Tin Hà Tĩnh

Nhà văn hóa huyện dùng tài sản công để cho thuê

Nhiều tài sản, phòng ốc của Trung tâm VH-TT&DL huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bị xuống cấp do một số đơn vị thuê trong nhiều năm. Đáng nói hơn, số tiền thu được từ việc cho thuê tài sản công không được nộp vào ngân sách Nhà nước…

Theo quy định được công bố trên Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc (Canloc.gov.vn); chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Trung tâm VH-TT&DL) huyện Can Lộc là: “Tổ chức các hoạt động sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch và hướng dẫn các hoạt động ở cơ sở xã, thị trấn thực hiện đúng chủ trương và pháp luật của Nhà nước”.

Thực tế vài năm lại nay, hoạt động được dư luận chú ý nhất của đơn vị này lại là… cho thuê tài sản công. Việc giao quyền sử dụng khuôn viên, nhà văn hóa cho các cá nhân kinh doanh đang dẫn đến nhiều hệ lụy: tài sản xuống cấp, cảnh quan bị xáo trộn. Cùng với đó là những bất thường trong việc thu và sử dụng nguồn lợi mà việc cho thuê những tài sản đó mang lại.

Một cửa hàng thẩm mĩ viện được thuê tại nhà văn hoá Xuân Diệu với nhiều bảng quảng cáo nhem nhuốc. Ảnh: Cẩm Kỳ

Ngay trước cửa chính của Nhà văn hóa Xuân Diệu (điểm nhấn và là nơi đặt trụ sở của Trung tâm VH-TT & DL huyện Can Lộc) phía bên phải bị chắn bởi 3 tấm bảng hiệu với nội dung: “Phun thêu thẩm mĩ”, “Nối mi - trang điểm”, “Gội đầu - mát xa - Nail”… Căn phòng mặt tiền của Nhà văn hóa Xuân Diệu, ngay phía sau những tấm bảng hiệu nói trên được sử dụng cho các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp.

Trao đổi với pv, bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm VH-TT&DL huyện Can Lộc cho biết, dịch vụ thẩm mỹ được cho thuê và hoạt động tại Nhà văn hóa Xuân Diệu từ tháng 4/2017 đến nay, do một cá nhân từ bên ngoài vào làm và Trung tâm đang cho làm thử. “Làm thử”, như lời bà Huệ nói nghĩa là mới ký hợp đồng thuê địa điểm ngắn hạn và cũng chưa có đồng tiền nào được thu về từ việc sử dụng tài sản Nhà nước này.

Cũng tại Nhà văn hóa Xuân Diệu, một căn phòng rộng ở vị trí trung tâm của tầng 2 đang được Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA sử dụng làm văn phòng giao dịch.

Ngoài ra, còn rất nhiều địa điểm thuộc khuôn viên Trung tâm VH-TT&DL huyện Can Lộc đang được đơn vị này “xẻ” ra cho thuê vào các dịch vụ như buôn bán cây cảnh, quán nước, sân bóng, sân chơi cho trẻ em…

Nhiều đơn vị được Trung tâm VH-TT&DL huyện Can Lộc cho thuê. Ảnh: Cẩm Kỳ

Liên quan đến việc thu và sử dụng các khoản tiền cho thuê tài sản tại Trung tâm VH-TT&DL huyện Can Lộc, bà Huệ cho rằng số tiền thu được trong năm 2016 là hơn 68 triệu đồng.

Toàn bộ số tiền thu từ việc cho thuê mặt bằng không được nộp vào ngân sách Nhà nước và cũng không thông qua cơ quan thuế. Số tiền đó được cho vào tài khoản của công đoàn Trung tâm và chi tiêu cho hoạt động công đoàn hoặc làm chi phí cho các hoạt động khác của trung tâm.

Tại buổi làm việc, bà Huệ cho biết, khoảng tháng 6/2017 trung tâm này có đề án gửi cho UBND huyện Can Lộc về việc sẽ có các đơn vị kinh doanh thuê mặt bằng tại trung tâm VH-TT&DL huyện. Tuy nhiên, đề án này chưa được UBND huyện Can Lộc phản hồi.

Cũng theo bà Huệ, trước khi gửi đề án cho UBND huyện, trung tâm này tự đưa ra mức giá cho thuê dựa theo mặt bằng chung trên địa bàn chứ không có văn bản thông qua UBND huyện. “Chúng tôi khảo sát mặt bằng chung của những hộ kinh doanh xung quanh huyện rồi đưa ra mức giá cho thuê. Tại một số cuộc họp ở UBND huyện, tôi cũng có trao đổi qua về mức giá và các đơn vị muốn thuê chứ trước đó chưa có văn bản nào gửi lên huyện”, bà Huệ nói.

Về vấn đề này, ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, việc dùng tiền cho thuê tài sản công vào những mục đích như hoạt động công đoàn hay các hoạt động khác của trung tâm mà không nộp vào ngân sách nhà nước là không đúng.

“Quan điểm của huyện là phải khai thác hết các cơ sở hoạt động văn hóa nhưng phải đúng về chủ trương và pháp luật. Chúng tôi sẽ đề nghị phòng Tài chính kiểm tra, nếu có sai phạm sẽ tiến hành chấn chỉnh, xử lí”, Phó Chủ tịch Bùi Huy Cường khẳng định.

Tác giả: Cẩm Kỳ - Phạm Tường

Nguồn tin: Thời báo Doanh nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP