Pháp luật

Người sửa điểm thi có thể bị phạt tù tới 20 năm

Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng hành vi sửa hơn 330 bài thi trắc nghiệm tại Hà Giang là “vi phạm rất nghiêm trọng”, có dấu hiệu giả mạo trong công tác.

Điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang cao bất thường khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thành lập Hội đồng chấm thẩm định. Sau nhiều ngày kiểm tra, chiều 17/7, đại diện A83 (Bộ Công an) cho biết, ông Vũ Trọng Lương (Phó phòng khảo thí Sở Giáo dục Hà Giang) đã can thiệp sửa điểm của thí sinh.

Theo kết quả điều tra, ông Lương được phân công dùng máy tính quét bài thi trắc nghiệm hàng năm ở Hà Giang. Lợi dụng việc này, ngày 27/6, vị phó phòng đã lên mạng tải toàn bộ đáp án thi về máy tính và chuyển vào phần mềm. Từ các tin nhắn gửi vào điện thoại cá nhân, ông Lương nhập số báo danh vào máy tính và sửa điểm. Ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa điểm cho một thí sinh.

Nhà chức trách còn cho rằng, vị phó phòng đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án thi. Tổng cộng, ông Lương đã sửa hơn 330 bài thi trắc nghiệm của 114 thí sinh.

Sở Giáo dục tỉnh Hà Giang nơi diễn ra cuộc thanh tra. Ảnh: Quỳnh Trang.

Về vấn đề này, luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết, với cương vị Phó phòng Khảo thí Sở giáo dục, ông Lương đã vi phạm các quy định của Luật Cán bộ, công chức về những điều cán bộ, công chức không được làm. Ngoài ra, ông Lương cũng vi phạm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác thi cử, tuyển sinh. Đây là những “vi phạm rất nghiêm trọng” và có chủ ý nên cần xử lý nghiêm.

Theo ông Vinh, hành vi sửa điểm của vị phó phòng, nếu đủ dấu hiệu xử lý hình sự, có thể bị truy cứu về tội Giả mạo trong công tác, theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng.

Lãnh đạo ban chấm thi cũng có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Vinh, những người liên quan khác trong tổ công tác như lãnh đạo ban chấm thi, cán bộ, kỹ thuật viên và công an giám sát… tuỳ theo mức độ vi phạm và dựa vào kết quả điều tra mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, người lợi dụng vị trí công tác của mình yêu cầu nâng điểm cho thí sinh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, theo Điều 366 Bộ luật hình sự 2015. Mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ ba năm đến 10 năm tù.

Người quản lý hồ sơ, hệ thống máy tính mà thiếu trách nhiệm để người khác dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 360 Bộ luật hình sự 2015.

Ngoài ra, người trực tiếp hay qua trung gian đã hoặc sẽ đưa tiền để sửa điểm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ. Người trung gian, môi giới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Môi giới hối lộ, có hình phạt cao nhất là 15 năm. Giả sử trường hợp này xảy ra, ông Lương cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Nhận hối lộ, với mức hình phạt cao nhất đến chung thân, tử hình (nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá một tỷ đồng trở lên).

"Cha mẹ học sinh nhờ ông Lương sửa điểm cho con và trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền cho vị phó phòng, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ thì có thể sẽ đối mặt mức án cao nhất đến 20 năm tù", luật sư Vinh phân tích.

Bộ Giáo dục kiên trì, xử lý đến cùng

Chiều 17/7, Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh cũng cho biết, việc điều tra những người liên quan đến sai phạm điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang "chưa kết thúc, phải tiến hành tiếp". Cả Bộ Giáo dục, Bộ Công an và lãnh đạo tỉnh Hà Giang đều kiên trì mục tiêu xử lý đến cùng, đúng người đúng việc và không có vùng cấm trong sự việc này.

Trên máy tính của Phó trưởng phòng Vũ Trọng Lương còn dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2017 của Hà Giang. Để phục vụ cho việc xác minh, Sở Giáo dục và ông Lương đã tự nguyện chuyển giao máy tính này cho tổ công tác mang về Bộ Giáo dục. Khi có ý kiến chỉ đạo từ Bộ trưởng Giáo dục, tổ công tác có thể điều tra làm rõ tiếp kết quả điểm thi năm ngoái của địa phương này.

Công an giám sát suốt quá trình chấm thi trắc nghiệm

Thành phần tổ xử lý bài thi trắc nghiệm gồm tổ trưởng là lãnh đạo ban chấm thi, các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên, bộ phận giám sát gồm công an do Chủ tịch hội đồng thi phân công và cán bộ thanh tra.

Theo quy định, mỗi môn thi phải có ít nhất ba cán bộ chấm thi. Họ là cán bộ, giáo viên trường phổ thông và giảng viên trường đại học, cao đẳng (nếu cần thiết); đang trực tiếp giảng dạy đúng môn được phân công chấm thi. Những giảng viên, giáo viên đang trong thời kỳ tập sự và thành viên ban thư ký, ban làm phách của hội đồng thi không được chấm thi.

Trong quá trình chấm, hội đồng thi phải bố trí bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục từ khi mở niêm phong túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm đến khi kết thúc chấm thi. Các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu của thí sinh với bất kỳ lý do gì.

Mọi hiện tượng bất thường đều phải báo cáo ngay cho bộ phận giám sát và tổ trưởng để cùng xác nhận và ghi vào biên bản.

Tác giả: Phạm Dự

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP