Từ những ông chủ sản xuất kinh doanh nhỏ…
Tôi đã có dịp đi, ở và trải nghiệm tại một số nước châu Á, châu Âu nhưng hiếm ở đâu người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng lại vươn lên trở thành những ông chủ, bà chủ nhiều như Liên bang Nga.Nếu như ở Anh, cố gắng lắm người Hà Tĩnh cũng chỉ có thể tồn tại bằng nghề nail (sơn sửa móng tay), một bộ phận lớn trồng cần sa trái phép. Ở Đức, phương kế mưu sinh của không ít người Hà Tĩnh là buôn rượu lậu và thuốc lá lậu. Tại Thái Lan, nơi đang có khoảng 10.000 lao động Hà Tĩnh làm việc thì công việc chính vẫn là làm thuê trong các nhà hàng.
Tại Liên bang Nga hầu hết những người Hà Tĩnh ở lại sau khi Liên Xô tan rã thì đến nay đều sở hữu cho mình những cơ sở sản xuất hoặc buôn bán riêng. Theo thống kê của Hội đồng hương Hà Tĩnh, riêng thủ đô Mát-xcơ-va hiện đang có khoảng 500 người Hà Tĩnh là tiểu thương buôn bán tại các tổ hợp thương mại, hàng chục người là chủ xưởng may, một số người đã đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, dịch vụ tài chính…
Tiếng là tiểu thương nhưng hầu hết đều là đầu mối bán sỹ doanh thu mỗi tháng lên tới tiền tỷ.Anh Trần Huy Khuân (quê ở xã Trường Lộc, huyện Can Lộc) tiết lộ: gian hàng chừng 40 m2 bán quần áo của gia đình tại Tổ hợp thương mại Mát-xcơ-va mỗi tháng phải chịu các khoản phí lên đến 15.000 đô la. Điều này đồng nghĩa, tiền lãi chí ít cũng phải kiếm được gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Công việc vất vả nhưng thu nhập khá đã kéo tất cả ra chợ, trong đó có nhiều người là tiến sỹ, thạc sỹ được Liên Xô đào tạo trước đây.Anh Nguyễn Minh Hóa – quê ở thị trấn Nghèn huyện Can Lộc – người có bằng thạc sỹ giáo dục học hiện đang là chủ cửa hàng giày ở chợ Tractor – TP Volga Grad thừa nhận: kiến thức được học giờ đây hữu dụng nhất chỉ là tiếng Nga còn lại coi như …xếp vào kỷ niệm.
… Đến những triệu phú đô la
Từ quá trình làm ăn, tận dụng sự thuận lợi về chính sách, môi trường kinh doanh trên đất Nga, đã có những người Hà Tĩnh vươn lên trở thành doanh nghiệp có tiếng trong và ngoài cộng đồng người Việt, được ghi nhận là những triệu phú đô la.Doanh nhân Hoàng Văn Vinh (quê ở xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân) hiện đang nắm cổ phần chi phối tại 3 trung tâm thương mại trong Tổ hợp thương mại nổi tiếng Tagan ở TP Yekaterinburg.Ông Vinh còn tham gia đầu tư bất động sản khi có hàng chục căn hộ cho thuê, chủ một xưởng may lớn ở Sverdlovsk và hiện đang triển khai dự án khách sạn 4 sao ở TP Nha Trang quy mô đầu tư 400 tỷ đồng. Doanh nhân Hoàng Văn Vinh là thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu, ủy viên thường vụ Hội doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga.Doanh nhân Hồ Sỹ Huy (quê ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê) là người đang sở hữu 13 công ty, trong đó có 8 công ty chuyên về may mặc.
Sang Nga theo học ngành địa chất vào năm 1988, Hồ Sỹ Huy đã phải lăn lộn trong những năm tháng nước Nga gặp nhiều khó khăn nhất, đã từng phải đối mặt với các băng đảng giang hồ xã hội đen để tồn tại. Sau thành công với việc kinh doanh chợ, nhà hàng, may mặc, giờ đây anh đang chuyển hướng sang đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch theo công nghệ Israel.Hồ Sỹ Huy tiết lộ: Trong bối cảnh phương Tây cấm vận, Nga cấm nhập khẩu hàng tiêu dùng và thực phẩm từ châu Âu chính là thời cơ để anh nắm bắt, chuyển hướng đầu tư.Doanh nhân Đinh Lê Vũ (quê ở xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ), người luôn tự nhận mình là không làm bất cứ ngành nghề gì nhưng hầu hết người Việt Nam kinh doanh ở TP Saint Peterburg đều trực tiếp hoặc gián tiếp tham vấn từ ông.
Từ dịch vụ hải quan, thủ tục pháp lý đến tư vấn chính sách, tư vấn thị trường, doanh nhân Lê Đức Vũ luôn là người có tiếng nói quan trọng. Ông hiện là cố vấn Trung tâm châu Á Thái Bình Dương của Tòa thị chính Saint Peterburg, cộng tác cho một số tập đoàn kinh tế lớn ở Nga, trong đó có tập đoàn dầu khí Gasprom.
…Và tinh thần cố kết cộng đồng
Không một đất nước nào ở châu Âu có người Hà Tĩnh sinh sống, học tập, lao động nhiều như ở Liên bang Nga. Theo thống kê, riêng thành phố Mát-xcơ-va đã có khoảng 5.000 người, TP Yekaterinburg có khoảng 400 người, TP Volga Grad có khoảng 200 người… Tại hầu hết thành phố đều có Hội đồng hương Hà Tĩnh.
Theo đánh giá của đại sư quán Việt Nam tại LB Nga, Hội đồng hương Hà Tĩnh thuộc diện hoạt động bài bản nhất cả trong tập hợp tương trợ cộng đồng cũng như hướng về quê hương.Tại TP Yekaterinburg, doanh nhân Hoàng Văn Vinh đã chủ trương tạo điều kiện về mặt bằng, lệ phí đối với những hộ kinh doanh là người Hà Tĩnh, Nghệ An, để anh chị em đồng hương có thêm lợi thế so sánh với người Tàu, người SNG khi buôn bán trong hệ thống thương mại Tagan.
Theo ông Nguyễn Giáo Hùng (quê ở huyện Đức Thọ) – Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại TP Volga Grad, Hội đã đứng ra thành lập Công ty Volga Việt để chịu trách nhiệm pháp lý cho cộng đồng người Việt nói chung và người Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng làm ăn. Tại Mát-xcơ-va, Hội đồng hương được tổ chức theo từng chi hội, với nhiều hoạt động văn hóa thể thao, trong đó đội bóng đá Sông La của người Hà Tĩnh tại Mát mới đây đã đoạt chức vô địch giải bóng đá người Việt toàn Nga.
Đã có nhiều hoạt động Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Nga hướng về quê hương như quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt, hỗ trợ kinh phí xây đài phun nước ở Ngã ba Đồng Lộc, xây dựng Văn Miếu ở TP Hà Tĩnh và hiện tại đang tài trợ biên dịch Truyện Kiều sang Tiếng Nga. Tại Liên bang Nga, những người Hà Tĩnh vốn nổi tiếng là chịu khó và linh hoạt trong thích ứng với cơ chế chính sách nên đã tạo dựng được thành công nhất định cả trong sản xuất lẫn kinh doanh, có những người vươn lên trở thành doanh nhân thành đạt. Điều đáng trân trọng hơn như doanh nhân Hồ Sỹ Huy – Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh ở Mát-xcơ-va khẳng định là dù giàu dù nghèo thì cũng phải nhớ rằng tất cả đều vươn lên từ trong khó khăn để rồi phải cố kết với nhau cùng xây dựng cộng đồng vững mạnh.