Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản cúi mình thi lễ từ cửa máy bay (ảnh: Quý Đoàn).
Nghi thức đón nguyên thủ quốc gia được chuẩn bị tại chân máy bay, sân bay quốc tế Nội Bài.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đón Nhà vua và Hoàng hậu Nhật tại chân cầu thang máy bay.
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật lên xe đón tại sân bay để về trung tâm Hà Nội.
Xe chở Nhà vua và Hoàng hậu được tại sảnh nhà khách VIP của sân bay Nội Bài, chuẩn bị về trung tâm Hà Nội.
Trước khi chuyên cơ của Nhà vua Nhật Bản đáp xuống phi trường, việc chuẩn bị đón đoàn đã sẵn sàng từ lâu. Hai thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống là người tặng hoa đón chào Nhà vua và Hoàng hậu đến Việt Nam.
Những bó hoa tươi được chuẩn bị chu đáo để chào đón Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ ngày 28/2-5/3, Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu sẽ có một lịch trình dày đặc các hoạt động tại Hà Nội và Huế như hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; gặp gỡ cựu binh lính Nhật, thăm Bảo tàng sinh học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, thăm Đại Nội và nghe Nhã nhạc cung đình Huế, thăm Nhà lưu niệm Pham Bội Châu và gặp cộng đồng người Nhật Bản tại Việt Nam.
Đoàn tháp tùng Nhà vua và Hoàng hậu Nhật bản gồm có ông Hirofumi Nakasone, thượng nghị sĩ-trưởng đoàn; ông Shinichiro Yamamoto, Trưởng ban Nội chính, Hoàng gia Nhật Bản; ông Chikao kawai, Trưởng đội cận vệ cho Nhà vua; Bà Noriko Ito, Trợ lý cao cấp của Hoàng hậu; ông Yuji Fujiyama, Sĩ quan cận vệ cao cấp hoàng cung cùng nhiều quan chức khác của Hoàng gia Nhật Bản.
Chuyên cơ của Nhà vua mang cả cờ của Nhật Bản và Việt Nam tại vị trí đỗ được bố trí trên sân bay Nội Bài.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao với sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, hợp tắc chặt chẽ, và ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương.
Về vấn đề Biển Đông, Nhật Bản khẳng định cần đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; ủng hộ quan điểm các tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, tuân thủ DOC và sớm xây dựng COC; phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Trong lĩnh vực hợp tác về kinh tế, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 2 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Nam Hằng