Trong 3 ngày, từ 29/10 đến 1/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được phổ biến từ 140-180mm, có nơi lớn hơn như: Tân Lâm (Cam Lộ) 480mm, ĐaKrông 240mm. Đặc biệt mực nước trên sông Hiếu đo được báo động 3. Theo người dân huyện Cam Lộ cho biết, nước bắt đầu dâng cao đột ngột vào khoảng 8 giờ sáng khiến người dân trở tay không kịp.
Nước ở sông Hiếu lên nhanh khiến gần 2.000 hộ dân ở các xã Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thành và thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bị chìm sâu trong biển nước từ 2 -10m. Nước lên nhanh người dân trở tay không kịp khiến đồ đạc và vật nuôi bị nước nhấn chìm hoặc cuốn trôi. Đặc biệt, do nước lên nhanh khiến nhiều người dân không kịp di chuyển bị mắc kẹt trong nhà, thậm chí trên ngọn cây.
Trước tình trạng trên, các lực lượng chức năng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và hàng chục phương tiện ca nô tham gia cứu hộ, cứu nạn giải cứu người dân đang bị mắc kẹt đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Thành Trung, thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị là người dân bị mắc kẹt trên ngọn cây được lực lượng cứu hộ đến cứu cho biết: Buổi sáng tôi lội sang đồng để xem sắn thế nào, lúc đi ra thì cạn nước thế nhưng đi vào thì không dám do nước dâng cao, chảy xiết không dám bơi vào đành trèo lên cây tránh lũ. Lúc ấy khoảng 8 giờ sáng, lúc đầu nước chỉ đến đầu gối nhưng 15 phút sau nước đã quá đầu nước lên nhanh và chảy xiết.
Còn ông Nguyễn Văn Giỏ, cũng ở thôn Tam Hiệp thì nói: “Khoảng 7 giờ sáng nước bắt đầu tràn lên, bà con chúng tôi thu dọn đồ đạc trong gia đình. Càng về sau nước càng dâng cao khiến chúng tôi dọn không kịp. Hiện 2 đứa con và cháu tôi đang mắc ở trên cây bên kia đồng không biết sao đây”.
Đến 15 giờ chiều 1/11, mực nước tại sông Hiếu vẫn dâng cao, nước chưa có dấu hiệu rút, nhiều hộ gia đình nước vẫn ngập gần đến nóc nhà. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang triển khai công tác cứu hộ người và của cho nhân dân.
Mặc dù, chính quyền địa phương đã chủ động công tác phòng chống lụt bão với phương châm 4 tại chỗ, tuy nhiên do lũ về nhanh nên công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, địa phương đã dừng hết các cuộc họp không cần thiết, tập trung cả hệ thống chính trị triển khai công tác ứng phó và cứu hộ cứu nạn, đảm bảo không để có tình huống xấu nào xảy ra…
Chủ UBND huyện Cam Lộ Ngô Quang Chiến cho hay, huyện đang tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc để hỗ trợ nhân dân di dời hộ dân ở những nơi thấp đến nơi cao. Tuy nhiên nước lên nhanh, chỉ trong 1 giờ đồng hồ nước lên cao đến hơn 2 mét, hiện có 5 xã nằm trong rốn lũ. Hiện nay, ngoài chỉ đạo lực lượng vũ trang và lực lượng tại chỗ của địa phương, chúng tôi cũng đã đề nghị với công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, sư đoàn 968 huy động lực lượng và phương tiện giúp bà con sớm ổn định cuộc sống và khắc phục hậu quả sau lụt gây ra.
Theo báo cáo của Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết trên địa bàn các huyện từ Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ nước ở các sông đang lên cao. Một số công trình thủy lợi và tuyến đường trên địa bàn huyện ĐaKrông bị ngập và sạt lở. Trong khi đó, tại huyện Cam Lộ hàng nghìn hộ dân vẫn còn đang chìm trong biển nước.
Chiều ngày 1/11, dự kiến hai công trình thủy lợi đập Đá Mài và Tân Kim nằm trên địa bàn xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ với sức chứa 14 triệu m3 nước đã đến cao trình có khả năng phải xả nước khiến nguy cơ lũ chồng lũ là rất lớn.