Người đương thời

Người Hà Tĩnh xa quê: Cầu nối quê hương

Tuy chuyên ngành báo chí không phải là ngành Phạm Khánh Nam theo học tại trường (Khánh Nam học thiết kế đồ họa), nhưng anh cho biết “thích sự chia sẻ, nhanh nhạy, kịp thời và có sức mạnh lan tỏa của truyền thông, đặc biệt là muốn kết nối quê nhà giữa bà con xa xứ ở Đức với đất tổ quê cha”, vì vậy Nam luôn ấp ủ ước mơ làm báo.

Phạm Khánh Nam (28 tuổi, quê Hà Tĩnh, định cư ở Đức) là tổng biên tập trẻ tuổi của tạp chí Hương Việt, tờ báo tiếng Việt của cộng đồng người Việt tại Đức.
Phạm Khánh Nam - Ảnh: Khánh An
Phạm Khánh Nam – Ảnh: Khánh An

Ngày 24-1-2009, Nam trình làng tờ báo tiếng Việt tại CHLB Đức – ấn phẩm tạp chí Hương Việt số đầu tiên.

“Tuy xa quê hương Việt Nam khi còn nhỏ nhưng truyền thống gia đình luôn nhắc tôi nhớ đến quê hương Việt Nam, nhớ đến miền Trung nơi tôi sinh ra” – Khánh Nam bộc bạch. Tình yêu ấy thấm trong chàng trai trẻ với nhiều trăn trở về quê nhà. Mỗi khi ở Đức có các lãnh đạo Việt Nam sang thăm, Nam đều có duyên gặp gỡ, chia sẻ tình cảm của mình với các vị lãnh đạo đất nước, gửi gắm ước nguyện làm cầu nối với quê nhà thông qua tờ báo mà anh đang giữ vai trò tổng biên tập.

Nam nói: “Tôi hiểu chỉ có thể dùng truyền thông như một phương tiện để quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp, tiềm năng của đất nước tôi, quê hương tôi và phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam ra thế giới và với bạn bè tôi ở Đức cũng như ở khắp nơi trên địa cầu này”.

Bên cạnh báo giấy, Hương Việt đồng thời cho phát triển mảng radio online. Về sau, khi tình hình báo giấy gặp khó khăn, Hương Việt quyết định chuyển thành tạp chí online (www.tapchihuongviet.eu) để cung cấp nhanh nhất những thông tin về Việt Nam – Đức đến với kiều bào.

Năm năm trôi qua, nhìn lại những việc đã, đang và sẽ làm trong tương lai, Nam và các cộng sự trong ngôi nhà chung Hương Việt đều có chung cảm nhận thấy vui và ấm lòng khi biết độc giả trong nước và cộng đồng kiều bào xa xứ luôn dành cho tờ tạp chí sự tin yêu.

Không những thế, một động lực nữa khiến Hương Việt rất vui là các cơ quan thông tấn truyền thông, các cơ quan báo chí có uy tín tại Việt Nam luôn là bạn đồng hành, thường xuyên trao đổi chia sẻ và đăng tải những thông tin của Hương Việt.

Năm 2013, trong vai trò một người con Việt hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, Nam có dịp về quê nhà và ra thăm Trường Sa.

Nam kể lại cơ duyên này trên tạp chí Quê Hương: “Trong chuyến công tác tại CHLB Đức, đoàn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã yêu cầu đề cử hai người đại diện cộng đồng kiều bào tại CHLB Đức về thăm Trường Sa. Tôi thật sự hạnh phúc khi biết mình được đại diện cho tuổi trẻ bên này tham dự chuyến đi đó. Niềm hạnh phúc và tự hào làm tôi không thể nào diễn tả được bằng lời, cứ lâng lâng theo tôi suốt chuyến hành trình về với Tổ quốc, về với Trường Sa thân yêu…”.

Đến thăm các đảo ở Trường Sa, tận mắt chứng kiến cuộc sống của các chiến sĩ và đồng bào kiên cường trước thiên nhiên khắc nghiệt và điều kiện sinh hoạt hạn chế, Nam chia sẻ: “Có đi mới hiểu, có hiểu mới thấm và có thấm mới biết cách trân trọng và chia sẻ…

Cá nhân tôi thật sự tri ân tấm lòng của những người con Việt chịu thương chịu khó, biết hi sinh và giàu tình thân ái bao la đang ngày đêm khẳng định chủ quyền lãnh thổ cho bà con ở đất liền được yên tâm. Là một người con Việt xa xứ, trở về từ Trường Sa, tôi tự nhắc mình phải cố gắng hơn nữa, làm được nhiều hơn nữa những việc làm có ích cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu” – Nam nhớ lại.

Trở về Đức, tạp chí Hương Việt cùng  các thành viên đồng hành trong chuyến ra thăm Trường Sa kết hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức tổ chức một buổi triển lãm những hình ảnh mà đoàn ghi lại suốt 12 ngày đêm về với Trường Sa. Tại buổi triển lãm, ban tổ chức cũng lập quỹ kêu gọi chung tay vì Trường Sa.

Nam nói đó không phải chỉ là chương trình nhất thời, mà bản thân Nam và cộng sự của mình sẽ tận lực làm tất cả những gì có thể hầu gắn kết quê nhà với bà con xa xứ, cũng như chung sức cho việc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng, như thông điệp chính của tạp chí Hương Việt: cầu nối quê hương.

TẤN KHÔI

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP