Tuỳ bút Quê hương

Nghĩa tình trên đảo Sơn Dương

Ra thăm đảo Sơn Dương, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đúng ngày mưa to, biển dậy sóng; tuy cách bờ bốn hải lý, nhưng phải mất gần hai giờ tàu chúng tôi mới cập bến. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đón chúng tôi như đón người thân trong gia đình. Được biết, những năm qua, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Dương còn luôn hoàn thành tốt công tác dân vận. Nhất là, ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh), có hơn 1.200 hộ, với gần năm nghìn nhân khẩu, thì 100% người dân theo đạo Thiên chúa, chủ yếu làm nghề đi biển đánh bắt hải sản.

 Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Dương thăm hỏi, động viên gia đình người dân ở xóm Đồng Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Để làm tốt công tác dân vận, cán bộ, chiến sĩ thực hiện phương châm “hai cùng”: cùng hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng; cùng giúp dân vượt qua khó khăn. Trung úy Nguyễn Đức Cu, Đảo trưởng kể cho tôi nghe câu chuyện cảm động: Cuối năm 2011, tổ công tác do anh chỉ huy đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, đến gần 1 giờ sáng, chợt nghe có tiếng kêu cứu ngoài biển, phát hiện thấy chiếc thuyền chết máy trôi dạt vào bãi đá ngầm. Mặc dù trời tối, sóng to, gió lớn, nhưng Trung úy Cu đã kịp thời chỉ huy năm cán bộ, chiến sĩ bơi giỏi nhất tiếp cận tàu bị nạn. Sau gần hai giờ vật lộn sóng to, gió lớn, các anh đã đưa được nạn nhân và thuyền vào bờ; tiến hành sơ cứu, chăm sóc tận tình ngư dân bị nạn, trong niềm cảm phục của gia đình và bà con làng xóm. Ông Nguyễn Bá Thạch, thôn Đông Yên 3, xã Kỳ Lợi, người được cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Dương cứu trong đêm tàu bị nạn, xúc động kể: “Đêm ấy, không có bộ đội cứu giúp thì bây giờ tui đã xanh cỏ rồi. Các chú bộ đội trên đảo Sơn Dương là người sinh ra tôi lần thứ hai.

Từ đó đến nay, gia đình tôi và đơn vị kết nghĩa thân tình. Khi giải phóng mặt bằng triển khai xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), có nhiều vụ việc phức tạp. Được sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, Phân đội đảo Sơn Dương cử tổ công tác đến từng hộ gia đình phải di dời trong xã Kỳ Lợi để tuyên truyền, vận động nhân dân di dời đến nơi ở mới. Ban đầu thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác gặp nhiều khó khăn, song bằng sự linh hoạt, kiên trì thuyết phục, 100% các gia đình đã vui vẻ di dời đến nơi ở mới, góp phần giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư đúng tiến độ.

Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi Trần Văn Lâm hồ hởi: Những năm qua, địa phương và đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác giải phóng mặt bằng, giữ vững an ninh trật tự địa bàn, xây dựng nông thôn mới… Trong đó, xã có nhiều ngư dân làm nghề đánh cá, mỗi khi có mưa, bão, bà con vào tránh trú đều được cán bộ, chiến sĩ trên đảo giúp đỡ, từ nơi ăn ở, neo đậu tàu thuyền, đến thăm khám, chữa bệnh. Các dịp lễ, tết, đơn vị đều tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, hộ neo đơn…, góp phần xây dựng tình cảm quân dân gắn bó sâu nặng, tô thắm bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Bài và ảnh: LÊ TƯỜNG HIẾU, HOÀNG TRỌNG SƠN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP