Năm nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển gần 6.000 sinh viên cho 17 nhóm ngành, tăng hơn 130 chỉ tiêu so với năm ngoái. Chi tiết đề án tuyển sinh năm 2024: Xem tại đây.
Nhóm ngành Quản trị kinh doanh, Thương mại và Du lịch dẫn đầu về số lượng tuyển sinh với 1.670 sinh viên, tiếp theo là Công nghệ thông tin và Kỹ thuật số (640), Kinh tế và Quản lý (511). Các nhóm ngành khác tuyển dao động 40-600 sinh viên.
Trường duy trì 4 phương thức tuyển sinh, gồm: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét điểm thi tốt nghiệp THPT; Xét học bạ; Xét tuyển kết hợp.
Với phương thức xét học bạ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam xét tuyển những thí sinh đạt 21-24 điểm ở tổ hợp ba môn theo kết quả lớp 11 (đợt 1) hoặc lớp 12 (đợt 2). Trong đó, nhóm ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tăng mức sàn nhận hồ sơ từ 21 lên 24 điểm, bốn nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô và Cơ điện tử; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật Điện, Điện tử và Tự động hóa; Công nghệ thông tin và Kỹ thuật số tăng điểm sàn từ 21 lên 22 điểm. Riêng nhóm ngành Sư phạm Công nghệ, thí sinh phải đạt học lực giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.
Điểm xét tuyển của phương thức này là tổng điểm ba môn và điểm ưu tiên (nếu có). Thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm ngành, nhiều nhất là hai nguyện vọng. Nếu đạt học lực giỏi ít nhất hai học kỳ ở phổ thông, các em được ưu tiên xét tuyển thẳng.
Trường nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 từ ngày 1/3 đến 10/5, đợt 2 từ ngày 15/5 đến 20/6. Kết quả được thông báo muộn nhất vào ngày 15/5 và 28/6.
Nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tăng cao nhất hơn 1.000 chỉ tiêu. (Ảnh minh hoạ: N.T) |
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển 9.260 sinh viên, tăng hơn 1.000 so với năm ngoái, một phần do mở mới chương trình ngành Quản lý giáo dục. Chi tiết đề án tuyển sinh năm 2024: Xem tại đây.
Trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh, gồm xét tuyển tài năng (20% tổng chỉ tiêu), dựa vào điểm thi đánh giá tư duy (30%), xét điểm thi tốt nghiệp THPT (50%).
Với phương thức xét tuyển tài năng, Bách khoa Hà Nội tiếp tục xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP và IP, đồng thời xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn. Các thí sinh sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển cần có điểm trung bình học tập từng năm lớp 10, 11 và 12 từ 8 trở lên.
Với phương thức xét theo điểm thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần đạt ngưỡng điểm sàn do trường quy định. Mức cụ thể được thông báo sau.
Đại học Kinh tế TP.HCM tuyển sinh 7.900 tân sinh viên (tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2023, chủ yếu cho 2 chương trình mới). Chi tiết đề án tuyển sinh năm 2024: Xem tại đây.
Nhà trường tiếp tục giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng, xét điểm tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế, xét tuyển học sinh giỏi, xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Với các phương thức xét tuyển sớm trường dự kiến mở cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến từ ngày 2/4 đến 10/5.
Đáng chú ý, năm nay trường mở mới hai chương trình đào tạo: ArtTech (công nghệ nghệ thuật) và điều khiển thông minh và tự động hóa. Đây là hai chương trình học tích hợp công nghệ ứng dụng.
Học viện Kỹ thuật mật mã tuyển sinh ba ngành gồm: An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử viễn thông. Chi tiết đề án tuyển sinh 2024: Xem tại đây
Tại cơ sở Hà Nội, học viện dành 280 chỉ tiêu cho ngành an toàn thông tin, công nghệ thông tin 140 chỉ tiêu và kỹ thuật điện tử viễn thông 140 chỉ tiêu. Với cơ sở tại TP.HCM, ngành an toàn thông tin tuyển 80 chỉ tiêu. Như vậy, tổng chỉ tiêu năm nay là 640, tăng 80 chỉ tiêu so với năm ngoái.
Ngoài xét tuyển thẳng thí sinh có giải quốc gia trở lên các môn Toán, Tin, Vật lý, Học viện Kỹ thuật mật mã chỉ tuyển sinh phương thức duy nhất là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo đó, thí sinh có thể xét tuyển với ba tổ hợp là A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh) và D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh).
Đặc biệt, ngoài mức điểm ưu tiên theo quy chế tuyển sinh, Học viện Kỹ thuật mật mã sẽ cộng thêm điểm ưu tiên với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, mức điểm dao động 1,5 - 2,5, tăng 0,5 điểm so với năm trước.
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tiếp tục giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh đại học chính quy cho 34 ngành đào tạo chương trình chuẩn như năm 2023. Chi tiết đề án tuyển sinh năm 2024: Xem tại đây
Trường dự kiến tăng 100 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm ngoái. Trong đó, nhà trường vẫn dành nhiều chỉ tiêu nhất cho phương thức xét kết quả kỳ thi THPT 2024.
Cụ thể, phương thức 1, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng, với 1-5% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 2, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM, với 15-20% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 3, xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT 2024, với 40-55% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 4, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2024, với 35-50% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 5, ưu tiên xét tuyển học sinh là thành viên đội tuyển của tỉnh, thành phố tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố; thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài; thí sinh có thành tích trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao, 1-5% tổng chỉ tiêu.
Tác giả: MINH KHÔI
Nguồn tin: Báo VTC News