Ít ai ngờ rằng, dù sinh ra ở miền Trung, dù làm việc tại Hà Nội gần 20 năm, nhưng những năm tháng tuổi già Nguyễn Văn Tý lại chọn cho mình cuộc sống giản dị trong một ngôi nhà nhỏ trên đường Trần Khắc Chân, quận 1, TP Hồ Chí Minh.Lúc chúng tôi đến, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ hướng ra cửa, bên dưới lót một mảnh chiếu đơn còn mới. Ông lại cố gắng nhích chiếc gậy 3 chân ra phía bàn, tay còn lại với ấm trà rót ra chén. Cử chỉ chậm nhưng chính xác, khiến chúng tôi có cảm giác ông còn trẻ hơn so với tuổi 90 của ông. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bảo, giới nghệ sĩ, kể cả các nhà báo khi tới gặp ông thường đề cập nhiều đến hình ảnh người mẹ trong các ca khúc của ông, thế nhưng công ơn của cha lại luôn đau đáu trong tim ông. “Cha tôi tên thật là Nguyễn Văn Sỹ, người huyện Sóc Sơn (khi ấy thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Lúc còn sống, ông là người chủ trì phường bát âm, thạo cả hát văn, chèo và ả đào”.Thời trai trẻ, cụ Sỹ thích đi đây đi đó, có khi đi suốt năm suốt tháng. Gia đình mới bàn với họ hàng xin cho ông cụ vào làm việc ở Nhà máy Xe lửa Tràng Thi ở Nghệ An để bớt tính ngao du. “Lúc còn nhỏ được nghe kể vậy, nhưng tôi tin là cha không phải có bản tính chơi bời gì đâu. Nghệ sĩ thì phải để họ đi thì mới có cảm hứng chứ trói chân trói tay thì làm được gì”. Kể lại ký ức về cha, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chốc chốc lại nhấn giọng: “Ông là một người có tài cảm thụ âm nhạc đặc biệt, hầu như chơi được mọi loại đàn trong bát âm, gồm cả đàn tứ, đàn tam, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu…”. Nói đoạn, ông diễn giải: “Những lúc ở nhà, cứ trời mưa phùn là cha tôi lại lấy đàn nguyệt ra chơi, còn thời tiết mà ẩm ướt một chút thì ông cụ hay chơi đàn bầu. Lúc gặp cơn gió nam thì cha lại ngẫu hứng thổi sáo cả nửa tiếng không dứt”.Chúng tôi hỏi nhạc sĩ: “Vậy ảnh hưởng lớn nhất từ cha đối với sự nghiệp sáng tác âm nhạc sau này của ông là gì”. Ông nói: “Thú thực là cha tôi không dạy nhạc lý cho tôi một buổi nào cả… Sau các buổi làm ở nhà máy về, cha tôi thỉnh thoảng dạy tôi tập hát, trong khi ông cụ đàn, hoặc kéo nhị đệm. Dần dà, tôi nghe nhiều thành quen, rồi tự cảm nhận được. Nhưng rõ ràng, cha tôi là một nghệ sĩ lớn, là nguồn cảm hứng hướng dẫn tôi đến với âm nhạc”.Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tâm sự, không chỉ bóng hình người mẹ xuất hiện nhiều trong các ca khúc của ông mà quê hương cũng đã cho ông nhiều cảm hứng, với “Dáng đứng Bến Tre”, “Bài ca năm tấn” (Thái Bình), “Em đi làm tín dụng” (cảm hứng từ dân ca Tày)… Đặc biệt, ông dành nhiều ưu ái cho quê hương xứ Nghệ, là nơi ông sinh ra và trưởng thành. Đó là vào khoảng năm 1949, khi được giao phụ trách Phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương (Nghệ An), ông đã cho ra đời tác phẩm đầu tay mang tên “Ai xây chiến lũy”. Một lần khác, khi đến chơi nhà bạn cũ ở Quỳnh Lưu, ông đã viết bản tình ca nổi tiếng “Dư âm”, là tác phẩm được hát nhiều tại miền Nam sau này. Đặc biệt, đối với Hà Tĩnh ông viết riêng hai ca khúc để gửi tặng mảnh đất này là “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” (1966) và “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” (1976). “Rất tiếc, dù có thời gian dài sống và làm việc tại Hà Nội nhưng đến giờ tôi vẫn chưa sáng tác được một ca khúc nào. Có lẽ Hà Nội là trái tim của cả nước, gần gũi quá, thân thương quá khiến trong khi tôi cứ suy nghĩ là phải tìm đến những mảnh đất xa xôi hơn, nghèo khó hơn để thâm nhập thực tế sáng tác”. Người nhạc sĩ tài hoa tâm tư rồi chợt chạnh lòng bảo: “Hà Nội bây giờ dường như vội vàng quá, xa hoa hơn. Dù vậy, bác vẫn rất thích người Hà Nội gốc vì họ sống nền nếp và lịch thiệp”. Chúng tôi gợi hỏi ông còn nhớ khu tập thể 96 phố Huế (Hà Nội), nơi đã gắn bó với ông gần 20 năm, đôi mắt người nhạc sĩ chợt rưng rưng: “Nhớ chứ sao không. Tụi trẻ hồi ấy hay gọi tôi là “bác Tý”, thỉnh thoảng có ghé nhà tôi chơi nữa… Mà cô cậu có người thân ở đó à? Họ còn hay mất?”.Thấm thoắt đã mấy mươi năm người nhạc sĩ già vẫn ôm ấp những kỷ niệm ấy và chờ đợi…
Minh Luân
HNM