Sau vụ phá rừng được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử xảy ra tại xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) hồi năm ngoái, thì mới đây, dư luận tại địa phương này lại thêm một lần bị sốc khi 50ha rừng pơ mu bị đốn hạ ngay trong phần quản lý của Vườn Quốc gia Vũ Quang. Những hình thức xử phạt đã “kịp thời” được đưa ra, nhưng cách thức xử lý khiến dư luận nghĩ rằng đó chỉ là chuyện giơ cao, đánh khẽ.
Xót xa hàng chục ha rừng bị tàn phá
Phóng viên Người Đưa Tin đã tìm về địa phương để tìm hiểu những thông tin liên quan đến vụ việc này. Theo chia sẻ của người dân, khu vực bị lâm tặc hoành hành ấy nằm giáp biên giới Việt – Lào và được xem là vùng nhạy cảm. Nếu là người địa phương, am hiểu địa bàn thì cũng phải cuốc bộ gần hai ngày trời mới có thể tới nơi. Vì địa bàn cách trở nên các ông trùm phá rừng thường xuyên sử dụng người bản địa tham gia chặt phá, rồi thuê rất nhiều thanh niên ở các huyện giáp ranh như Tuyên Hóa, Minh Hóa của Quảng Bình ra để vận chuyển.
Được biết, giá một khúc gỗ pơ mu vào khoảng 10 triệu đồng nhưng chi phí để thuê một thanh niên bê từ trong rừng ra ngoài đường lớn cũng đã mất trung bình từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, vì thời điểm cuối năm 2012, rất nhiều thương gia ở Quảng Bình, Quảng Trị thích thu mua loại gỗ này để vận chuyển đi bán ở nơi khác nên hoạt động chặt phá, thu mua nó cũng diễn ra rầm rộ ở nhiều địa phương trong đó có Hà Tĩnh.
Khoảng trung tuần tháng 12/2012, trong lúc tuần tra, kiểm soát, các kiểm lâm viên thuộc hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang đã phạt hiện nhiều dấu hiệu bất thường tại tiểu khu 198 và 204 thuộc địa bàn hai xã Hương Minh, huyện Vũ Quang và Hòa Hải, huyện Hương Khê. Sau khi xin phép ý kiến của lãnh đạo hạt và trao đổi, nhờ hợp tác của biên phòng khu vực cùng Kiểm lâm huyện Hương Khê, một cuộc truy quét đã đã diễn ra vào ngày 17/12. Bảy đối tượng đã bị bắt cùng tang vật là 0,95m3 gỗ.
Được biết, do rừng rộng nên nhiều đối tượng khi ngửi mùi đã nhanh chóng tẩu thoát để lại số gỗ đã bị chặt phá nằm ngổn ngang. Theo ước tính, khoảng 50 ha rừng pơ mu bị chặt phá và khu rừng sâu bỗng dưng trở nên tan hoang. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các ngành có liên quan như công an, kiểm lâm, biên phòng lập tức tăng cường lực lượng vào cuộc và truy quét. Tuy nhiên, các đối tượng được cho là cầm đầu đã tẩu thoát mà không để lại bất cứ dấu vết nào.
“Không ai được phép phát ngôn” (!?)
Về ý kiến cho rằng, rừng bị tàn phá tan hoàng như vậy, nhưng mức xử lý có phần hơi nhẹ, một lãnh đạo Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết: Bởi tang vật thu được chỉ là 0,95 m3 gỗ nên chưa đủ yếu tố để có thể khởi tố. Sau khi tạm giữ, Kiểm lâm huyện Vũ Quang đã xử phạt hành chính 15 triệu đồng/ đối tượng rồi trả họ về địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Huy Phiên, giám đốc kiêm hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết: Đây là vụ phá rừng lớn nhất từ trước tới nay ở huyện Vũ Quang. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc nên sau khi nhận chỉ đạo của tỉnh, ngành kiểm lâm đã đưa ra hình thức xử lý cách chức đối với Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Hòa Hải, cảnh cáo đối với bốn nhân viên còn lại của Trạm này do sai sót dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hiện tại, vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra để quy trách nhiệm cho những cá nhân, tổ chức còn lại có liên quan.
Nhiều ý khác cho rằng, nguyên nhân Hà Tĩnh trở thành điểm nóng của phá rừng là bởi, nơi giáp biên tại địa phương này còn nhiều loại gỗ quý, có giá trị nên lâm tặc tập trung hoành hành. Và những năm gần đây xảy ra những vụ nổi cộm, gây chấn động là do một phần năng lực của ngành kiểm lâm hạn chế. Thêm vào đó, những nghi ngờ về việc những người quản lý lơi lỏng, thậm chí bắt tay với lâm tặc cũng không hề ít. Ngoài ra, sau những vụ việc lớn, cách xử lý, kỷ luật của các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh cũng chưa cho thấy sự nghiêm minh và vì vậy, chưa đủ sức răn đe.
Để tìm cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Huy Lợi, chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh. Tuy nhiên, ông Lợi cho biết, tại một cuộc hợp mới đây, đồng chí Lê Đình Sơn (phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – PV) đã chỉ đạo, vụ phá rừng pơ mu đang trong quá trình điều tra nên không ai được phép phát ngôn (!?). Tương tự, sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng có câu trả lời như vậy khi được đặt vấn đề. Thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất ông Đào Huy Phiên, giám đốc kiêm hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang thẳng thắn nhận trách nhiệm trước tỉnh về công tác quản lý của mình.
Một điều khá đặc biệt là trong những năm gần đầy, bên cạnh những vụ phá rừng gây sốc, ngành kiểm lâm Hà Tĩnh cũng có không ít những câu chuyện lùm xùm liên quan đến cả những người đứng đầu. Tuy nhiên không hiểu sao, mọi thứ vẫn được “khép kín” rồi sau đó, khi dư luận dịu xuống, mọi thứ đâu lại vào đó.
Ngành Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này và dư luận đang chờ một quyết định mang tính bước ngoặt từ UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Dấu hiệu bất thường từ một văn bản
Sau vụ 50ha rừng Pơ mu bị phá, ông Lê Văn Vĩnh, phó Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang đã có văn bản báo cáo hình thức xử lý kỷ luật trách nhiệm đối với tám cán bộ công chức trong công tác bảo vệ rừng xảy ra tại địa bàn gửi lên chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, Hội đồng kỷ luật Vườn Quốc gia Vũ Quang kỷ luật hình thức cách chức đối với ông Nguyễn Đình Lê, trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòa Hải do thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng tại gốc và thiếu trách nhiệm trong quản lý điều hành trạm. Cảnh cáo trước toàn đơn vị do thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng tại gốc đối với kiểm lâm viên Phan Trọng Tuân, Trần Văn Quỳnh, Thái Ngọc Sơn, Đỗ Đức Thăng (thuộc trạm Kiểm lâm Hòa Hải). Khiển trách đối với Nguyễn Phi Hùng, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Sao La và hai kiểm lâm viên Hồ Phúc Sơn, Nguyễn Bá Hồng do thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng tại gốc.
Trong Quyết định thi hành kỷ luật ngày 12/3/2013 ghi rõ Căn cứ Biên bản của Hội đồng xét kỷ luật của Vườn Quốc gia Vũ Quang họp ngày 26/2/2013, Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang quyết định cách chức Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Hòa Hải đối với ông Nguyễn Đình Lê vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc, quản lý lâm sản trên địa bàn gây hậu quả nghiêm trọng. Thời hạn kỷ luật đối với ông Lê là một năm. Tuy nhiên, trong quyết định này lại ghi rõ có hiệu lực từ ngày 1/12/2012, nghĩa là hiệu lực kỷ luật có trước quyết định thi hành kỷ luật (?!).
Dư luận đang nghi ngờ, hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang cố tình chữa cháy khi thông tin về vụ đang gây xôn xao dư luận này.
Kim Thoa – Cao Uyên
Người Đưa Tin