Đ/c Nguyễn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo xã Thuần Thiện
tại Lễ truy tặng danh hiệu anh hùng LLVT cho liệt sỹ Võ Triều Chung
Cắt băng khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sỹ
Được ví như khúc ruột miền Trung, trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Can Lộc vừa là căn cứ địa vững chắc, vừa là tiền tuyến lớn của miền Bắc, là hậu phương của miền Nam, là điểm có quá nhiều những tuyến giao thông huyết mạch đi qua phục vụ công tác chuyển quân, vũ khí, lương thực… tiếp viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Từ mảnh đất này, hàng ngàn người con ưu tú của quê hương Can Lộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cuộc sống của mình, cho đất nước “nở hoa hoà bình, kết trái tự do”. Họ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường hoặc khi trở về mang trên mình thương tật suốt đời. Bước ra từ khói lửa chiến tranh, Can Lộc nổi lên như một điểm sáng về ý chí kiên cường, tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất với một Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, nơi 10 nữ TNXP đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ; Nhà bia tưởng niệm Liệt sỹ Cầu Nhe – nơi 53 chiến sỹ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn Yên Tử, Quân Khu 3 đã hy sinh trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ; hay Ngã ba Nghèn quật khởi tinh thần Xô Viết – Nghệ Tĩnh những năm ba mươi của thế kỷ XX… Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Can Lộc trong các cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng đất nước, 100% số xã, thị trấn và huyện Can Lộc được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; có 159 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước truy tặng, phong tặng (hiện 7 mẹ còn sống), 193 người được công nhận cán bộ hoạt động trước Cách mạng tháng 8/1945 (đang hưởng trợ cấp 7 người), 2.440 liệt sỹ (thân nhân đang hưởng trợ cấp 742 định suất), 2.783 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 674 bệnh binh, 213 người tham gia kháng chiến và 197 con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng trợ cấp hàng tháng…
Khắc sâu và biết ơn những cống hiến, hy sinh to lớn đó, trong nhiều năm qua công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công luôn được các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện tốt, coi đó là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự, sự tri ân của thế hệ hôm nay giành cho những người có công với nước. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân thông qua nhiều việc làm thiết thực, ủng hộ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất đối với các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ, người có công, giúp họ vơi bớt nỗi đau, hoà nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đã và đang phát triển sâu rộng, thu hút được sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, từng bước trở thành nét văn hoá tinh thần cao đẹp trong xã hội, tạo động lực mới cho sự ổn định và phát triển bền vững của huyện nhà.
Đến nay, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã được xây dựng ở cả cấp huyện và cấp xã. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện đã thu hút được gần 320 triệu đồng, chủ yếu là từ nguồn đóng góp của các cơ quan, đơn vị; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Nguồn kinh phí này đã được sử dụng hiệu quả trong việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nhà tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ; phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng; thăm hỏi tặng quà và giúp đỡ thương binh, bệnh binh… Đặc biệt trong dịp tháng Bảy tri ân 2014, toàn huyện đã huy động được hơn 7.000 suất quà trị giá gần 2 tỷ đồng để trao tặng cho các đối tượng người có công, thân nhân liệt sỹ. Riêng Báo Nhân dân tặng 25 suất quà, trị giá 125 triệu đồng; tặng Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc 50 triệu và tặng Quỹ khuyến học của huyện 100 triệu đồng. Trong dịp tết Nguyên đán 2015, để “Xuân ấm đến với mọi nhà”, đã có 22.393 suất quà, trị giá gần 3,9 tỷ đồng từ các nguồn xã hội hoá được chuyển tới các đối tượng chính sách. Điều cảm động là trong hơn 22 ngàn suất quà đó, có 13.858 suất quà, trị giá gần 2,1 tỷ đồng được chuyển tới đối tượng là người có công với cách mạng, thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Cũng trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn tổ chức xây mới 122 nhà tình nghĩa và nâng cấp sửa chữa 133 nhà ở cho người có công, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 7,5 tỷ đồng cho các đối tượng người có công gặp khó khăn về nhà ở hoặc nhà ở đã xuống cấp (theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở). UBND huyện đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để người có công được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn đều được phụng dưỡng chu đáo. Phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác chính sách được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, đơn vị đặc biệt quan tâm. 100% xã, thị trấn đã được công nhận đơn vị làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công; trên 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Sáng mãi ngọn nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện
Các em học sinh dâng hương trước phần mộ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện
Từ những kết quả nêu trên, có thể khẳng định công tác đền ơn đáp nghĩa ở Can Lộc đã và đang ngày càng đi vào nền nếp, khơi dậy được ý thức trách nhiệm và đạo lý nghĩa tình của mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng như nhân dân trong toàn huyện đối với những người có công với đất nước, với quê hương; thực sự trở thành phong trào toàn dân tham gia chăm sóc người có công. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình hiện nay, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong toàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực, tạo ra những tiền đề vật chất, động lực tinh thần to lớn, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Huy Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: động viên, thăm hỏi, tặng quà các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công; chỉnh trang các công trình đài tưởng niệm, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ; xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hành hương về các địa chỉ đỏ; tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn toàn huyện vào dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7…Thông qua những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục cho mọi người, nhất là với thế hệ trẻ về lòng biết ơn, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng và sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông cho nền độc lập và tự do của dân tộc; thấy rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển của quê hương, đất nước”.
Với sự cố gắng nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội, tin tưởng rằng những người có công với cách mạng sẽ ngày càng được cải thiện về đời sống vật chất và tinh thần, góp phần tiếp lửa để thắp sáng hơn nữa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc trên quê hương Can Lộc anh hùng.
Bích Liên/ Can Lộc