Trong nước

Quan lộ thăng tiến và tai tiếng sau 18 năm chèo lái tại Điện Quang của cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa

Chỉ mất 8 năm, bà Hồ Thị Kim Thoa từ một cán bộ nghiệp vụ đã trở thành người đứng đầu công ty. Tổng cộng, bà Thoa có 18 năm gắn bó với Điện Quang, đặc biệt là giai đoạn cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán.

Quan lộ thăng tiến ồn ào

Chiều 13/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ra quyết định truy nã cựu Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (sinh năm 1960, quê Nghệ An). Trước đó, ngày 11/7, bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng bộ Công Thương) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bà Thoa và ông Vũ Huy Hoàng - người từng là Bộ trưởng Công Thương – cùng bị khởi tố do liên quan đến những vi phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Trước đó, khi còn giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương, năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật cảnh cáo với bà Hồ Thị Kim Thoa, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ đối với bà.

Ngày 28/7/2017, bà Thoa có đơn xin nghỉ công tác với lý do cá nhân.

Ngày 16/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa sau 7 năm bà này tại vị.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương vừa bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trước khi về Bộ Công Thương làm Thứ trưởng năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa từng nhiều năm giữ các chức vụ lãnh đạo quan trọng tại Bóng đèn Điện Quang - một doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương trước đây, sau này đã cổ phần hoá và trở thành công ty cổ phần.

Cụ thể, tháng 6/1992, bà Hồ Thị Kim Thoa bắt đầu làm việc tại công ty Bóng đèn Điện Quang. Tới tháng 12/1993, chỉ sau khoảng 1 năm làm việc, bà Thoa được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Kế hoạch vật tư. Và cũng chỉ mất 3 năm sau đó, bà được thăng chức làm Giám đốc điều hành kinh doanh công ty Bóng đèn Điện Quang.

Tháng 4/2000, bà được thăng chức lên Tổng giám đốc. Năm 2005, bóng đèn Điện Quang chuyển thành công ty cổ phần, bà Thoa là Chủ tịch HĐQT cho đến năm 2010, trước khi bà về Bộ Công Thương làm Thứ trưởng.

Như vậy, chỉ mất 8 năm, bà Kim Thoa từ một cán bộ nghiệp vụ đã trở thành người đứng đầu công ty. Tổng cộng, bà Thoa có 18 năm gắn bó với Điện Quang, đặc biệt là giai đoạn cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo đánh giá, trong giai đoạn bà Thoa chèo lái, Điện Quang đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Doanh thu năm 2010 (năm cuối cùng bà Thoa lãnh đạo) đạt khoảng 650 tỷ đồng. Điện Quang còn xuất khẩu bóng đèn đi hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Giai đoạn phát triển nhanh nhất khoảng năm 2014-2016. Đỉnh điểm vào tháng 4/2016, cổ phiếu của Điện Quang lên mức trên 77.000 đồng/cổ phiếu. Nhờ vậy, cũng trong năm này, bà Thoa lọt top những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam năm 2016.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/7, cổ phiếu DQC ở mức 16.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá trị thị trường của số cổ phần do gia đình cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương đang nắm giữ là khoảng 187 tỷ đồng.

18 năm "làm mưa làm gió" tại Điện Quang

Những tai tiếng của bà Hồ Thị Kim Thoa Thoa được biết đến trong thời kỳ bà nắm giữ các chức vụ cao nhất tại Điện Quang khi công ty này thực hiện cổ phần hóa vào năm 2005. Đó cũng là thời điểm gia đình bà tạo ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp này. Việc thay đổi số liệu về giá trị sổ sách, số lượng cổ phiếu bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên trước và sau khi cổ phần hóa tạo nên nghi vấn về những đường đi lắt léo, lòng vòng trong việc mua và thâu tóm cổ phần của những thành viên trong gia đình bà Thoa.

Không chỉ cá nhân bà Thoa, con gái và em trai bà cũng sở hữu lượng cổ phiếu lớn tại Điện Quang, như một sự “mở đường” cho em trai bà, ông Hồ Quỳnh Hưng tiếp quản ghế Chủ tịch HĐQT của Điện Quang sau khi chị gái mình lên làm Thứ trưởng.

Bà Hồ Thị Kim Thoa cùng em trai Hồ Quỳnh Hưng và hai con gái (từ trái sang phải) Nguyễn Thái Nga và Nguyễn Thái Quỳnh Lê.

Mặc dù, bà Thoa gần như đã thoái sạch vốn tuy nhiên những thành viên trong gia đình bà vẫn nắm giữ số lượng lớn cổ phần của DQC. Và dù Điện Quang là một doanh nghiệp Nhà nước, nhưng các chức danh chủ chốt tại công ty đều do những thành viên gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ, đặc biệt trong đó có hai ái nữ của cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương là Nguyễn Thái Nga và Nguyễn Thái Quỳnh Lê.

Cụ thể, thông tin trên trang chủ của DQC thì bà Nguyễn Thái Nga chính thức là thành viên HĐQT DQC từ tháng 4/2013. Bà Nguyễn Thái Nga tốt nghiệp thạc sỹ Quản trị kinh doanh trường Đại học Northeastern (Mỹ). Bà Nguyễn Thái Nga công tác tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang từ tháng 2/2012 và từng đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Phó giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang. Từ tháng 11/2015 bà giữ vị trí Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang.

Em gái bà Nga, bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh trường Đại học Northeastern (Mỹ). Về Việt Nam, bà công tác tại Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam. Bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ và bán lẻ: Từ năm 2015 đến nay, là đồng sáng lập và điều hành chuỗi nhà hàng và cà phê tại Hà Nội, là đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT công ty AM Holdings sở hữu và kinh doanh tòa nhà AM Saigon với hàng trăm căn hộ dịch vụ tại Hồ Chí Minh.

Từ năm 2018 đến nay, bà Quỳnh Lê là Chủ tịch HĐQT Trường THCS – THPT Đinh Tiên Hoàng. Bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê công tác tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang từ tháng 4/2016, đảm nhiệm chức vụ Giám đốc phòng Dự án Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang.

Đến tháng 6/2018, bà Quỳnh Lê được bổ nhiệm vị trí Giám đốc điều hành khối Dự án – Phụ trách vận hành hệ sinh thái HomeCare bao gồm nền tảng mua sắm đa kênh từ online đến offline (chuỗi showroom) với các đối tác uy tín trong ngành điện và chiếu sáng, dịch vụ tư vấn thiết kế, thi công và bảo trì tận nơi với đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm hiện tại, các thành viên gia đình bà Thoa đang sở hữu tổng cộng 11,69 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 42,4% tổng lượng cổ phiếu lưu hành.

Trong đó, hai em trai của bà Thoa là ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và ông Hồ Đức Lam đang lần lượt sở hữu 2,51 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,14%) và 1,65 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,01%).

Hai con gái của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga và Nguyễn Thái Quỳnh Lê nắm giữ tổng cộng 6,35 triệu cổ phiếu DQC (tỷ lệ 23,06% vốn điều lệ công ty). Ngoài ra, theo dữ liệu tính đến ngày 31/12/2019, mẹ của bà Thoa là bà Trần Thị Xuân Mỹ cũng đang sở hữu 1,22 triệu cổ phiếu DQC (tỷ lệ 4,43%).

Kinh doanh gặp khó, cổ tức vẫn đều “như vắt chanh”

Với việc nắm giữ lượng cổ phần lớn, gia đình bà Thoa hàng năm vẫn thu về hàng chục tỷ đồng nhờ hoạt động chia cổ tức đều đặn của DQC. Thống kê cho thấy, kể từ khi lên sàn năm 2008, chưa năm nào DQC “quên” trả cổ tức cho cổ đông. Thậm chí trong 5 năm trở lại đây, công ty thường xuyên duy trì tỷ lệ cổ tức ở mức cao (25-30%) bất chấp kết quả kinh doanh có dấu hiệu thụt lùi.

Kết thúc năm 2019, DQC ghi nhận 825 tỷ đồng doanh thu giảm 30,5% so với cùng kỳ do công ty đã chủ động ngưng sản xuất đèn huỳnh quang tube và giảm các sản phẩm truyền thống có sản lượng tiêu thụ lớn nhưng công nghệ lạc hậu và không thân thiện với môi trường để tập trung nguồn lực vào những sản phẩm mới, hàm lượng công nghệ cao và có lợi thế cạnh tranh. Biên lãi gộp cải thiện đáng kể từ 19,5% lên 26,7% tuy nhiên lợi nhuận giảm tới 67% xuống còn 36,9 tỷ đồng do chi phí tăng cao.

Trong quý I/2020, doanh thu thuần của DQC đạt 191 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên giá vốn hàng bán lại giảm mạnh hơn mức giảm của doanh thu nên lợi nhuận gộp đạt 49,5 tỷ đồng tăng 18% so với quý I/2019.

Trong kỳ, chi phí tài chính lại tăng mạnh từ 264 triệu đồng lên gần 14 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm 46,7% so với quý 1/2019 nên kết quả lợi nhuận sau thuế của DQC chỉ còn hơn 3 tỷ đồng, giảm đến 64% so với cùng kỳ 2019.

Theo giải trình từ phía công ty, chi phí tài chính trong quý I của công ty tăng cao do giá cổ phiếu bị giảm mạnh bởi đại dịch COVID-19 nên công ty phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn theo quy định. Chi phí quản lý tăng do công ty phân bổ chi phí bản quyền phần mềm ERP cũng như phát sinh thêm chi phí phòng dịch bệnh COVID-19.

Sang năm 2020, DQC đặt mục tiêu doanh thu 900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 40 tỷ đồng lần lượt tăng 9% và 8% so với thực hiện 2019, công ty cho biết các chỉ tiêu này có thể được điều chỉnh trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19.

Tác giả: Hương Nguyễn (t/h)

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP