Kinh tế

Quy hoạch mỏ khoáng sản đảm bảo môi trường, an toàn trong khai thác

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tại khu vực có khả năng thuộc phạm vi thành lập thị xã mới hiện có 53 mỏ đất, đá xây dựng thuộc 51 đơn vị, doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác. Để đảm bảo môi trường, cảnh quan, an toàn trong sử dụng VLNCN và các vấn đề khác khi thành lập thị xã mới, các mỏ này cần phải có lộ trình hoạt động khai thác phù hợp.

Sáng 21/4, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự chủ trì giao ban nghe tình hình rà soát các mỏ khoáng sản phục vụ thành lập thị xã mới; kết quả triển khai, thực hiện sản xuất nông nghiệp thời gian qua. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Thiện, Lê Đình Sơn, Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng dự.

Quy hoạch mỏ khoáng sản đảm bảo môi trường, an toàn trong khai thác
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự: Việc quy hoạch, điều chỉnh, xử lý khai thác mỏ phải đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, đúng luật; đặc biệt, phải đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn khai thác.

Phương án xử lý được đề xuất đối với các mỏ này là chấm dứt hoạt động, đóng cửa mỏ và không cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản đối với trường hợp hết thời hạn khai thác; cho phép khai thác đến hết thời hạn ghi trong giấy phép được cấp, sau đó chấm dứt hoạt động, đóng cửa mỏ; cấp phép khai thác có thời hạn đến hết năm 2020. Đối với các mỏ khoáng sản đã cấp phép có thời hạn đến sau năm 2020, đề nghị khai thác đến hết năm 2020, sau đó sẽ xem xét tiếp.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự khẳng định việc quy hoạch lại các mỏ là hết sức cần thiết, đảm bảo cho sự phát triển thị xã mới trong tương lai. Tuy nhiên, quy hoạch, điều chỉnh, xử lý phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, công bằng, đảm bảo đúng luật, đặc biệt, phải đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn khai thác mỏ. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự giao các đơn vị, sở, ngành liên quan kiên quyết xử lý chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đối với các đơn vị đã được cấp phép trong thời gian dài nhưng không thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản mỏ hoặc vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động khoáng sản; xây dựng phương án về đảm bảo vật liệu xây dựng đến 2020; quản lý chặt chẽ VLNCN; thu thuế tài nguyên…..

Tiếp tục buổi giao ban, lãnh đạo Sở NN&PTNT báo cáo công tác triển khai, thực hiện phát triển chăn nuôi và sản xuất rau, củ, quả thời gian qua.

Hiện, toàn tỉnh có 93 mô hình chăn nuôi lợn liên kết quy mô trên 500 con; 131 mô hình quy mô từ 100 – 500 con và hàng nghìn hộ chăn nuôi qui mô nhỏ. Về chăn nuôi bò, có 5 mô hình quy mô 50 con trở lên, 703 mô hình quy mô từ 5 đến dưới 50 con. Về nuôi hươu, có 234 mô hình quy mô 10 con trở lên (trong đó có 9 mô hình từ 50 con trở lên), tập trung chủ yếu tại huyện Hương Sơn (202 mô hình). Về nuôi tôm, đến nay các địa phương đã thả nuôi 841 ha, đạt 40,7% kế hoạch.

Quy hoạch mỏ khoáng sản đảm bảo môi trường, an toàn trong khai thác
Sản phẩm rau, củ an toàn sản xuất theo công nghệ cao trên vùng đất cát hoang ven biển Hà Tĩnh được xuất đi các siêu thị lớn ở Hà Nội.

Thực hiện đề án sản xuất rau, củ, quả trên vùng đất cát hoang hóa ven biển, vụ Xuân 2014 tại các vùng mở rộng đã sản xuất được 9,9ha/17,2ha; tại khu dự án của Mitraco đã tổ chức thử nghiệm được 32 loại rau/7,3 ha đất sản xuất; đến nay, đã thu hoạch được 9 loại cây trồng, trong đó 6 loại cây bước đầu cho thấy có khả năng thích ứng và hiệu quả cao, như: cải củ, cải bẹ, cải thảo, cà rốt và cà chua.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp cũng còn khó khăn, hạn chế. Một số địa phương, cấp ủy chính quyền chưa thực sự vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển các mô hình sản xuất con giống (lợn); nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa còn hạn chế, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ, có tâm lý lo ngại về tính hiệu quả khi thay đổi phương thức sản xuất theo hướng liên kết.

Về nuôi tôm, cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, giao thông, đặc biệt là hệ thống điện lưới phục vụ cho nuôi tôm còn yếu kém, chưa đáp ứng cho nuôi công nghiệp, công nghệ cao; lúng túng trong xử lý dịch bệnh. Vốn đầu tư cho nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao khá lớn (0,5 – 1 tỷ đồng/ha), trong khi người dân khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, dẫn tới đầu tư chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, ảnh hưởng tới năng suất và hiệu quả sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự ghi nhận, đánh giá cao kết quả bước đầu trong sản xuất nông nghiệp 4 tháng đầu năm, đặc biệt, trên lĩnh vực chăn nuôi, rau, củ quả đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Điều này khẳng định những chủ trương, chính sách đúng đắn trong phát triển sản xuất nông nghiệp mà tỉnh, các địa phương đã ban hành thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực khuyến khích các tổ chức tập thể, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất giống lợn; linh hoạt hỗ trợ sản xuất giống hươu, bò, tôm; tiếp tục nhân rộng mô hình rau, củ, quả; nghiên cứu chính sách đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp đồng thời tổ chức giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm cho nông dân.

Thanh Hoài

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP