Nhân ái

Quặn lòng 2 bà cụ nuôi nhau trong cảnh đói nghèo, không ai nương tựa

Trời lại đổ mưa xối xả khiến căn nhà thấp nhỏ của cụ Táp và cụ Lự như xiêu vẹo, sắp sập. Vội vã lấy chiếc nón mê đã cũ rách treo ở ngoài hiên, cụ Táp chân trần lội ra con đường trơn trượt để đi tìm chị gái về nhà vì chị bị điếc nặng đã nhiều năm, có gọi cũng không nghe thấy.

Theo chân anh Trần Ngọc Thắng – Trưởng thôn Chỉ Trụ, (xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), chúng tôi trở về thăm hai cụ Hoàng Thị Táp và Hoàng Thị Lự khi cơn mưa đang ập đến.

Nằm khuất sâu sau những lùm cây rậm rạp vì thế mà ngôi nhà của hai cụ phải nhìn thật tinh mới thấy được. Con đường bé, kéo từ đường vào vì quá lầy lội và trơn trượt nên cũng vừa được mọi người kê tạm cho mấy viên gạch lấy lối đi vào. Ngồi tựa trước hiên, cụ Táp mặt buồn rượi, đôi mắt dáo dác ngó quanh đi tìm chị gái nhưng không thấy đâu cả.

Cụ Táp sống cảnh không chồng, không con trong đói nghèo.

Chị gái cụ Táp là cụ Lự bị điếc và yếu đau không làm được gì cả.

Biết chúng tôi trở về thăm, cụ mời vào trong nhà ngồi tạm đợi cụ đi tìm chị gái về. Lúc ấy nhìn ra bên ngoài, mưa trắng trời đất, ấy vậy nhưng cụ vẫn với chiếc nón mê cũ rồi vội vã chân trần bước đi. Mưa lớn, táp ngang, táp dọc khiến cho cụ ướt sạch nhưng không còn cách nào khác, cụ vẫn phải đi.

Con đường nhỏ dẫn vào nhà 2 cụ.

Ngôi nhà của 2 cụ sơ sài, tạm bợ.

Lúc này ngồi trong nhà, anh Thắng trần tình kể: “Hai cụ này không có chồng con gì cả. Cụ lớn là cụ Lự bị điếc nặng lắm nên không nghe được gì cả, thành ra mọi việc đều một tay cụ Táp làm cả. Cuộc sống của hai cụ rất khó khăn và phụ thuộc vào đồng trợ cấp ít ỏi của xã hội mà hai cụ thì ốm đau liên miên nên bát cơm ăn hàng ngày cũng thiếu”.

Hai cụ sống trong cảnh không chồng, không con và đói nghèo.

Bữa hôm nay cụ được cho 3 thanh đậu, cụ tính sẽ ăn nó trong 3 bữa mới hết.

Ngôi nhà của 2 cụ, sơ sài, đơn giản với 2 chiếc giường đều đã cũ và ọp ẹp. Một vài chiếc bao đựng chăn và áo quần được treo lơ lửng ở góc nhà, một chiếc bình nước đã cũ đen nhẻm và sứt mẻ xung quanh… Đó là tất cả tài sản của 2 cụ trong suốt cuộc đời của mình, ngoài ra đều trống trơn, không có gì hết.

Đợi được một lúc thì cụ Táp tìm được cụ Lự trở về nhà và ngồi trò chuyện với chúng tôi. Vì bị điếc nặng và chậm chạp nên cụ Lự chỉ ngồi thu lu một mình ngoài hiên, nhìn ra trận mưa vẫn đang xối xả, để mặc em gái mình ở trong nhà trò chuyện.

Cuộc sống thực tại khó khăn, vất vả khiến cho cụ nhớ về cả 1 thời trẻ thanh xuân của mình: “Trước tôi cũng đã 1 lần đi lấy chồng rồi cô ạ, tôi cũng mong mình có con, có cháu như bao người nhưng ngày ấy ông ấy lại lấy thêm một người nữa nên tôi trở về nhà chăm bố mẹ và chị gái mình. Bố mẹ tôi giờ chết hết rồi, chị gái tôi cũng yếu đau, ốm suốt thôi nên dựa cả vào một mình tôi”.

Thấm thoắt cũng đã mấy chục năm trôi qua, kể từ sau cuộc hôn nhân tan vỡ, cụ Táp trở về làm chỗ dựa cho bố mẹ và chị gái, chấp nhận cảnh không có ai để nương tựa.

Những ngày còn khỏe, cụ đi làm thuê, làm mướn đủ mọi công việc để có bát cơm về nuôi bố mẹ già và chị gái, nhưng nay đã ở độ tuổi ngoài 70, cụ chẳng thể làm gì được nữa.

“Giờ có đi từ trên nhà xuống dưới bếp nấu nồi cơm cũng hoa hết mắt mũi cô ạ vì đốt rơm rác mắt cay xè, có lần còn không nhìn thấy đường mà đi nữa” – Cụ Táp nghẹn ngào.

Nhắc đến việc nấu cơm, lúc này đã là quá trưa nhưng ngó quanh tôi không thấy 2 cụ ăn gì. Hỏi ra mới biết hôm nay cụ được một người trong làng tốt bụng cho 3 thanh đậu đã rán sẵn, cụ còn đang để ở chảo dưới bếp, còn gạo thì hết rồi. 3 thanh đậu ấy 2 cụ tính để ăn trong 3 bữa là sẽ hết. Còn gạo có lẽ cụ sẽ đi vay tạm để cuối tháng có tiền trợ cấp sẽ trả cho người ta sau.

Hai cụ buồn tủi khi cuộc sống quá khó khăn.

“Nhiều khi nghĩ cũng tủi thân lắm cô ạ. Giờ già rồi làm thì không làm được mà vẫn phải ăn để sống. Có hôm quẫn quá, tôi cũng chỉ mong ông trời cho 2 chị em tôi đi sớm để đỡ phải khổ thôi”. Cụ Táp không dấu được sự buồn tủi trên gương mặt mình, nhìn ra phía ngoài tâm sự.

Cả hai cụ đã ở độ tuổi gần đất xa trời rồi nhưng đến cái ăn cũng còn thiếu, nói gì đến việc mưu cầu một điều gì khác nữa. Và giá như các cụ có một ai đó để bám vào thì có lẽ cũng sẽ đỡ tủi, đỡ khổ hơn.

Đằng này… bao nhiêu năm nay vẫn chỉ có hai cụ dựa vào nhau trong cảnh thiếu thốn, đói nghèo, cùng quẫn. Một điều ước nhỏ thôi, chỉ mong hai cụ có đủ bữa cơm ăn để không phải đói, phải bất lực với chính bản thân mình nữa. Có lẽ bấy nhiêu là đủ.. cho hai thân già đang vá víu vào nhau sống những ngày khổ sở.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Bà Hoàng Thị Táp

Địa chỉ: Thôn Chỉ Trụ, xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

Số ĐT: 0358701569

Tác giả: Phạm Oanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP