Cán bộ cấp sở lao vào “vòng xoáy” đồng tiền
Theo cáo buộc, bị can Hoàng Quốc Hùng lợi dụng chức vụ quyền hạn cùng với bị can Phạm Quang Hậu (lái xe riêng trước đây của Hùng) nhận hối lộ hơn 43 tỷ đồng để cấp 55.713 Phiếu LLTP trái pháp luật. Trong đó, Hùng hưởng lợi gần 40 tỷ đồng, Hậu hưởng lợi hơn 4,1 tỷ đồng.
Liên quan, Viện kiểm sát xác định, bị can Nguyễn Ngọc Thư từng là nhân viên Phòng Hành chính tổng hợp (bộ phận một cửa) tại Trung tâm LLTP. Từ tháng 12-2020 đến tháng 12-2022, Thư làm việc ở Phòng Tiếp nhận và xử lý thông tin, Phòng Dữ liệu LLTP, sau đó thôi việc để lao động tự do.
![]() |
Bị can Hoàng Quốc Hùng - cựu Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia |
Trong thời gian công tác, Thư biết Phạm Quang Hậu là lái xe cũ của Hùng và được bị can Hùng giao làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền chung chi dịch vụ cấp Phiếu LLTP. Vì vậy, Thư nhờ cựu lái xe của Hùng giúp nộp hồ sơ.
Phạm Quang Hậu thỏa thuận chi phí từ 1,4 - 2 triệu đồng một hồ sơ, trong đó bao gồm lệ phí quy định là 200 nghìn đồng, các phí dịch vụ phát sinh như dịch thuật, công chứng, chuyển phát và chi phí cho cán bộ, lãnh đạo Trung tâm để được tiếp nhận, giải quyết cấp phiếu.
Thống nhất chi phí với Hậu, Thư sau đó trao đổi với một số cá nhân nhận làm dịch vụ cấp Phiếu LLTP. Bị can thu thêm mỗi hồ sơ 100.000 đồng và hưởng lợi số tiền này. Tổng cộng, bị can Thư đưa hối lộ cho cựu Giám đốc Trung tâm LLTP Hoàng Quốc Hùng và Phạm Quang Hậu số tiền 1,8 tỷ đồng để được giải quyết cấp 2.268 Phiếu LLTP. Bản thân Thư hưởng lợi 226 triệu đồng.
Về phần mình, bị can Nguyễn Ngọc Cường (cựu Biên tập viên NXN Tư pháp, Bộ Tư pháp) thông qua Nguyễn Ngọc Thư để làm dịch vụ cấp Phiếu LLTP.
Theo hướng dẫn của Thư, Cường nhận hồ sơ của khách hàng, bỏ trống thông tin nơi cư trú để đảm bảo thẩm quyền cấp Phiếu LLTP tại Trung tâm LLTP quốc gia. Cường thu của khách hàng thêm 100 nghìn đồng so với mức giá Thư đưa ra và hưởng lợi số tiền này.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 5-2019 đến tháng 12-2022, Nguyễn Ngọc Cường đưa hối lộ 326 triệu đồng để được cấp 408 Phiếu LLTP và hưởng lợi hơn 40 triệu đồng.
Tương tụ, bị can Nguyễn Thị Ngọc là chuyên viên Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) từ năm 2012-2022. Dù là cán bộ Sở Tư pháp nhưng Ngọc không làm dịch vụ xin cấp Phiếu LLTP tại Sở Tư pháp Hà Nội do thời gian trả kết quả lâu.
Thay vào đó, thông qua một số cá nhân, Ngọc biết Trung tâm LLTP có thể trả kết quả nhanh hơn nên đã liên hệ bị can Lương Nhân Hòa (cựu Phó Giám đốc Trung tâm LLTP) để làm dịch vụ. Tổng cộng, Ngọc đưa hối lộ 7,1 tỷ đồng để được cấp 9.494 Phiếu LLTP trái quy định và hưởng lợi cá nhân 474 triệu đồng.
Bị can Nguyễn Thị Thu Hiền (cựu cán bộ Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN) có quen biết từ trước với Lương Nhân Hòa nên đã liên hệ, thỏa thuận với Hòa để cấp Phiếu LLTP cho khách hàng. Từ tháng 7-2019 đến tháng 4-2022, Hiền đưa hối lộ 462 triệu đồng để giải quyết cấp 616 Phiếu LLTP trái quy định, hưởng lợi 30 triệu đồng.
Công chứng viên ký khống trên giấy trắng
Cũng theo cáo trạng, trong số 22 bị can của vụ án, 4 bị can bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó, bị can Trương Thị Nga, bị can Lại Hồng Khánh được bổ nhiệm công chứng viên từ năm 2012. Nga là Trưởng Văn phòng công chứng Trương Thị Nga (nay là Văn phòng công chứng Lại Khánh). Khánh là công chức viên hợp danh.
![]() |
Lương Nhân Hòa (bên trái) - cựu Phó Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia và bị can liên quan |
Tháng 10-2022, Trương Thị Nga bị Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khởi tố, điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Năm 2022, TAND quận Nam Từ Liêm xét xử vụ án này và tuyên miễn hình phạt cho Nga.
Theo cáo buộc, tháng 5-2023, Trương Thị Nga bị Sở Tư pháp Hà Nội thu hồi thẻ công chứng viên. Văn phòng của Nga vì thế đổi tên thành Văn phòng công chứng Lại Khánh và bị can vẫn là người quản lý, điều hành hoạt động của văn phòng.
Năm 2019, do quen biết từ trước, bị can Nguyễn Xuân Thọ (đại diện văn phòng giao dịch Công ty Luật Vicco) đến văn phòng của Nga thực hiện chứng thực một số tài liệu để đưa vào hồ sơ cấp Phiếu LLTP.
Tại đây, Thọ đã thỏa thuận với Nga về việc chứng thực tài liệu mà chỉ có bản chụp, không có bản chính hoặc chỉ có thông tin mà Thọ gửi. Đến năm 2022, Thọ tiến thêm một bước khi đề nghị Nga ký khống sẵn tên công chứng viên trên giấy A4 trắng, không có nội dung và đóng dấu. Những đề nghị này, Nga đều đồng ý và thực hiện.
Khi Nga không có ở văn phòng, bị can Lại Hồng Khánh ký sao y, chứng thực các tài liệu hoặc ký khống chữ ký của công chứng viên trên giấy A4 trắng. Những tờ giấy ký khống được giao cho nhân viên của Thọ mang về để Thọ sử dụng in ảnh hộ chiếu, CMND, CCCD đè lên nhằm hợp thức việc sao y bản chính.
Sau khi nhận tiền, Nga không nhập quỹ, không vào sổ sách kế toán của Văn phòng mà sử dụng cá nhân và chi bồi dưỡng cho Khánh mỗi lần từ 500 đến 1 triệu đồng… CQĐT xác định, từ tháng 1-2019 đến tháng 7-2023, vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác, Nga và Khánh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ.
Hai bị can chứng thực khống, ký xác nhận khống và đóng dấu của Văn phòng công chứng Trương Thị Nga và Văn phòng công chứng Lại Khánh trên 34.503 tài liệu. Bị can Nga trực tiếp ký 24.727 tài liệu, bị can Khánh trực tiếp ký 9.776 tài liệu để Nguyễn Xuân Thọ sử dụng đưa vào hồ sơ cấp Phiếu LLTP.
Hai bên thỏa thuận, Trương Thị Nga thu 5.000 đồng đối với mỗi tờ tài liệu chứng thực, thanh toán bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt và hưởng lợi 162 triệu đồng, còn Lại Hồng Khánh hưởng lợi 10 triệu đồng.
Tác giả: Bùi Lâm
Nguồn tin: anninhthudo.vn