|
Định hướng phát triển không gian đô thị trong Quy hoạch chung TX Kỳ Anh đó là tập trung phát triển KĐT trung tâm tại Kỳ Trinh trong đó bao gồm trung tâm hành chính mới của TX. Tại khu vực này được đề xuất đào một hệ thống mặt nước liên hoàn, nối liền hệ thống sông hồ, vừa tạo cảnh quan du lịch, vừa có thể chuyển đổi ngành nghề từ trồng lúa không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, lại có đất để đắp thành đô thị mà không phải phá núi hoặc cảnh quan thiên nhiên nơi khác. Dù có đô thị hóa có thể không đạt được quy mô mong muốn thì cấu trúc không gian này vẫn có giá trị nông nghiệp và du lịch.
Điều chỉnh một số tuyến đường giao thông và phương thức tổ chức không gian cho phù hợp với một số yêu cầu tổ chức không gian của KĐT hành chính nhưng vẫn duy trì các hành lang thoát nước cũng như một số khu cây xanh sinh thái nông nghiệp làm vùng đệm hỗ trợ thoát nước.
Thị xã cũng ưu tiên cho khu vực phía Đông Bắc QL1A cho phát triển cảng và công nghiệp. Khu vực trước đây được quy hoạch làm trung tâm giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề và công nghệ cao được điều chỉnh thành KĐT đa chức năng phát triển mới, khai thác hướng mở về phía khu vực hồ Tàu Voi. Trong đó, ưu tiên bố trí các khu chức năng giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.
Khu vực P.Sông Trí tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, khai thác cảnh quan hai bên Sông Trí và quanh Thành cổ để tổ chức các khu đô thị dịch vụ. Đồng thời phát triển các KĐT mới về phía Nam QL1A kết hợp với cải tạo các khu dân cư được giữ lại ven QL1A và các khu tái định cư.
Kỳ Anh cũng tiến hành nâng cấp và phát triển KĐT du lịch Kỳ Ninh, khu vực Kỳ Hà và KĐT du lịch sinh thái Kỳ Nam, kết hợp hài hòa và hợp lý với việc duy trì các hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tổ chức công viên và Trung tâm TDTT phía Nam khu vực hồ Mộc Hương, quanh khu vực hồ Mộc Hương và phía Nam đường QL1A cải lộ tuyến.
Tại quỹ đất phía Nam QL1A nắn tuyến phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp đa ngành, các khu trang trại sản xuất nông lâm nghiệp. Các xã Kỳ Hưng và Kỳ Hoa tuy vẫn được quy hoạch là các xã ngoại thành nhưng có mối quan hệ chặt chẽ về không gian phát triển và được kết nối với khu vực P.Sông Trí và P.Kỳ Trinh.
Các hệ thống sông, suối và hồ cùng với quỹ đất cây xanh ven mặt nước là những giá trị sinh thái có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng và giá trị đô thị, đồng thời đảm bảo thoát nước cho đô thị. Vùng sản xuất nông nghiệp được giữ lại cũng là những giá trị cảnh quan quan trọng, đồng thời phát triển nông nghiệp đô thị. Núi đồi cũng sẽ trở thành phông nền chính quanh đô thị, trong đó đặc biệt là vùng chân núi Bàn Độ, chân núi Hoành Sơn, nơi đây đều là những khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế kết hợp với cảnh quan và du lịch sinh thái.
Tại các khu vực hồ Mộc Hương, không gian mặt nước làm lõi cảnh quan và là giá trị cảnh quan chính làm tăng giá trị sử dụng đất của đô thị xung quanh, kết hợp với mạng lưới giao thông chính đô thị tạo giá trị sử dụng đất đủ có sức hút trở thành khu đô thị trung tâm mật độ cao. Các mảng công trình trung tâm có các đường ranh giới đồng điệu và nhấn mạnh cấu trúc hình thái mặt nước hồ.
PGS.TS Đỗ Tú Lan - Vụ phó Vụ Phát triển Đô thị cho rằng cấu trúc không gian tổng thể của TX Kỳ Anh khá ổn định. Định hướng phát triển tổng thể không gian đô thị đã khai thác tối đa điều kiện sinh thái tự nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cấu trúc chức năng đô thị hiện hữu cũng như KKT Vũng Áng đã và đang phát triển. Các không gian đô thị được tổ chức hài hòa giữa cũ và khu cải tạo mới tạo nên tổ chức hợp lý. Bên cạnh đó, các yếu tố khai thác cảnh quan ven biển, ven sông và điểm nhấn núi, đề xuất tốt các công trình trung tâm, các điểm nhấn ở cửa ngõ đô thị.
Tổ chức kiến trúc cảnh quan đã xác định được 17 phân vùng vừa có những chức năng đô thị nổi trội và cảnh quan tự nhiên hợp lý, đi sâu vào từng phân vùng cụ thể có thể tạo nên bản sắc, hình ảnh, thương hiệu cho TX Kỳ Anh trong tương lai.
Tác giả: Hà Đào
Nguồn tin: Báo Xây dựng