Nhà báo Đức Hiển – tác giả cuốn sách tại Lễ ra mắt. |
Cuốn sách NHÀ BÁO ĐIỀU TRA được ra đời từ những kỷ niệm, những khó khăn, chút ít thành công, và cả những thất bại mà tác giả và các đồng nghiệp xung quanh đã trải qua hoặc chứng kiến. Độc giả sẽ không tìm thấy trong cuốn sách này những trào lưu báo chí hay những quan điểm to tát. Tác giả viết về những điều mình biết, lần giở những ghi chép, tư liệu, những biên bản các cuộc họp trong gần hai thập niên lại đây mà tác giả còn lưu giữ được và kể lại cho độc giả nghe.
Vì sao cuốn sách này lại viết về báo chí điều tra mà không phải là thể loại khác? Báo chí điều tra là thể loại đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng từ giao tiếp, phân tích, đánh giá, diễn đạt và xử lý các mối quan hệ. Gần như mọi kỹ năng sống và viết đều ứng dụng được vào đó. Cuốn sách như một sự đúc kết những bài học của một chặng đường đầu tiên làm báo, vất vả nhưng hạnh phúc.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển sinh năm 1973, quê gốc Hà Tĩnh. Từ năm 1997 đến nay làm phóng viên rồi chuyển qua công tác tòa soạn tại Báo Pháp luật TP.HCM. Tác giả từng nổi danh với hàng loạt điều tra gây rúng động xã hội như: Tôi đi tìm Bao Công, Tôi thử làm Bao Công, Tận đáy xã hội, Dọc đường mãi lộ, Hai Lúa đi tìm Công lý, Hành trình ngược từ những lời tuyên án vô tội, Khi tôi tuyên án tử hình… Các loạt bài điều tra của nhà báo Đức Hiển như mũi nhọn xung kích góp phần cùng đồng đội tạo ra điều mà Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận định: “Hiện tượng trong làng báo!”
Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà báo Nam Đồng – nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM từ năm 1996 – 2008 đã viết: “Năm 1997, Đức Hiển là phóng viên trẻ nhất của Báo Pháp luật TP.HCM, vừa tốt nghiệp trường Luật. Đức Hiển có ngay loạt phóng sự “Luật tục Tây Nguyên”. Bằng những kiến thức luật và một tháng lặn lội vào các bản làng xa xôi, anh phân tích những mâu thuẫn giữa luật pháp và luật tục ảnh hưởng đến cộng đồng đồng bào thiểu số. Sau loạt đó là “Dọc đường Mãi lộ”. Thời ấy hiện tượng này chưa có báo nào đề cập. Tôi nhớ một chi tiết khá xúc động: Đức Hiển quê Hà Tĩnh, và hôm ấy CSGT Hà Tĩnh đã chặn chiếc xe tải có anh ngồi trên đó để nhũng nhiễu, tình huống đó đã được anh đưa vào bài viết: “Quê cũ đón đứa con xa bằng một ánh đèn pin lia vào mặt, và 20 ngàn đồng là cái giá tôi phải trả cho lần hội ngộ cố hương mình!”.
Một năm sau, anh cùng phóng viên Bảo Trâm đã hóa thân thành người đi kiện để thực hiện loạt bài điều tra “Tôi đi tìm Bao Công” nói về thân phận của những người đội đơn đến cửa TAND Tối cao và VKSND Tối cao khiếu nại kêu oan, xin giám đốc thẩm. Loạt bài đã gây xúc động lớn cho công chúng và được giải B (không có giải A) thể loại Phóng sự – Điều tra của giải báo chi toàn quốc năm đó. Bác sĩ pháp Y Ngô Văn Quỹ nguyên phó chủ nhiệm khoa Pháp y, Đại học Y khoa Hà Nội, một bậc thầy pháp y ở Việt Nam khi đọc bài đã gặp tôi thốt lên rằng: “Cái ngõ Dã Tượng ấy, năm 1946 tôi và đồng đội – những chiến sĩ Thủ đô – đã đánh nhau với giặc Pháp để giành từng căn nhà, góc phố!” Ông nói: “Ngày ấy bọn mình chiến đấu cho hòa bình độc lập. Nay có hòa bình rồi, lại có những người dân phải vạ vật ở đây để khiếu nại kêu oan thì cay đắng quá!”.
Tiếp theo đó là loạt bài “Tận đáy xã hội” khi anh cùng với những phóng viên khác giả trang thành những người lang thang cơ nhỡ được tập trung vào trại xã hội… Hết loạt bài điều tra này đến loạt khác tạo độ rung xã hội cao, gây ấn tượng với bạn đọc và đồng nghiệp. Đức Hiển còn lặn lội bám theo các đoàn công tác của Chính phủ giải quyết khiếu kiện tại các địa phương để ghi nhận. Những bài báo của anh đã góp phần giải oan cho nhiều người dân và phân tích rất sâu thực trạng khiếu kiện kéo dài, đề xuất các giải pháp.
Tác giả ký tặng độc giả trong buổi lễ ra mắt. |
“Với tôi, cuốn sách này như một sự đúc kết những bài học của một chặng đường đầu tiên làm báo, vất vả nhưng hạnh phúc. Mong rằng nó sẽ có ích đối với bạn, và sẽ vui hơn nếu bạn tìm thấy trong đó chút gì thú vị. Được thế, với tôi, đã là điều quá hạnh phúc”, nhà báo Nguyễn Đức Hiển nói.