Danh Nhân

Sơ lược cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Hà Tôn Mục

Nhà thờ Hà Tôn Mục, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc  được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1998 tại quyết định số 95/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa Thông tin.

10sukien

Nhà thờ Hà tôn Mục

Nhà thờ Hà Tôn Mục ở xã Tùng Lộc, chính là nhà thờ họ Hà, thờ Tiến sĩ Hà Tôn Huân và cháu bảy đời của ông, Tiến sĩ Hà Tôn Mục. Trong nhà thờ, ngoài các tự khí, còn có đối và bức liễn “Nhược xung hiên”; gần nhà thờ , còn có khu “Sùng chỉ”, có bia ghi sự nghiệp Hà Tôn Mục .

Hà Tôn Mục là một danh nhân lịch sử có nhiều đóng góp cho đất nước về các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao trong những năm cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII thời Lê – Trịnh. Đặc biệt di tích còn lưu giữ nhiều tài liệu hiện vật quý như bia Sùng chỉ, các sắc phong, đại tự vv ghi chép về thân thế và sự nghiệp của ông đồng thời là những tác phẩm điêu khắc đá thời Lê còn được bảo lưu và gìn giữ chu đáo.

Hà Tôn Mục sinh ngày 25 tháng 9 năm Quý Tỵ (1653) tại xã Tỉnh Thạch, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông vốn xuất thân trong một dòng tộc có danh tiếng là “văn hiến” và công tích được hun đúc nên dòng máu trung nghĩa của mảnh đất Hồng Lam. Hà Tôn Mục là di duệ của Hà Tôn Trình (1431-1507); làm đến chức thượng thư Bộ lĩnh, Bộ hình, Bộ công triều Lê.

Upload

Bia sùng chỉ

Hà Tôn Mục từ nhỏ đã nổi tiếng học giỏi thông minh, tính tình khảng khái, 7-8 tuổi đã thông thi lễ, lên 13 tuổi thông thuộc văn từ, năm 21 tuổi trúng Trường sinh, năm 23 tuổi trúng Hương giải, 32 tuổi trúng khoa sỹ vọng nhận chức Hồng lô Tự khanh …..

Riêng gia phả dòng họ thì đề cập đến vấn đề này tương đối kỹ: “… Ông húy là Mục (Hà Tông Mục) nhà Nguyễn kiêng húy nên đổi là Hà Tông Mục. Cháu bảy đời cụ Hà Công Trình. Cha là Minh Duệ, mẹ là Phan Thị Hạnh, hiệu là Từ Thục, ăn ở hiền lành, làm nhiều việc thiện có phúc đức.

Sau khi thi đình đỗ Đình nguyên tam giáp tiến sỹ năm 1688, Hà Tôn Mục được triều đình nhà Lê (Lê Huy Tông) bổ nhiệm làm đốc hai xứ Tuyên – Hưng. Sau khi nhận chức tuần tỉnh An biên năm Nhâm Thân (1692, đến năm 1693 (Quý Dậu), Hà Tôn Mục lại đỗ khoa Đông các nhận chức lại khoa căp sự Trung và làm nội tán thủy sư (tức coi việc thủy quân) kiêm biên tu Quốc tử giám. Sử cũ chép, khoa thi này là thi từ mệnh, vào năm Chính hòa thứ 14 (1693, mùa hạ, tháng 6, có 4 người được trúng cách là Nguyễn Công Đông, Vũ Thạnh, Hà Tông Mục, Nguyễn Hành (xem lịch triều tạp kỷ, Đại việt sử ký tục biên). Vào năm Đinh sửu (1697) ông được bổ nhiệm làm Phủ doãn Phủ  phụng thiên (tức thủ hiến Kinh kỳ – Thăng Long).

Trong thời gian này cùng với việc thống lĩnh việc quân Hà Tôn Mục còn được Vua Lê, Chúa Trịnh giao trọng trách tiếp tục đi sứ sang phương Bắc để giữ mối quan hệ ngoại giao vốn đã có từ trước với nhà Thanh, nhằm mục đích giữ vững bờ cõi biên giới phía Bắc nước ta. Sau khi ông được triều đình nhà Lê thăng chức Tự khanh năm 1699, ông tiếp tục được chúa Trịnh cử cầm đầu một phái bộ sang hội kiến với nhà Thanh vào năm Chính hòa, Nhâm Ngọ (1702). Sách “Lịch triều tạp kỷ” có chép việc ông đã cầm đầu một sứ bộ sang Trung Quốc vào năm Nhâm Ngọ (1702) . Trong lần đi sứ này do đối đáp thông minh, ứng xử tinh thông và sắc sảo, Hà Tôn Mục được vua Trung Quốc là Khang Hy trọng nể và đề tặng ba chữ “Nhược – Xung – Hiên” (hiện nay tấm biển vẫn còn lưu giữ tại di tích nhà thờ của ông. Sau khi đi sứ hoàn thành sứ mệnh trở về, ông được vua gia phong Tả thị lang Bộ hình, tước Hoan Lĩnh Nam. Và 3 năm sau, năm Bính Tuất (1706) Hà Tôn Mục được phong giữ chức tham chính thừa chính xứ Sơn Nam. Bao gồm phần đất Nam Hà, Ninh Bình, Thái Bình ngày nay).

Hà Tôn Mục mất ngày 17 tháng 3 năm Đinh Hợi 1707 tại quê nhà thọ 55 tuổi. Sau 19 năm (1688-1707) tuy ngắn ngủi, ông đã có những công lao to lớn đối với đất nước, là một người thông minh, đức độ, giàu lòng nhân nghĩa và dũng khí, Hà Tôn Mục đã có những đóng góp đáng kể trong bối cảnh xã hội phong kiến rối ren thời Lê – trịnh ở thế kỷ XVII – XVIII. Ông là một tướng lĩnh tài ba, đồng thời là một nhà ngoại giao sắc sảo dưới chính quyền Lê – Trịnh. Đồng thời đã có những đóng góp trong việc hoàn thành và biên soạn Bộ sử lớn của nhà nước phong kiến thời Lê, cuốn Đại việt sử ký tục biên được lưu truyền mãi mãi về sau đối với đất nước (15).

Ngọc Bé

PHÒNG VH&TT HUYỆN CAN LỘC

Tài liệu tham khảo từ hồ sơ di tích Hà Tôn Mục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP