Thể thao

Những hệ lụy nếu HAGL bỏ V-League

Sự bất đồng giữa bầu Đức và bầu Tú có thể dẫn đến một cuộc khủng khoảng, mà ở đó tất cả các bên đều tổn thương.

Bầu Tú đã xác nhận sẽ không rút lui khỏi các chức vụ hiện có, và vẫn là ứng cử viên gần như duy nhất cho chức danh phó Chủ tịch tài chính tại đại hội VFF sắp đến. Ông có lý do để bảo vệ quyết định, vì cho rằng mình không làm gì sai và cũng không có gì cản trở việc ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng cùng lúc ở bóng đá Việt Nam. Bầu Đức cũng có lý do để bỏ bóng đá. Vì với kinh nghiệm gần 20 năm theo đuổi đam mê, ông không tin bóng đá Việt Nam sẽ tốt hơn trong tình cảnh thiếu hụt nhân sự đến mức một người phải “ôm” nhiều chức vụ như thế.

Giữa lúc nước sôi lửa bóng, chưa có tiếng nói trung gian nào đủ trọng lượng để dàn xếp nhằm tránh cho một sự đổ vỡ gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Thay vào đó, bóng đá Việt Nam đang đối diện với một cuộc khủng khoảng, dù đã có tiền lệ nhưng hậu quả thì lớn hơn rất nhiều.

HAGL là một trường hợp đặc biệt, và mọi diễn biến xung quanh họ đều ảnh hưởng nhiều đến bóng đá Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng.

Hậu quả đầu tiên có thể xảy đến với chính bầu Đức. Dù rằng tuyên bố sẽ có lộ trình, việc giải quyết quyền lợi cho nhà tài trợ VP Milk là điều không đơn giản. Thương hiệu này đã đi cùng với HAGL suốt từ mùa trước. Cũng từ đội bóng phố núi, họ bén duyên với đội tuyển U23 Việt Nam. Gần đây, các bảng quảng cáo của nhãn hàng này xuất hiện dày đặc trên các sân bóng có lượng khán giả cao như Hàng Đẫy, Hải Phòng… Họ cũng đã nhanh chóng ký hợp đồng để HLV Park Hang-seo làm đại sứ thương hiệu. Đây được cho là những phương án dự phòng để VP Milk giữ được sự đồng hành cùng bóng đá Việt Nam trong trường hợp HAGL không thi đấu.

Cái khó thứ hai, thậm chí còn lớn hơn. Dàn cầu thủ của HAGL hiện nay đều có chỗ đứng về chuyên môn và giá trị chuyển nhượng không nhỏ. Xét về yếu tố kinh doanh, bầu Đức có thể bán cả đội bóng mà không thiệt hại nhiều về tài chính. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa rằng ông sẽ đánh mất luôn đam mê của mình. Trước này, ông luôn tâm niệm xây dựng một thế hệ cầu thủ có cả tài lẫn đức. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi họ chơi bóng cùng nhau, dưới sự quản lý của HAGL. Chưa kể, bầu Đức còn lời hứa về tương lai của các cầu thủ với chính gia đình của họ. Và nếu không giữ HAGL đá V-League, đầu ra của Học viện tại Gia Lai cũng là một dấu hỏi vì hiện nay, học viện này chưa đủ chất lượng để “xuất khẩu” cầu thủ ra nước ngoài.

Giải pháp khả dĩ nhất là bầu Đức chuyển giao toàn bộ đội bóng cho một doanh nghiệp khác, hoặc đưa họ sang thi đấu ở một giải trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng vế thứ hai không đơn giản do còn liên quan đến việc đầu tư ra nước ngoài.

Sự rút lui của HAGL, nếu xảy ra, sẽ là sự tổn thương nghiêm trọng đến bầu không khí vừa chớm có chút lạc quan. Ảnh: Đức Đồng.

Với bầu Tú và công ty VPF, nếu HAGL rút lui, đó sẽ là một “vết đen”. Công ty VPF ra đời nhằm để đem lại lợi ích cho các CLB, phát triển bóng đá Việt Nam thông qua sự lớn mạnh của các đội bóng, nhất là kết nối các doanh nghiệp tham gia làm bóng đá. Để cho một ông bầu kỳ cựu, một đội bóng có truyền thống rời sân chơi này, dù được cho là không phải lỗi của mình, thì rõ ràng bầu Tú cũng phải có trách nhiệm của người đứng đầu.

Lịch sử V-League đã ghi nhận không ít trường hợp bỏ giải, như Sài Gòn Xuân Thành năm 2013 hay Vissai Ninh Bình 2014. Tuy nhiên, dù tạo ra sự xáo trộn về kết quả thi đấu, các trường hợp đó không thể gây tác hại lớn bằng trường hợp của HAGL. Đội bóng phố núi từ nhiều năm qua vẫn là nguồn cảm hứng lớn nhất tại V-League. Trung bình ba mùa giải gần đây, mỗi trận đấu có họ tham gia đều thu hút lượng khán giả trung bình trên dưới 10.000 người, cao hơn nhiều so với trung bình toàn giải. Họ có mặt trong hầu hết các trận đấu được ghi nhận lượng khán giả kỷ lục tại V-League, mới nhất là hai trận đấu ở sân Lạch Tray và Hàng Đẫy. Bởi vậy, nếu HAGL không còn thi đấu, chính các nhà tài trợ của V-League sẽ quay lại gây khó dễ cho công ty mà bầu Tú đang đứng đầu.

Dù với lý do gì, việc bầu Đức rút HAGL ra khỏi V-League rõ ràng là điều không nên xảy ra, cả về hiện tại lẫn lâu dài. Sau thành công của U23 Việt Nam, V-League đang đón nhận những tín hiệu tích cực. Đây là lúc bóng đá nước nhà cần sự ổn định, chứ không phải những sự tổn thương mà nội bộ gây ra cho nhau. Đáng tiếc là không có ai đủ cao tay để tháo ngòi nổ “quả bom” hiện nay. Nỗ lực của cựu Chủ tịch công ty VPF Võ Quốc Thắng đã không thành khi bầu Đức từ chối ngồi lại với bầu Tú.

Lúc này, người hâm mộ chỉ có thể hy vọng sẽ có động thái quan trọng đến từ lãnh đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, hay thậm chí là cấp cao hơn để hóa giải mối mâu thuẫn này. Bởi ngay cả khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF bầu ra một ban lãnh đạo mới, mà mối quan hệ giữa họ và cấp CLB như trường hợp của bầu Đức vẫn chỉ “bằng mặt không bằng lòng”, thì chẳng khác nào giữ bom nổ chậm trong nhà.

Tác giả: Song Việt

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP