Kinh tế

Hải quan thất thu hàng ngàn tỉ đồng thuế

Thành lập doanh nghiệp chỉ để nhập hàng, nhập xong giải thể công ty để trốn thuế... Đó là một trong những chiêu thức khiến cơ quan hải quan mất hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế.

Cơ quan hải quan cần có biện pháp vừa kiểm tra vừa chống thất thu thuế cho nhà nước

Nhập hàng xong, giải thể doanh nghiệp

Báo cáo mới nhất của Cục Hải quan TP.HCM cho biết từ đầu năm đến hết tháng 8, tình hình nợ thuế không thể thu hồi của cơ quan này tiếp tục tăng hơn 40 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình mỗi ngày TP.HCM mất gần 6 tỉ đồng tiền thuế không thể thu được.

Tính lũy kế đến tháng 8 năm nay, nợ thuế doanh nghiệp (DN) đã tăng lên 2.500 tỉ đồng, trong đó hơn 56% là nợ không có khả năng thu hồi, chiếm gần 1.400 tỉ đồng, còn lại hơn 44% nợ quá hạn trên 90 ngày và nợ chưa tới hạn, nợ chậm nộp cần phải thu hồi.

"Họ thường lập doanh nghiệp mới để nhập khẩu ồ ạt các lô hàng giá trị cao, khai báo giá trị thấp, khi bị cơ quan hải quan nghi ngờ ra quyết định kiểm tra sau thông quan, doanh nghiệp đã giải thể mất"

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP.HCM

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP.HCM cho biết các DN nhập khẩu trong diện “không có khả năng thu hồi” thuế này tập trung phần lớn ở 3 nhóm hàng: thực phẩm đông lạnh, gạch lót sàn, điện thoại và linh kiện điện thoại…

Hiện họ đã “biến mất” khỏi trụ sở đăng ký, phá sản, tạm dừng kinh doanh, khai báo địa chỉ sai, bỏ trốn, mất tích hoặc không còn kinh doanh tại địa chỉ đăng ký… Trước đây, ngành hải quan đã phát hiện một số DN thành lập mới để nhập ô tô theo dạng quà biếu, tặng; sau đó bán lại rồi tuyên bố phá sản ngay khiến hải quan không đòi kịp tiền thuế.

“Nay tình trạng gian lận tập trung chủ yếu ở các mặt hàng chịu mức thuế cao như 3 nhóm hàng nói trên. Họ thường lập DN mới để nhập khẩu ồ ạt các lô hàng giá trị cao, khai báo giá trị thấp, khi bị cơ quan hải quan nghi ngờ ra quyết định kiểm tra sau thông quan, DN đã giải thể mất”, ông Toản thông tin.

Không chỉ TP.HCM, trong báo cáo của Tổng cục Hải quan về tình hình thu ngân sách xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, cơ quan này chỉ rõ Hà Nội và Đà Nẵng cũng đang trong tình trạng có tỷ lệ nợ thuế xuất nhập khẩu, thuế nghĩa vụ hải quan lớn nhất nước. Cục Hải quan Hà Nội tính đến cuối năm 2016 có số nợ “khó thu và có khả năng không thể thu hồi” qua báo cáo gửi Tổng cục Hải quan là hơn 430 tỉ đồng. Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, một lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội cũng cho hay, số thuế không thể thu hồi cao hơn con số cuối năm 2016 khoảng dưới chục tỉ đồng nữa, tập trung nhiều vào DN đã giải thể, biến mất hoặc đã thay đổi địa chỉ kinh doanh tại địa phương, ngưng kinh doanh nhưng không khai báo.

Tại Đà Nẵng, theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng thì chưa có con số thống kê chính xác song cơ quan này từ đầu năm đã triển khai nhiều biện pháp chống thất thu thuế có hiệu quả.

Hiện tại, tình hình nợ đọng thuế trong lĩnh vực hải quan được Tổng cục Hải quan “điểm mặt chỉ tên” tập trung hầu hết ở các địa phương có hoạt động xuất nhập khẩu mạnh như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu… với tổng nợ thuế hải quan lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Trách nhiệm thuộc về hải quan

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho rằng việc thành lập hay khai tử một DN là quá dễ dàng và trong tinh thần cải cách hành chính thì nguyên tắc không thể hạn chế quyền cá nhân tham gia lập hay bỏ DN. Nhưng khi DN tuyên bố phá sản, đóng hết mọi giao dịch coi như đã biến mất và hải quan không thể thu số tiền nợ còn lại của DN đó được. Ông Nghiệp cho biết: “Quy định cho thông quan trước kiểm tra sau đã khiến không ít DN lợi dụng để trốn thuế. Thực tế có những trường hợp “dở khóc dở cười”. Khi tìm đến địa chỉ thì công nhân công ty B đang ở trọ nhưng lại đứng tên giám đốc công ty A đang trốn thuế. Người này cho biết trước đây làm việc ở công ty A, sau đó nghỉ việc và không hiểu sao nay lại đứng tên giám đốc công ty đang nợ thuế hải quan".

Tuy nhiên, ông Nghiệp cũng cho hay số nợ thuế khó đòi của ngành đã xảy ra trước khi hải quan chấn chỉnh. Hiện cơ quan này đã đưa ra danh mục hàng hóa không cho thông quan ngay mà phải tham vấn giá ngay tại chỗ, tập trung chủ yếu những mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm. Thứ hai, một số mặt hàng cho phép thông quan ngay trong vòng 30 ngày thay vì quy định cũ là 60 ngày để hạn chế tình trạng nói trên.

Về tình trạng để nợ thuế hàng ngàn tỉ đồng, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về ngành hải quan. Thời gian qua hải quan làm được việc tốt là tiến hành hàng loạt công tác cải cách hành chính khá hiệu quả. Tuy nhiên, cải cách nhưng phải song song với biện pháp chống thất thu ngân sách. Việc để DN trốn hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế rồi báo cáo kêu khổ là không nên. Theo ông Long, trong các trường hợp nợ thuế “khủng”, hải quan cần phối hợp với các cơ quan điều tra, bằng biện pháp nghiệp vụ để “triệu” đối tượng trốn thuế về làm nghĩa vụ. Ngoài việc xây dựng hình ảnh cải cách hành chính, hải quan cũng cần tạo môi trường kinh doanh công bằng cho DN.

Tác giả: Nguyên Nga

Nguồn tin: Báo Thanh niên

  Từ khóa: thất thu , tiền thuế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP