Tuỳ bút Quê hương

Nghe tiếng chuông ngân ở Ngã ba Đồng Lộc

Như một cuộc đi xa không hẹn trước, chúng tôi trở về Ngã ba Đồng Lộc – Hà Tĩnh đúng vào dịp tuổi trẻ cả nước đang có nhiều hoạt động thiết thực chào mừng 80 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 – 26-3-2011). Tháng ba, mây trắng trôi bồng bềnh trên đầu, nắng vàng rực rỡ, cây đã kịp bung lộc sau nhiều ngày rét mướt và những nụ hoa bắt đầu e ấp nở.

Cảnh sắc đất và trời Đồng Lộc vào xuân tràn trề nhựa sống. Đâu hay dưới mảnh đất này đã chứng kiến những câu chuyện anh hùng và bi thương, những chiến công và cuộc đời như cổ tích, đã nhìn thấy những gì còn lại, đã nghe những câu chuyện về những con người ở đây trong thời kỳ máu lửa.


“Ngã ba Đồng Lộc”, một cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc và gắn liền với những chiến công của các đơn vị Thanh niên xung phong trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh có diện tích 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác.


Hai bên đồi núi trọc, giữa là các con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng, bom địch thả xuống bên nào cũng lăn xuống đường làm cản trở giao thông. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam thời ấy đều phải vượt qua Ngã ba Đồng Lộc. Nó được coi như là “cổ họng”, “yết hầu” của mạch giao thông, vượt qua được sẽ phân tán tỏa ra khắp nhiều tuyến đường khác nhau đi vào Nam. Đế quốc Mỹ biết được điều đó nên đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này.


“Chỉ riêng năm 1968, chúng đã trút xuống nơi đây gần 50.000 tấn bom và tên lửa các loại. Mỗi mét vuông nơi đây đã phải gánh chịu ít nhất 3 tấn bom. Vào lúc cao điểm nhất chỉ tại ngã ba này thôi đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và thanh niên xung phong…”. Những con số ấy mà tôi từng nghe qua như rất nhiều những con số thống kê khác mà lớp thanh niên thời hậu chiến như tôi không mấy hình dung được.


Chỉ đến khi được xem những thước phim tư liệu, những hiện vật trong bảo tàng, tận mắt nhìn tấm ảnh được phóng to của nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Thoan đặt ở vị trí trang trọng trong phòng khách Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, mới hình dung sự khốc liệt mà mảnh đất nhỏ nhoi này đã gánh chịu, con đường nhỏ nhoi này đã gánh chịu. Hố bom chi chít tiếp nối hố bom, đất bị cày đi, xới lại nhiều lần đến một ngọn cỏ cũng không kịp mọc.


Tôi bàng hoàng tự hỏi rồi cũng tự trả lời: Chỉ có lòng yêu quê hương đất nước thiết tha mới có thể cho các chị sức mạnh để lạc quan sống ở mảnh đất này. Lá thư của chị Tần gửi về cho mẹ trước khi hy sinh 5 ngày, lá thư mà chị không kịp nhận hồi âm từ mẹ viết: “Mẹ ơi…”.


Tôi đứng lặng trước ba tấm áo của các chị được trưng bày trong bảo tàng. Những tấm áo của tuổi đôi mươi, tuổi của chăm chút và nhan sắc. Vậy mà, những tấm áo của các chị đều bạc màu, không nguyên vẹn với nhiều vết rách. Chắc hẳn bom đạn của kẻ thù không ngừng để các chị kịp khâu. Nếu không có lớp kính bảo vệ bên ngoài, tôi rất muốn được sờ tay vào sợi vải, bởi tôi tin hơi ấm của trái tim các chị sau làn vải kia không thể mất, dẫu chiến tranh đã đi xa hơn 3 thập kỷ rồi.


Gần 20 năm làm nghề dạy học, tôi đã nhiều lần băn khoăn, trăn trở: “Học sinh của tôi có còn tình yêu nước, có còn lý tưởng cách mạng nữa không?”. Và nhiều lúc tôi đã hoài nghi. Nhưng hôm nay, nhìn những gương mặt học sinh đầm đìa nước mắt, những bàn tay run run thắp những nén hương trước di ảnh của các chị, đặt những chùm bồ kết lên mộ các chị khi các em biết trước lúc hy sinh bữa cơm chiều các chị chưa kịp ăn, chậu nước gội đầu còn nguyên chưa kịp gội thì tôi tin vẫn còn những giá trị mãi trường tồn, tuổi 20 của các chị mãi sống trong lòng dân tộc cũng như dòng chảy của cách mạng không bao giờ mất.


Chia tay Ngã ba Đồng Lộc, gần như là vô thức, tất cả chúng tôi đều nhìn lại, cho đến khi đỉnh tháp chuông mờ đi trong mắt. Chợt thấy những lo toan, bon chen của cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa, thấy những khó khăn của mình mới nhỏ bé làm sao và thấy mình lớn thêm một chút. Cảm giác ấy chỉ có khi tôi đặt chân đến mảnh đất này, dù trước đó tôi đã đọc hàng chục lần tấm gương hy sinh anh dũng của các chị.


Với góc độ là một giáo viên, chúng tôi thiết nghĩ, để nâng cao nhận thức và khơi dậy truyền thống vẻ vang, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ thì việc tổ chức hình thức giáo dục ngoài trời thông qua học tập ngoại khoá tại các di tích lịch sử của quê hương, đất nước là hết sức cần thiết.


Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội, đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh có lẽ không có gì hiệu quả hơn bằng sự kết hợp giữa giáo dục ở học đường với việc giáo dục bằng dã ngoại sẽ làm lay chuyển tư duy của thế hệ trẻ, sẽ giúp họ hiểu biết về truyền thống dân tộc, từ đó nâng cao niềm tự hào về con người Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.


Xin được thắp nén tâm nhang tỏ lòng nhớ ơn những người con anh dũng mãi mãi tuổi thanh xuân trong đó có 10 nữ anh hùng đã chiến đấu và hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Xa Đồng Lộc, nhưng chúng tôi như nghe những tiếng chuông vang vọng mỗi sớm, mỗi chiều trên đỉnh tháp chuông để nhớ về một thời đạn bom và máu lửa, để tưởng nhớ và ghi ơn công lao đóng góp và sự hy sinh lớn lao và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ Việt Nam…


Hạnh Đức

CAND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP