việt Nam đang cân nhắc khu vực tìm kiếm của trực thăng quân đội để tránh chồng lấn với khu vực tìm kiếm của Singapore.
Các tàu của Việt Nam cũng có thể tập trung tìm kiếm theo dòng chảy, hướng gió để tìm kiếm mảnh vỡ. Hiện hướng gió đông nam đang ngược với hướng dòng chảy.
9 giờ sáng ngày 9/3, bác bỏ thông tin phát hiện mảnh vỡ máy bay rơi
Thời tiết khu vực tìm kiếm rất thuận lợi, tầm nhìn khá tốt. Các tầu vẫn tiếp tục rà soát từng khu vực. Trên không, trực thăng quân đội vẫn không ngừng tìm kiếm.
Tại Sở chỉ huy Trung tâm tìm kiếm, các cán bộ bác bỏ thông tin tìm thấy mảnh vỡ máy bay mất tích vừa được 1 tờ báo đăng tải. Mọi công tác tìm kiếm vẫn đang được tiến hành trong nỗ lực lớn nhất.
8 giờ sáng ngày 9/3, 5 tàu của Việt Nam tiếp cận được khu vực nghi máy bay rơi
Sáng nay, tại Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không, thông tin liên tục được cập nhật về. Theo ghi nhận của phóng viên, 5 tàu tìm kiếm của Việt Nam đã tiếp cận khu vực nghi máy bay rơi và tích cực tìm kiếm; trong đó có 2 tàu hải quân, 2 tàu cảnh sát biển và 1 tàu chỉ huy.
|
Trung tâm chỉ huy tìm kiếm hàng không căng mình cập nhật thông tin tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay rơi |
Bên cạnh đó, 2 chiếc máy bay AN 26 cất cánh sáng sớm nay cũng tiếp tục quần thảo tại khu vực nghi máy bay rơi.
Diện tích khu vực tìm kiếm đã được mở rộng khoảng hơn 40.000km2. Các lực lượng cứu hộ được yêu cầu mở rộng phạm vi tìm kiếm rộng ra đảo Thổ Chu về phía Nam.
Lực lượng cứu hộ của Philipines cũng đã điều một máy bay và 1 tàu cứu hộ đến hiện trường. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu gì của chiếc máy bay mất tích.
20g 45 ngày 8/3. Biển sâu 50 m tại nơi đang tìm kiếm tàu mất tích
Ông Nguyễn Văn Thuấn – Vụ trưởng Vụ ATGT Bộ GTVT cho biết nếu tai nạn xảy ra tại khu vực chúng ta “đánh dấu”, khả năng tìm kiếm, cứu nạn khá thuận lợi.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm sau khi nghe Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Nguyễn Văn Thuấn báo cáo |
Tại Trung tâm chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, ông Nguyễn Văn Thuấn – Vụ trưởng Vụ An toàn Bộ GTVT liên tục giữ liên lạc với các tàu đang hướng thẳng tới vùng biển cách mũi Cà Mau khoảng 250 km. Sau khi cập nhật thông tin tọa độ tìm kiếm và yêu cầu Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải xác định độ sâu, thời tiết tại khu vực biển được khoanh vùng, ông Thuấn cho biết nếu tai nạn xảy ra tại khu vực chúng ta “đánh dấu”, khả năng tìm kiếm, cứu nạn khá thuận lợi.
Độ sâu tại khu vực được thông báo khoảng 50m, thời tiết rất thuận lợi, không có gió lớn hay mưa mù. 2 tàu có thể tiếp cận vị trí vào ngày mai. Như vậy, Việt Nam đã huy động cả trực thăng và tầu cứu nạn ra khu vực nghi có vết dầu loang và phù hợp với vị trí tàu bay của Malaysia mất liên lạc.
Đến thời điểm này, hoạt động tìm kiếm bằng trực thăng đã kết thúc khoảng 3 tiếng, tuy nhiên các tàu qua lại trong khu vực vẫn được các đài thông tin duyên hải yêu cầu tăng cường quan sát, nếu thấy có dấu hiệu khác thường phải thông báo ngay cho lực lượng cứu nạn.
19 giờ 8/3. Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu: “Chúng tôi mong điều kỳ diệu xảy ra”
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu, khu vực được phân vùng để tìm kiếm của Việt Nam khá hợp lý và đang được triển khai gần như đồng thời với các hoạt động tìm kiếm cứu nạn của Singapore, Malaysia. Với vệt nước có màu khác lạ được nghi là vệt dầu loang kéo dài tới 15km, sáng mai chúng tôi sẽ mở rộng diện tìm kiếm, ông Tiêu nói.
“Dù các lực lượng đang cố hết sức, khẩn trương triển khai các phương án tìm kiếm, cứu nạn đối phó tình huống xấu nhất, nhưng chúng tôi luôn mong muốn có một điều kỳ diệu đã xảy ra và không có chuyện 239 người trên chuyến bay đã gặp nạn”, ông Tiêu chia sẻ với báo giới ngay tại trụ sở chỉ huy.
16 giờ chiều 8/3, phát hiện vệt nước lạ nghi dầu loang
Khoảng 4 giờ chiều nay, 1 trong 2 chiếc trực thăng AN 26 đã phát hiện một vùng có màu khác lạ so với nước biển tại vị trí tọa độ tìm kiếm. Máy bay đang xin phép hạ độ cao để tìm kiếm trong khu vực này.
Ông Đinh Việt Thắng – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn – cho biết đã đồng ý để máy bay hạ độ cao tiếp cận vị trí phát hiện vệt nước giống màu vệt dầu loang.
Thông tin máy bay tìm kiếm cứu nạn báo về, vùng biển có màu khác lạ trên có chiều dài 20km, tại tọa độ 0755N, 1031852E.
Trao đổi với PV, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, Cục Hàng không liên bang Mỹ tại Châu Á Thái Bình Dương cũng tham gia công tác tư vấn để lập vùng tìm kiếm. Vùng tìm kiếm được xác định theo xu hướng bay, độ cao, tốc độ bay của máy bay thời điểm đó.
Hiện nay phạm vi tìm kiếm của Việt Nam là 12 nghìn km2 trên biển. Đã có 2 máy bay AN26 đã lên đường trong tổng số 7 chiếc được huy động sẵn sàng thực hiện tìm kiếm. Vị trí tìm kiếm cách mũi Cà Mau 250km.
Như vậy, đến thời điểm này, đã có 6 máy bay của Việt Nam, Malaysia và Singapore tham gia tìm kiếm, điểm nóng là khu vực cuối cùng máy bay bị mất tín hiệu.
Cũng theo ông Thanh, thông thường máy bay có hệ thống phát tín hiệu tự động lên vệ tinh để định vị nhưng trường hợp này máy bay Malaysia không có tín hiệu phát đi; vệ tinh cũng không bắt được thông tin nào về máy bay.
Trong thời điểm máy bay mất tích và hiện tại, thời tiết ở vùng biển nghi mất tích đều tốt. Theo nhận định của giới chuyên môn, thông thường những tai nạn máy bay xảy ra sẽ tìm thấy trong vòng 72h. Tuy nhiên công tác tìm kiếm trong vụ việc này sẽ được huy động tối đa bởi chiếc máy bay Malaysia mất tích trong tình huống bất thường.
Trung tâm quản lý bay đường dài TPHCM (ACC) đang phối hợp với Malaysia và Singapore phân tầng bay, ưu tiên cho máy bay tìm kiếm cứu nạn. Ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết, công tác tìm kiếm đang được tìm kiếm cả trên không, trên biển. Tại Hải Phòng, tàu cứu nạn đã xuất phát đi tìm kiếm. Trên biển, các tàu đánh cá và tàu hàng đều được thông tin báo nạn để có cảnh giới và tìm kiếm phát hiện tàu bay. Hiện ngoài những tàu đã tham gia tìm kiếm, có 9 tàu biển khác đang sẵn sàng lên đường tham gia tìm kiếm luân phiên.
14 giờ ngày 8/3, Malaysia vẫn chưa thể có thêm thông tin về chuyến bay mất tích
Sau gần 12 giờ tàu bay mất tích, các quan chức tại Malaysia vẫn chưa thể định vị được vị trí chuyến bay MH370. Hãng này cho hay, sau khi rời khỏi sân bay Kuala Lumpua, chiếc phi cơ này chưa hề thông báo tín hiệu nguy hiểm hoặc tín hiệu gặp rắc rối nào.
Theo báo cáo của hãng, phi công chính của chuyến bay là đại úy Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, đã lái cho Malaysia Airlines từ năm 1981.
Ngoài nỗ lực cử trực thăng tìm kiếm của Malaysia, Singgapore, Việt Nam, Trung Quốc hiện cũng đã cử 2 tàu cứu hộ để tìm kiếm trên khu vực Biển Đông. Người thân và bạn bè của những hành khách trên chiếc máy bay bị mất tích đã được đưa tập trung về khách sạn tại huyện Lido, Bắc Kinh, Trung Quốc.
12 giờ trưa 8/3, Cục Hàng không VN cho biết đã kích hoạt hệ thống tìm kiếm cứu nạn
Trưa nay, đại diện Cục Hàng không VN cho biết hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng không đã được kích hoạt để tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 – 200 của hãng hàng không Malaysia mất tích trên biển Đông.
Trong một báo cáo khẩn lên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng khẳng định ngay sau khi mất tín hiệu liên lạc của chuyến bay MAS370, Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC) Hồ Chí Minh đã thông báo ngay với ACC Singapore và ACC Kuala-Lumpur.
Công ty Quản lý bay miền Nam cũng lập tức liên lạc với nhà khai thác tàu bay của Malaysia và các cơ
quan hàng không liên quan để xác định tình trạng của chuyến bay.
Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã kích hoạt Sở chỉ huy tại Công ty Quản lý bay miền Nam và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không; đưa các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vào cấp.
10 giờ sáng 8/3, xác định thời điểm lần cuối nhìn thấy chiếc tàu bay mất tích
Theo ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN, vị trí lần cuối cùng chiếc tàu bay hiển thị trên màn hình rada là 10NM phía Nam điểm IGARI trong Vùng thông báo bay của Singapore. Lúc đó vào khoảng 0 giờ 22 phút giờ Việt Nam.
Tọa độ cuối cùng được xác định của chiếc tàu bay mất tích là 06055’19”N – 103034’28”E.
Trước khi biến mất hoàn toàn trên hệ thống ra da của cả 3 ACC quản lý vùng trời của Malaysia, Singapore, Việt Nam, chiếc tàu bay chở 239 người đang bay với tốc độ 480 KT (khoảng 900 km/h) ở độ cao F 350 (tương đương khoảng 10 nghìn mét).
Tàu bị nạn là tàu bay Boeing 777 – 200, ký hiệu MAS370 , thuộc hãng hàng không Malaysia. Tàu mất tín hiệu khi đang bay từ Kuala-Lumpur đi Bắc Kinh trên đường hàng không R208, khi chưa vào Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.
Tình trạng khẩn nguy được đưa ra ngay lúc phát hiện sự cố và được thông báo trong toàn hệ thống là: “MẤT LIÊN LẠC, MẤT TÍN HIỆU TRÊN MÀN HÌNH RADAR”.
Đến thời điểm này, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết vẫn chưa nhận được bất kỳ một thông tin nào về sự hiện diện của chiếc tàu gặp nạn trên toàn hệ thống kết nối tìm kiếm cứu nạn giữa 3 nước gồm Malaysia, Việt Nam và Singapore.
Thủ tướng yêu cầu nỗ lực phối hợp tìm kiếm tàu bay mất tích
Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với nước bạn tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Quốc Phòng chủ động triển khai các lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tốt nhất.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết, hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng không đã được kích hoạt. Các đơn vị liên quan đã thiết lập kênh phối hợp rất chặt chẽ 24/24h với cơ quan hàng không Malaysia và Singapore để hỗ trợ tìm kiếm. Các đơn vị tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng đã vào cuộc, tàu SAR 13 đã lên đường đi Cà Mau. Đài thông tin duyên hải đã thông báo cho các tàu thuyền trong khu vực dự báo tàu bay rơi xuống biển nắm được thông tin, hỗ trợ các cơ quan chức năng tìm kiếm.
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ra lệnh các biện pháp khẩn cấp tăng cường thông tin liên lạc với nhà chức trách Malaysia, và kêu gọi tăng cường các nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ cũng như kiểm tra các chi tiết của các hành khách Trung Quốc
Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia đã thành lập và đứng đầu một đội cứu hộ để xử lý vụ việc.
Trong một nỗ lực rất lớn khác, Bộ Giao thông vận tải tại Malaysia cho biết, vì có quá nhiều hành khách đến từ các nước khác nhau nên việc liên lạc với gia đình họ khá khó khăn. Tuy nhiên, đến trưa nay, 80% của các thành viên gia đình của những người trên tàu đã được thông báo về tình hình chuyến bay bị mất tích.
9 giờ sáng 8/3, dò tìm tọa độ máy bay mất tích trên biển
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Phạm Thanh Thẳng – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cà Mau cho hay, vào lúc 9 giờ 27 phút, Cảng vụ nhận được thông tin từ Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn khu vực III về việc máy bay Malaysia chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn bị mất tín hiệu và có thể đã bị rơi tại vị trí 6o56′ Bắc, 103o35′ Đông.
Thao tác và đối chiếu trên hải đồ, Cảng vụ Cà Mau xác định, vị trí này cách vùng biển mũi Cà Mau 120 hải lý về phía Tây Nam (gần 300 km) và cách Malaysia 85 hải lý về phía Đông Bắc.
Tuy nhiên đây chỉ là thao tác đối chiếu tọa độ tàu bay bị mất tín hiệu, chứ không phải tìm được dấu vết về tàu bay rơi, ông Thẳng nói.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Cảng vụ Hàng hải Cà Mau đã báo cáo Trực ban Chỉ huy PCLB và Trung tâm TKCN tỉnh Cà Mau, Hải quân Vùng 5 và Cảnh sát biển để nắm thông tin. Đồng thời, Cảng vụ đã phát thông tin đến các tàu cá đang đánh bắt gần khu vực máy bay mất tín hiệu để nhờ họ hỗ trợ, tìm kiếm, cứu nạn.
Chính ủy Hải quân vùng 5 – Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát cho biết: “Đến thời điểm này, tất cả phương tiện, con người, hậu cần… chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng cứu máy bay “mất tích”. Tôi hy vọng rằng, sẽ không có thảm họa đối với chiếc máy bay này”.
Ông Phạm Thanh Thẳng khẳng định, Cảng vụ Hàng hải Cà Mau sẽ là cầu nối để gắn kết chặt chẽ công tác phối hợp, hỗ trợ tìm kiếm giữa các lực lượng. “Trong những năm qua, Cảng vụ Hàng hải Cà Mau luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tại địa phương cũng như phối hợp tốt với Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn khu vực III và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, ông Thẳng nói.
Tuy nhiên, theo tổng hợp từ các nguồn tin của Báo Giao thông, đây là thông tin từ các lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải và cũng chưa phải là vị trí tàu bay bị nạn. Đến trưa nay, đại diện Cục Hàng không VN vẫn cho biết đang phối hợp với các bên liên quan xác định vùng tìm kiếm và kết nối thông tin chặt chẽ với Malaysia, Singapore trong việc cử trực thăng tìm kiếm trên biển.
Được biết, Malaysia đã có trực thăng tìm kiếm trên vùng biển trong sáng nay.
9 giờ kém 15 phút sáng 8/3. Việt Nam chưa nhận quyền kiểm soát bay thì đã mất liên lạc
Trước đó, thông tin chính thức đầu tiên đến từ Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh. Ông này cho biết một tàu bay chở khách của Malaysia đã mất liên lạc vào thời điểm chuyển giao giữa vùng thông báo bay (FIR) Malaysia và FIR Hồ Chí Minh. Từ thời điểm cơ quan không lưu phía bạn thông báo chuyển giao cho Việt Nam, Trung tâm quản lý bay đường dài ACC Hồ Chí Minh đã không nhận được thông tin về chuyến bay. ACC Hồ Chí Minh cũng chưa nhận quyền kiểm soát đã thông báo ngay cho phía bạn về tình trạng này.
Theo ông Thanh, giờ hiệp đồng chuyển giao giữa hai bên là 16 giờ 50 và giờ dự kiến nhận quyền kiểm soát điều hành bay của Việt Nam là 17 giờ 22 phút, giờ UTC tức 0 g 22 phút giờ Việt Nam.
Nhưng ngay trước thời điểm nhận quyền chuyển giao thì ta không nhận được tín hiệu tàu bay và cũng bộ phận kiểm soát không lưu cũng không thể liên lạc được với phi công nên chưa thực hiện được quyền kiểm soát với tàu bay.
Hiện các đơn vị của Việt Nam đã thống nhất phương án với phía Malaysia, sẵn sàng hỗ trợ khi bạn yêu cầu. Được biết phía Malaysia đã cử máy bay tìm kiếm tại khu vực chuyển giao giữa 2 vùng thông báo bay. Khu vực mất tín hiệu nằm trên Biển Đông, chưa vào lãnh thổ Việt Nam.
Các thông tin mới nhất sẽ được cập nhật và thông báo kịp thời, ông Thanh cho biết.
Đến 9 giờ sáng 8/3, một số báo Malaysia đã đưa tin về việc mất liên lạc của chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines từ Kualalumpure đi Bắc Kinh mang ký hiệu MH 730. Thông tin ban đầu cho biết là tàu bay Boeing 777 – 300. Số hành khách đi trên chuyến bay được cho rằng có thể lên tới 227 người chưa kể phi hành đoàn.
9 giờ sáng ngày 8/3.Không có người Việt Nam trên chuyến bay mất tích
Như tin đã đưa, chiếc máy bay Boeing777-200 mất tích sáng nay .Lúc mất tích, trên máy bay có chở 227 hành khách, 2 trong số đó là trẻ sơ sinh và 12 thành viên phi hành đoàn. Các hành khách trên máy bay đến từ 13 quốc gia khác nhau. Không có hành khách nào là người Việt Nam. Chiếc phi cơ chứa lượng nhiên liệu có thể bay trong 7,5 giờ khi khởi hành.
Malaysia Airlines là hãng hàng không quốc gia của Malaysia và một trong các hãng lớn nhất châu Á. Hãng này chuyên chở gần 37.000 hành khách mỗi ngày tới 80 thành phố trên thế giới.
Quốc tịch của hành khách trên chuyến bay MH37:
Trung Quốc và Đài Loan: 153 người lớn, 1 trẻ em
Malaysia: 38 người
Indonesia: 13 người
Australia: 7 người
Pháp: 3 người
Mỹ: 3 người lớn, 1 trẻ em
New Zealand: 2 người
Ukraine: 2 người
Canada: 2 người
Nga: 1 người
Italia: 1 người
Hà Lan: 1 người
Áo: 1 người
Ngày 7/7/2013, một máy bay cũng thuộc dòng máy bay này của hãng hàng không Hàn Quốc Asiana Airlines đã bị vỡ đôi và bốc cháy khi đang hạ cánh xuống sân bay quốc tế San Francisco (Mỹ). Khi đó, chiếc máy bay chở 307 người, trong đó có 2 người chết và 130 người bị thương. Các nhà chức trách Mỹ cho rằng, chiếc máy bay bị phá hủy đến như vậy mà nhiều người vẫn còn sống sót quả là điều thần kỳ.
8 giờ sáng ngày 8/3. Máy bay cạn xăng
Trong khi đó, chính hãng hàng không Malaysia đã đưa ra nhận định ban đầu về chiếc máy bay chở 239 khách từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh mất tích.
Có vẻ là do đã hết nguyên liệu – Hãng hàng không Malaysia cho biết ngày 8/3.
Theo thông tin mới nhất, sau hơn 3 tiếng mất tích, tín hiệu vừa dò được cho thấy chiếc máy bay cách mũi Cà Mau về phía Tây Nam khoảng 120 hải lý.
Phó chủ tịch phụ trách kiểm soát hoạt động của Hãng hàng không Malaysia cho biết, “ Lúc này đây, chúng tôi chưa biết đích xác hiện chiếc máy bay đang ở đâu”.
Chiếc Boeing 777-200 khởi hành từ Sân bay quốc tế Kuala Lumpur lúc 12:41 sáng và dự kiến sẽ hạ cánh tại sân bay Bắc Kinh lúc 6:30 sáng. Đài kiểm soát không lưu Subang mất liên lạc với chuyến bay số hiệu MH370 lúc 2:40 sáng theo giờ địa phương.
Lúc mất tích, trên máy bay có chở 227 hành khách, 2 trong số đó là trẻ sơ sinh và 12 thành viên phi hành đoàn. Các hành khách trên máy bay đến từ 13 quốc gia khác nhau. Chiếc phi cơ chứa lượng nhiên liệu có thể bay trong 7,5 giờ khi khởi hành.
Trước tình hình này, “Hãng hàng không Malaysia đang làm việc cùng các cơ quan khác để kích hoạt đội Tìm kiếm và Cứu nạn xác định vị trí của máy bay”. Tuy nhiên, những nỗ lực liên lạc với chiếc máy bay này vẫn chưa có kết quả.
Giám đốc điều hành Ahmad Juahari Yahya bày tỏ “ chúng tôi thực sự lấy làm tiếc khi mất toàn bộ liên lạc”.
Theo hãng Tân Hoa Xã, chiếc máy bay mất liên lạc và tín hiệu radar với trạm kiểm soát không lưu tại Việt Nam. Trên chuyến bay này có khoảng 160 người quốc tịch Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia thành lập một đội cứu hộ do Đại sứ Trung Quốc đứng đầu để giải quyết sự cố này.
N.Anh – A.Thiện – M.Hồng – T.Trần – T.Phương (Theo GTVT)