Giáo dục

Nghệ An: Thầy vá quần áo cho trò

Thương cậu học trò nghèo mặc bộ quần áo đã sờn vải, rách nhiều chỗ, thầy giáo cắm bản ở điểm trường Huồi Máy, Trường tiểu học Cắm Muộn 2, huyện Quế Phong (Nghệ An) mang kim chỉ vá lại cho trò.

Thầy Lô Văn Thanh, giáo viên cắm bản, vá quần áo cho học trò nghèo - Ảnh: LÔ TƯỜNG

Hình ảnh thầy Lô Văn Thanh (41 tuổi) ngồi vá quần áo cho cậu học trò nghèo được đồng nghiệp Lô Văn Tường (42 tuổi) - giáo viên cắm bản điểm trường Huồi Máy - ghi lại.

Trong ảnh, cậu học trò đi chân đất, cởi chiếc áo rách với tâm trạng háo hức đứng bên cạnh nhìn thầy Lô Văn Thanh đang vá chiếc quần cho mình ở ngay trước cửa phòng công vụ giáo viên được dựng tạm bằng tre nứa.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, thầy Lô Văn Tường cho biết đầu giờ học sáng khi học sinh đến lớp, hai thầy nhìn thấy em Mông Văn Châu (học sinh lớp 1) mặc một bộ quần áo cũ đã rách nhiều chỗ. Hỏi Châu, hai thầy được biết do cha mẹ đều bận đi làm rẫy, quần áo trong nhà cũng rất ít nên Châu phải mặc bộ quần áo rách này đến lớp.

"Thầy Thanh bảo em cởi áo để thầy vá cho. Cả bộ quần áo bị rách gần hết nên thầy Thanh tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ để vá áo quần cho Châu" - thầy Tường kể. Sau 30 phút, bộ quần áo của Châu được vá trông lành lặn hơn.

"Có gì to tát đâu, học trò cũng giống như con mình vậy. Chúng tôi đều có kim chỉ sẵn. Tuy đường may không được khéo léo nhưng tôi thấy thương học trò phải mặc quần áo rách thì tôi vá lại cho trò. Hơn hết để các em cũng biết được mình có tình cảm gần gũi như chính cha mẹ các em" - thầy Thanh nói.

Thầy Tường cho hay điểm trường Huồi Máy chỉ có hai thầy giáo cắm bản, đưa cái chữ đến 14 học sinh tiểu học. Học sinh ở đây đều là con của các hộ dân tộc Khơ Mú. Từ bản đi ra trung tâm xã phải đi bộ bằng đường rừng mất hơn bốn giờ.

"Ở khu vực này vẫn chưa có điện. Đời sống bà con ở đây phụ thuộc chủ yếu vào nương rẫy nên rất khó khăn. Cái ăn cái mặc của các em còn nhiều thiếu thốn nhưng điều chúng tôi lo ngại nhất là các em đói cái chữ" - thầy Tường tâm sự.

Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, về nhận công tác giáo viên cắm bản đã hơn 20 năm, dù còn nhiều vất vả nhưng điều làm thầy Tường và thầy Thanh cùng trăn trở là làm sao đem cái chữ đến với các học trò ở những bản làng xa xôi, heo hút núi rừng.

Hai thầy cũng mong mùa đông này, các em sẽ không còn phải mặc những bộ quần áo mỏng manh đến trường...

Tác giả: DOÃN HÒA

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP