Nhà máy chế biến thịt thỏ được xây dựng trên diện tích 11.000m2 tại thôn 3, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2015, với kinh phí xây dựng khoảng 6 tỷ đồng do Công ty cổ phần thương mại sản xuất thực phẩm Hà Nội làm chủ. |
Nhà máy được xây dựng gồm dãy nhà điều hành, phòng đặt máy móc chế biến, hệ thống chuồng nuôi thỏ giống, nhà ở cho cán bộ nhân viên... Khi đi vào hoạt động, dự án đặt ra mục tiêu chế biến thịt thỏ New Zealand Rata với công suất 400-800 ngàn con/năm. Sau đó sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. |
Một năm đầu hoạt động, có hàng chục nhân viên làm việc, cung cấp nguyên liệu thỏ cho nhà máy. Tuy nhiên, giữa năm 2016, nhà máy gặp khó do nhiều người dân dừng nuôi giống thỏ New Zealand Rata. |
Từ đó nhà máy hoạt động cầm chừng, làm ăn thua lỗ, đến 2020 ngừng hoạt động cho đến nay. |
Ghi nhận tại nhà máy, cổng chính khóa chặt, xung quanh cây cối mọc um tùm. |
Bên trong các dãy phòng làm việc hoang tàn, bỏ hoang. |
Một người dân được thuê bảo vệ nhà máy cho hay, trước đây khi còn hoạt động họ được trả lương hàng tháng. Nhưng từ năm 2020 đến nay, khi nhà máy ngừng hoạt động thì không được trả lương đầy đủ. Dù vậy nhưng giờ vẫn phải làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản tại đây. |
Máy móc bên trong không sử dụng sau khi nhà máy ngừng hoạt động. |
Dãy nhà làm việc bỏ hoang, nhếch nhác. |
Việc nhà máy ngừng hoạt động, phía đại diện Công ty thương mại và sản xuất thực phẩm Hà Nội cho hay do thị trường đầu ra hạn chế. Ngoài ra, thiếu nguyên liệu nên buộc phải dừng lại. |
Ông Lê Đức Thuận - Chủ tịch UBND xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn cho hay, nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2015, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nguồn đầu vào nguyên liệu không ổn định nên ngừng làm việc hơn 2 năm nay. Việc nhà máy ngừng hoạt động làm ảnh hưởng đến xây dựng nông thôn mới của địa phương. |
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Tiền Phong