Trong nước

Sắp có cơ chế giúp người dân giám sát kết quả giải quyết TTHC

Theo tính toán sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 600.000 giao dịch thủ tục hành chính (TTHC) giữa người dân, tổ chức với các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, tình hình, kết quả giải quyết TTHC có nhiều hạn chế, tồn tại, nhất là người dân, tổ chức chưa thể hiện được vai trò làm chủ của mình, từ đó giảm niềm tin đối với chính quyền.


Quá nhiều người dân bị thất hẹn


Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn chia sẻ, mỗi ngày các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp nhận khoảng 600 nghìn giao dịch hành chính từ người dân và tổ chức. Tuy nhiên, người dân và tổ chức gần như chưa được thể hiện vai trò làm chủ của mình, thông qua việc giám sát toàn bộ quá trình xử lý công việc của các cơ quan hành chính Nhà nước liên quan đến cá nhân, tổ chức dẫn đến việc tùy tiện, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.


Mặc dù người dân và tổ chức đều nhận được giấy hẹn trả kết quả của cơ quan hành chính Nhà nước nhưng thực tế có quá nhiều trường hợp đến đúng hẹn mà vẫn không nhận được kết quả, gây bức xúc cho người dân. Mặt khác, vì thiếu thông tin nên việc xử lý các hiện tượng trên không được triệt để, làm giảm niềm tin của người dân, tổ chức vào cơ quan hành chính Nhà nước.


Phó Trưởng phòng Kiểm soát TTHC khối văn xã Lê Vệ Quốc (Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp) đưa ra dẫn chứng, từ năm 2011 đến đầu năm 2013 các cơ quan, Bộ ngành và địa phương trong cả nước chỉ nhận được 1.692 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính. Trong đó, các Bộ, ngành tiếp nhận 787 phản ánh, kiến nghị và các địa phương tiếp nhận 905 phản ánh, kiến nghị.


Ông Quốc cho rằng con số này quá thấp, không phản ánh đúng thực tế bức xúc của người dân vì người dân không thể biết, không có cơ chế để biết TTHC của mình có được giải quyết không hay đang được xử lý ở giai đoạn nào, có vướng mắc không và bao giờ có kết quả chính thức; trường hợp giải quyết chậm thì phản ánh ở đâu, như thế nào… Cũng theo ông Quốc, về phía các cơ quan Nhà nước, cán bộ hành chính cấp xã nhiều nơi không biết việc tiếp nhận TTHC của họ có đúng thẩm quyền không.


Với lối làm việc thủ công, chủ yếu thông qua công văn, giấy tờ, quy trình xử lý, giải quyết hồ sơ TTHC và các phản ánh, kiến nghị vừa tốn kém thời gian cho người dân vừa tăng chi phí hành chính cho các cơ quan hành chính Nhà nước.


Chi 77,8 tỷ đồng xây dựng đề án lấy lại niềm tin người dân


Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Đề án “Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, kết quả giải quyết TTHC trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC” nhằm tiếp nhận những phản ánh của người dân về kết quả giải quyết TTHC ở cả 4 cấp chính quyền.


Tại hội thảo về Đề án được tổ chức vào hôm qua – 21/8, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan tin tưởng, Đề án chính là công cụ để người dân phản ánh, kiến nghị cũng như biết được TTHC của mình đang nằm giai đoạn nào, bao giờ có kết quả chính thức…


Hệ thống dự kiến có khoảng 50.000 người sử dụng để nhập số liệu trực tiếp và khoảng 10 triệu dân, tổ chức tham gia truy cập để tìm kiếm thống tin. Hệ thống sẽ đáp ứng được tối thiểu 600.000 giao dịch hồ sơ thụ lý dịch vụ công hàng ngày và cập nhật hồ sơ TTHC, hồ sơ văn bản có quy định về TTHC của khoảng 600 cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát TTHC.


Ông Phan cho biết thêm, Đề án sẽ được triển khai trong 3 năm, từ năm 2014 đến hết năm 2016 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 77,8 tỷ đồng. Trong đó năm 2014 kinh phí dự kiến 20 tỷ đồng, năm 2015 kinh phí 40 tỷ đồng và năm 2016 kinh phí khoảng 17,8 tỷ đồng. Nguồn vốn để triển khai Đề án có thể từ ngân sách Nhà nước hoặc huy động theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, ông Phan đặc biệt nhấn mạnh, nếu hệ thống được triển khai sẽ tiết kiệm được khoảng 570 tỷ đồng chi phí giao dịch TTHC cho người dân, tổ chức và cơ quan hành chính Nhà nước.


Tán thành sự cần thiết xây dựng Đề án nhưng một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn để làm sao Đề án thực sự mang tính khả thi. Ông Lê Quốc Hữu, đại diện Tập đoàn FPT cho rằng, cần có quy định, chế tài để làm sao cơ quan hành chính Nhà nước phải cập nhật thông tin, tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về TTHC của người dân.


“Quy định rõ ràng ai là người sẽ tiếp nhận thông tin, chuyển thông tin đến cơ quan chức năng để giải quyết, trách nhiệm đến đâu, xử lý như thế nào..?. Theo ước tính hiện nay thì mỗi năm có khoảng 150 triệu giao dịch TTHC vậy chúng ta cần phải lưu giữ các TTHC này trong bao nhiêu năm?…”, là những câu hỏi được ông Hữu đặt ra.


Ông Hoàng Thanh Phúc đến từ Cty CP Tập đoàn HIPT lại cảm thấy e ngại về việc cung cấp thông tin và mức độ sẵn sàng cung cấp thông tin của cơ quan hành chính Nhà nước vì “đây là vấn đề không đơn giản, đã đề cập nhiều nhưng thực tế không thay đổi được”.


Ông Hồ Sỹ Lợi (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì thắc mắc liệu đối tượng thụ hưởng của Đề án có bao trùm cấp xã không; các cơ quan Nhà nước sẽ phải cung cấp báo cáo chung hay phải cụ thể kết quả giải quyết từng TTHC?.


Thục Quyên

PLVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP