Giáo dục

Phụ huynh thắc mắc phải đóng thêm tiền khám sức khỏe định kỳ cho học sinh?

Nhiều phụ huynh có con theo theo học Tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Yên Định (Thanh Hóa) thắc mắc trong khi con em họ đã đóng tiền bảo hiểm y tế hàng năm nhưng vẫn phải nộp thêm một khoản tiền để được khám sức định kỳ trong năm học 2017- 2018.

Qua tìm hiểu của phóng viên, năm 2017 và 2018, Trung tâm Y tế và Phòng GD&ĐT huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã cùng ký và ban hành văn bản số 26, ngày 21/8/2017 và số 18, ngày 2/3/2018 về kế hoạch triển khai ký hợp đồng khám sức khỏe định kỳ năm học 2017-2018.

Kế hoạch giữa Trung tâm Y tế và Phòng GD&ĐT huyện Yên Định

Theo kế hoạch số 26 về việc khám sức khỏe định kỳ năm 2017 - 2018, có nêu mục tiêu khám sức khỏe và phân loại sức khỏe cho học sinh nhằm phát hiện, quản lý một số bệnh thường gặp ờ lứa tuổi học đường; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh, kiểm soát và hạn chế một số nguy cơ của các bệnh học đường, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh như: Cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng.. .và giảm tỷ lệ thương tích trong trường học.

Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa nhà trường và ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong nhà trường, để nâng cao tầm vóc, sức khỏe, thể chất, cho học sinh.

Cụ thể của mục tiêu nêu trên là 100% học sinh các lớp của trường Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn huyện Yên Định được khám và phân loại sức khỏe 1 lần/năm; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và Y tế trong việc theo dõi, giám sát quản lý sức khỏe học sinh.

Việc khám sức khỏe sẽ được thực hiện tại các trường học. Về kinh phí, trích từ quỹ BHYT (7%)/học sinh để lại trường chi cho các hoạt động chuyên môn. Trong đó, có tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh, sinh viên 1 lần/năm vào đầu năm học.

Một phần kinh phí do phụ huynh học sinh đóng góp để phục vụ khám sức khỏe cho học sinh. Theo đó, mức thu phí khám sức khỏe là 30.000 đồng/học sinh. Trong khi đó, tại Thông tư số 13/2016 của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế quy định rõ, kinh phí khám sức khỏe định kỳ từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo hàng năm; nguồn bảo hiểm y tế học sinh và nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và các nguồn thu hợp pháp khác.

Nhưng trên thực tế, các trường tại huyện Yên Định đã triển khai thu tiền phí khám sức khỏe của học sinh kiểu “bổ đầu” theo danh sách học sinh khiến phụ huynh thắc mắc.

Ông Nguyễn Văn Thăng, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Yên Phú, huyện Yên Định, cho biết: Căn cứ vào văn bản ban hành, nhà trường đã triển khai chương trình khám sức khỏe định kỳ cho toàn trường trong buổi chào cờ. Dự kiến ngày 16/4, ngành chức năng sẽ tổ chức khám bệnh cho học sinh tại trường.

Theo văn bản hướng dẫn, kinh phí ngoài nguồn 7% (khoảng hơn 34.000 đồng/học sinh) trích lại từ bảo hiểm y tế học sinh (mỗi học sinh đóng 491.400 đồng/năm tiền bảo hiểm y tế), thì mỗi học sinh còn phải nộp thêm 30.000 đồng để tham gia khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ học sinh. Hiện nay, giáo viên chủ nhiệm các lớp đang triển khai, thu tiền nội dung trên.

Bà Ngô Thị Đặng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Định, cho biết: Theo quy định của Bộ Tài chính và UBND tỉnh Thanh Hóa thì kinh phí khám sức khỏe định kỳ cho học sinh là từ 75.000- 105.000 đồng/học sinh.

Cũng theo bà Đặng, nếu trích 7% từ bảo hiểm y tế của học sinh đóng để lại cho trường đã đủ để chi trả tiền khám sức khỏe theo định kỳ trong hợp đồng mà đơn vị đã ký với nhà trường. Về việc thông tin nhà trường thu thêm 30.000 đồng/học sinh bà Đặng cho biết không nắm được.

Được biết, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Yên Định đã có 11 trường hoàn thành việc khám sức khỏe định kỳ, trong đó có 6 trường đã thanh lý hợp đồng và nhiều trường đã hoàn thành việc thu 30.000 đồng/học sinh.

Hợp đồng khám sức khỏe

Ông Nguyễn Thiện Chinh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Định, lý giải: “Kinh phí khám sức khỏe định kỳ cho học sinh được trích một phần trong 7% từ tiền bảo hiểm y tế để lại, một phần phụ huynh đóng góp, một phần từ các nguồn kinh phí khác. 7% là rất nhiều hoạt động y tế trường học chứ không riêng mình việc khám sức khỏe định kỳ cho học sinh”.

Cũng theo ông Chinh, hiện nay địa phương đã làm điểm vòng một được hơn 10 trường, sau đó mời phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường họp lại. “Sau khi họp xong, thấy tất cả làm đảm bảo, nếu tốt cho học sinh thì cứ làm”, ông Chinh nói.

“Việc huy động là tùy từng trường, cái này Phòng không can thiệp sâu lắm. Mình chỉ giám sát xem trong 30.000 đồng thu đấy là làm những việc gì theo tích kê ra. Thực chế nó cũng chả đáng mấy tiền, vấn đề cơ bản là quản lý 30.000 đồng đấy làm những cái gì”, ông Chinh cho biết thêm.

Tác giả: Trần Lê

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP