Theo ông Dương Quang Phái (nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương), quy luật phát triển của xã hội là đời sau phải khá hơn đời trước, con hơn cha là nhà có phúc.
"Thế nhưng, cán bộ giàu lên, hiện tại cũng đã giàu nhưng không nên giàu quá mức. Cán bộ công chức lương 4 - 5 triệu/tháng, so với người lao động là giàu hơn rồi. Nhưng giàu hơn đến trăm lần, chục lần thì không thể chấp nhận được", ông Phái cho biết.
Một trong những căn biệt thự 'khủng' được dư luận chú ý |
Cũng theo ông Phái, lương công chức giàu thì cũng chỉ hơn chục triệu đồng/tháng, mức này cũng chỉ đủ ăn, chứ không thể sở hữu nhiều biệt thự, đất đai như thế được.
"Có điều, giờ chúng ta chưa bắt chứng minh nguồn gốc tài sản và luật pháp còn nhiều kẽ hở, nên người ta né được. Khi tôi làm kiểm tra, nhiều cán bộ địa phương mua nhà Hà Nội nhưng không đứng tên mình mà đứng tên người khác. Và như thế tức là của tôi mà không phải của tôi, không phải của tôi nhưng lại là của tôi", ông Phái nói.
Chính vì vậy, theo ông Phái, khi bị kiểm tra, người đứng tên sẽ lật lọng, cho rằng nhà cửa đó không phải là của mình.
"Tôi biết nhiều cán bộ rất nhiều nhà, chứ không phải một nhà. Bản thân tôi cũng thấy nghi ngờ, chứ không phải chỉ người dân nghi ngờ", ông Phái bày tỏ.
Ông Phái lấy ví dụ, khi thực hiện dự án, đầu tư dự án mất khoảng 40%, xây dựng mất khoảng 10%, như vậy tổng mất khoảng 40 - 50%. Nói cách khác, một dự án chỉ thực hiện mất một nửa, một nửa còn lại ta sẽ kết luận thất thoát, nhưng thực tế tiền đó lại được chia cho người có quyền quyết định dự án, thẩm định dự án và thực hiện dự án.
"Khi tôi kiểm tra thì các đơn vị khai đưa cho ông A, ông B, ông C, họ chỉ đưa bằng phong bì, thì lấy đâu chứng cứ", ông Phái nói.
Làm sao để biết được nguồn gốc tiền của quan chức?
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trên thế giới, quan chức buộc phải công khai thu nhập cá nhân, ngay cả tổng thống và cả các đại biểu.
Nhưng ở nước ta, việc kê khai có diễn ra nhưng bí mật, không công bố, nên một số người quá giàu.
Mới đây, Tổng Bí thư có công bố Bộ Chính trị sẽ kiểm soát tài sản của 1.000 cán bộ cao cấp. Đây mới là bước ban đầu, nhưng để có thể làm được một cách rõ ràng thì một phải có quy định cụ thể.
Ở Mỹ, quà trên 100 USD là phải khai báo mới được nhận. Quan chức được tặng quà thì phải giao lại và sau đó định giá và mua lại.
"Chúng ta có quy định, nhưng không ai thực hiện. Tài sản và thu nhập không rõ ràng, nên dân bất bình. Cần có quy định chặt chẽ, cần giám sát quyền lực độc lập", ông Doanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Doanh, để nguồn gốc tài sản của các quan chức minh bạch cần thực hiện nhiều giải pháp.
Một là phải có kiểm soát quyền lực. Hai là phải thể hiện rõ trách nhiệm cá nhân. Ba là có sự giám sát của công luận, báo chí và các cơ quan pháp luật có thẩm quyền. Bằng cách đó mới biết được khối tài sản và tiền từ đâu ra.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, pháp luật không cấm quan chức xây nhà to, nhưng cần phải làm rõ nguồn thu nhập và tài sản của quan chức.
Cụ thể, phải xem họ khai báo tài sản đúng hay không. Thực tế, có người mất chức vì khai báo sai.
"Khai báo tài sản, không cần chứng minh thu nhập, mà cần phải rà soát tài sản khai báo, kể cả mang tên vợ, nhưng ông được quyền sử dụng thì vẫn là của ông", ông Phong nhấn mạnh.
Thứ hai, chứng minh những điều ông ấy khai có đúng không. Kể cả có làm ăn, nhưng làm ăn có vấn đề gì hay không, bóc dần thì sẽ ra các nguồn gốc tài sản. Khi đó chắc chắn sẽ tìm ra nhiều vấn đề.
"Tôi cho rằng, nếu chỉ dựa vào lương, mà lương nhà nước thì thấp, nên chỉ có thu nhập chưa khai báo, mới có tiền để xây nhà to, nhà đẹp", ông Phóng nói.
Tác giả: NGỌC VY
Nguồn tin: Báo VTC News