Mạng lưới giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển và đường sông đan xen nhau với những tuyến đường độc đạo, là yết hầu, cửa tử để vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường. Đế quốc Mỹ đã tung hàng chục toán gián điệp biệt kích bằng đường biển, đường không vào Hà Tĩnh, đồng thời tập trung đánh phá ác liệt bằng không quân, từ năm 1965 – 1972 bình quân mỗi người dân Hà Tĩnh phải hứng chịu 550kg bom đạn. “Lấy địch đánh địch”, giành thắng lợi lớn Mặc dù còn non trẻ, nhưng lực lượng An ninh Hà Tĩnh đã tỏ rõ bản lĩnh sắc sảo của những chiến sỹ dũng cảm mưu trí trên trận tuyến an ninh thầm lặng, đã bóc gỡ nhiều tổ chức phản động, bắt nhiều toán gián điệp biệt kích. Đặc biệt, chiến công tiêu biểu của An ninh Hà Tĩnh phối hợp với Đồn 93 Công an nhân dân vũ trang, tự vệ Lâm trường Hương Sơn bắt gọn toán gián điệp biệt kích “Hadley” 11 tên, do Lê Văn Ngung (SN 1945) quê Đan Phượng, Hà Đông làm toán trưởng, nhảy dù xuống địa bàn xã Sơn Giang (Hương Sơn) vào ngày 25/1/1967, để điều tra thảm sát các con đường dùng để chuyển quân đội, vũ khí vào Nam mà Mỹ chưa biết; nắm các căn cứ quân sự, các trận địa phòng không, những khu vực dân cư… chụp ảnh ghi tọa độ vào bản đồ rồi báo về Trung tâm CIA ở Sài Gòn. Nhiệm vụ của chúng là tìm bắt cán bộ cao cấp của miền Bắc khai thác tình hình, lấy tài liệu sốt dẻo rồi báo cáo cho “Trung tâm” đưa máy bay ra chở về Nam. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Công an, Công an Hà Tĩnh tiến hành sử dụng “trò chơi nghiệp vụ” lập chuyên án mang bí số K50 lấy địch đánh địch. Chuyên án K50 kéo dài 3 năm, đến tháng 6 năm 1970 mới kết thúc. Ban chuyên án đã thu được hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, máy móc thông tin, lương thực thực phẩm, tiền, vàng phục vụ chi viện cho An ninh miền Nam. Lực lượng Công an Hà Tĩnh đã được tôi luyện trong thử thách, lập nhiều chiến công xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. Dũng cảm hy sinh, đảm bảo mạch máu giao thông vận tải Với khẩu hiệu “Địch phá, ta sửa ta đi” CBCS Cảnh sát giao thông luôn bám trụ kiên cường trên từng tuyến đường, cây cầu, nhà ga, bến phà để chỉ huy, hướng dẫn, điều hòa giao thông, đảm bảo mạch máu thông suốt, an toàn; bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội; cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân… Từ 1965 – 1972, chiến đấu trên 2.000 trận, bảo vệ trên 60 kho hàng, bến bãi, với hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, thuốc men; đào bới được 450 người bị sập hầm; cấp cứu trên 3.200 người bị thương; cứu được trên 200 tấn xăng dầu, trên 1.600 phương tiện ra khỏi nơi địch đánh phá. Hướng dẫn cho hàng triệu lượt phương tiện chở hàng hóa, lương thực, thực phẩm, bộ đội, các cháu học sinh đi sơ tán an toàn. Đã đưa đón, bảo vệ trên 100 cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và 15 đoàn khách quốc tế vào, ra chiến trường qua đất Hà Tĩnh đảm bảo an toàn tuyệt đối…
.
Tháng 5/1965, 3 đồng chí CSGT cùng đồng chí Trần Quang Đạt – Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh vào Quảng Bình để bảo vệ và đưa Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường ra. Khi qua phà Sông Rác, đến giữa sông thì đột nhiên máy bay địch đến thả pháo sáng và ném bom. Trước tình hình tiến thoái lưỡng nan, không có cách gì khác, cả 3 đồng chí CSGT đã vây quanh đồng chí Nguyễn Chí Thanh che đạn và cho phà tiếp tục sang sông. Khi về đến Hà Nội an toàn, Đại tướng đã gửi điện vào biểu dương tinh thần mưu trí dũng cảm dám hy sinh của CSGT Hà Tĩnh.
Ngã ba Đồng Lộc được coi là “yết hầu” của các tuyến đường từ Bắc vào đường mòn Hồ Chí Minh. Chiến đấu ở địa bàn ác liệt này là Tiểu đội CSGT Đồng Lộc gồm 11 đồng chí đã kiên cường bám trụ, ngày đêm bám đất, bám đường, nhiều lần vượt qua bãi bom từ trường, bom nổ chậm, hướng dẫn cho từng đoàn xe ra mặt trận. Tiêu biểu là Tiểu đội trưởng Nguyễn Tiến Tuẩn đã cùng một số đồng chí khác chấp nhận hy sinh chạy qua bãi bom từ trường để ngăn cản, hướng dẫn cho hàng trăm xe vào đường tránh đi qua trọng điểm an toàn.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Phòng CSGT đã được Nhà nước tặng hai Huân chương Chiến công hạng nhất, hai Huân chương Chiến công hạng nhì, hàng chục bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an, 8 năm liên tục (1968 – 1975) đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; 2 đơn vị trực thuộc và 1 cá nhân được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Tiểu đội CSGT Đồng Lộc, Trạm CSGT Kỳ Anh và đồng chí Nguyễn Tiến Tuẩn), 15 lượt chiến sĩ được tặng huân, huy chương các loại, 4 đồng chí được tặng Huy hiệu Bác Hồ; 70 cán bộ chiến sĩ được Bộ Công an, Ủy ban Hành chính tỉnh tặng bằng khen…
Kiên cường chiến đấu với giặc trời, giặc lửa
Trong suốt thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, địa bàn Hà Tĩnh tập trung nhiều kho tàng, bến bãi, xăng dầu, súng đạn, hàng hóa, tài sản phương tiện chiến tranh của Nhà nước, quân đội… vì vậy Hà Tĩnh trở thành mục tiêu địch tập trung đánh phá có tính hủy diệt.
Vì vậy lực lượng Phòng cháy chữa cháy Công an Hà Tĩnh nêu cao tinh thần học tập, rèn luyện, xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập nhiều phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy trong các tình huống do máy bay, pháo kích của Mỹ gây ra. Mưu trí dũng cảm, kịp thời cứu chữa hơn 300 trận, chi viện đắc lực cho tỉnh bạn, bảo vệ an toàn tính mạng hàng ngàn người, hơn 4.000 tấn phương tiện, 4.380 tấn hàng hóa, hàng trăm xe ôtô, nhiều loại vũ khí, đạn được, thuốc men để chuyển vào chiến trường phục vụ sản xuất, chiến đấu tại chỗ, góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Điển hình 10h trưa 26/3/1965, đế quốc Mỹ đã điên cuồng bắn đạn rốc két xối xả vào các trận địa cao xạ, các mục tiêu kinh tế, chính trị của thị xã Hà Tĩnh. Từ trên đài quan sát của đơn vị PCCC, đồng chí Lưu Xuân Trường – chiến sĩ chữa cháy đã nhanh chóng báo động, dùng loa phóng thanh hướng dẫn nhân dân xuống hầm sơ tán. Lực lượng phòng cháy gồm 20 đồng chí chia thành 3 mũi xông thẳng vào các mục tiêu dùng nước, bình bọt, bùi nhùi phối hợp với dân quân và lực lượng dân phòng dập tắt các đám cháy lớn đang lan rộng khu vực nhà dân ở xã Thạch Phú, xã Đại Nài.
Trong khi một phân đội gồm 8 đồng chí do đồng chí Bùi Thanh Tàng trực tiếp chỉ huy dũng cảm dập tắt đám cháy, sơ tán hàng ở kho ngoại thương, một tốp máy bay khác từ biển Đông bổ nhào trút bom vào mục tiêu đơn vị đang chiến đấu, một mảnh bom đã chặt đứt lăng, vòi chữa cháy, 3 chiến sĩ bị thương nhưng không ai rời vị trí chiến đấu. 3 đồng chí đã nhanh chóng dùng lăng, vòi dự phòng thay thế tiếp tục chiến đấu.
Đến 15h ngày 26/3/1965, đơn vị đã cứu chữa hơn 100 nóc nhà, 200 tấn lạc nhân, đào bới cấp cứu 18 người bị sập hầm, bị thương, cứu thoát hàng trăm con trâu, bò, lợn, gà của nhân dân, góp phần rất quan trọng vào chiến công đầu tiên của quân và dân Hà Tĩnh bắn rơi 12 máy bay Mỹ.
Đêm 25/6/1972, đoàn xe kéo tên lửa đang trên đường hành quân bị máy bay Mỹ phát hiện chặn đường ném bom vào đội hình tại đường 21A. Nhận được nguồn tin, đơn vị đã bật đèn gầm cho xe vượt trọng điểm đến ngay vị trí chiến đấu. 2 xe ôtô chở 15 cán bộ, chiến sĩ tắt đèn gầm tiếp cận mục tiêu triển khai đội hình cứu chữa. Trong tiếng gầm rú điên cuồng của máy bay Mỹ và sự đánh trả quyết liệt của bộ đội phòng không, 15 đồng chí được chia thành 2 mũi phối hợp với quân đội kịp thời dập tắt 3 xe ôtô bị trúng đạn bốc cháy. Ngay đêm hôm đó, đơn vị phối hợp với Cảnh sát giao thông, Thanh niên xung phong kịp thời san lấp hố bom, thông đường, giải phóng đoàn xe tiếp tục hành quân phục vụ chiến dịch…
Do có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1995 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và nhiều phần thưởng cao quý khác
Văn Đình – Hồng Phú
CAND