Núi Hồng, sông Lam. Ảnh: Quang Vinh |
Hồng Lĩnh có nhiều đỉnh, tục truyền là 99 đỉnh và theo truyền thuyết Ông Đùng xếp núi thì đỉnh thứ 100 là Rú Rum (Lam Thành) ở bờ bắc sông Lam, chưa kịp dắt về để cho đủ 100 ngọn núi Hồng. Thực ra, theo nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy thì nói 99 đỉnh chỉ là cách nói ước lệ, dựa trên truyền thuyết vì thực tế, dãy núi này có hàng trăm ngọn núi. Cùng với sông Lam, núi Hồng có một kho tàng đầy ắp truyền thuyết, huyền thoại, di tích thắng cảnh. Từ ngàn xưa, những nhà thơ, danh nhân nổi tiếng như: Lê Thánh Tôn, Lê Hữu Trác, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Huy Oánh, Bùi Huy Bích, Nguyễn Thiếp… Dương Thúc Hạp, Đào Tấn, Võ Liêm Sơn, Bùi Dương Lịch, Phạm Sư Mạnh… đều có thơ về núi Hồng với những phản ánh chân thực về vẻ đẹp cảnh quan cũng như những vỉa tầng văn hóa ẩn giấu trên ngàn thông rú Hống.
Không chỉ có trong nước, từ lâu, người Trung Quốc cũng rất ngưỡng mộ dãy núi này. Họ xếp Hồng Lĩnh vào 21 danh sơn nước Nam. Còn những nhà địa lý – kinh tế người Pháp lại trân trọng gọi Ngàn Hống là “quần sơn kỳ vĩ”.
Có thể nói, nhà NCVH Võ Hồng Huy là một trong những người nghiên cứu sâu nhất về Ngàn Hống. Trong các công trình nghiên cứu của ông, người ta có thể tìm thấy rất nhiều tư liệu về văn hóa, lịch sử, kinh tế núi Hồng, đặc biệt là những câu chuyện gắn liền với những huyền tích, huyền thoại trên trùng trùng Ngàn Hống. Tuy nhiên, câu chuyện về Truông cố Ghép mà ông kể cho tôi nghe vẫn là ấn tượng nhất, không chỉ bởi sức hấp dẫn của câu chuyện mà còn ở thái độ làm việc nghiêm túc, cần mẫn, miệt mài của một nhà địa phương học. Núi Hồng tại ngọn Đông Dương – một nhánh đổ xuống theo hướng Đông Nam, phóng thẳng ra biển, là mốc phân giới cho 2 huyện Nghi Xuân và Can Lộc tạo thành một con truông, gọi là truông Vắn. Đường truông hình chữ V, dọc giữa tâm đường truông được lát ghép cả thảy 1.645 bậc đá trên 800m. Có những căn cứ cho biết tuổi thọ của đường truông khoảng 3 thế kỷ. Để có được những cứ liệu đó, ông Võ Hồng Huy đã bỏ nhiều công sức trực tiếp đi từ bên này sang bên kia truông và quay trở lại.
Xung quanh đường truông này cũng có rất nhiều sử liệu nhưng được chép trong nhiều tập truyện Dân gian Xứ Nghệ thì chỉ có câu chuyện từ thiện của vợ chồng cố Ghép. Truyện kể rằng, trong một cơn bão lớn, vùng cửa biển này bị cuốn trôi hết nhà cửa, thuyền bè, dân làng chỉ còn cách vào núi kiếm củi, săn bắn. Muốn vậy thì phải đi qua truông Vắn nhưng hiềm một nỗi, đường đi quá gian nan, đi người không đã khó huống hồ thêm gánh củi. Là một người khỏe mạnh, cảm thương dân làng, cố Ghép đã đứng ra nhận việc chặt cây, ghép đá, mở rộng đường truông. Cố Ghép cùng với vợ cơm đùm, cơm nắm, ngày lại ngày làm từng tý một. Chuyện đó làm cảm động đất trời và muông thú, voi đào đá hạ cây, khỉ đào đất cất đá… chẳng bao lâu thì đường truông hoàn thành. Dân làng rất vui mừng và trân trọng đặt tên truông là truông Cố Ghép. Câu chuyện tuy nhuốm màu huyền thoại nhưng cho ta thấy nghĩa khí của con người Hồng Lam xưa. Truông Cố Ghép theo ghi nhận của ông Võ Hồng Huy đến nay vẫn còn nguyên vẹn với 1.645 bậc đá phẳng lì, cắm chặt vào sườn núi.
Trên đỉnh non Hồng |
Tìm hiểu về Ngàn Hống, người ta có thể tìm thấy rất nhiều thông tin về các di tích lịch sử văn hóa như: đỉnh Tháp Cờ, nơi hoàng tử con vua Mai Thúc Loan xây căn cứ, núi Lầu có hành cung của Lý Thánh Tông, lũy đá của Ngô Quảng nổi lên chống Pháp và nhiều huyền thoại, truyền thuyết liên quan đến núi Hồng như: Ông Đùng xếp núi, truyền thuyết về kinh đô của Vua Hùng cùng với biết bao nhiêu giai thoại, thần thoại khác. Trên trùng trùng Ngàn Hống có khoảng 100 ngôi chùa và đền miếu. Có ngôi rất cổ như: chùa Hương Tích, chùa Chân Tiên, cụm quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn, chùa Tiên Sơn, đền Thánh, miếu Bà Chúa Kho, đền Tiên, Tứ phủ Trần Triều, Tam tòa thánh mẫu…
Tuy nhiên, trong câu chuyện với nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh, tôi lại có dịp biết một cách cụ thể mà khái quát hơn về mảnh đất và con người Hồng Lam qua những câu chuyện mà ông gọi là “ký ức nhân dân”. Theo ông Thái Kim Đỉnh thì Ngàn Hống trước đây là một hòn đảo, phía trong và phía ngoài đều là biển. Và đó cũng chính là nguyên cớ về câu chuyện đá vọng phu ông kể cho tôi nghe. Chuyện kể rằng, một chàng ngư phủ của Ngàn Hống trong một lần đi đánh cá đã gặp một cô gái ở rú Cài và 2 người đem lòng thương nhớ nhau. Để hẹn hò, mỗi đêm cô gái thắp đuốc trên đỉnh rú Cài làm hoa tiêu cho chàng bơi sang. Nhưng một đêm, trời bỗng nổi gió, sóng lớn khiến chàng trai chết chìm giữa biển, cô gái rú Cài vẫn đợi. Đêm nào cô cũng thắp đuốc chờ người yêu đến hóa đá.
Bây giờ, trên Ngàn Hống vẫn còn hòn đá ấy và nhân dân vẫn quen gọi là đá vọng phu. Câu chuyện này, theo nhà NCVH Thái Kim Đỉnh, nhằm phản ánh lịch sử tự nhiên và trên phương diện văn hóa thì đó chính là nét đẹp trong nhân cách của con người Hồng Lam, nó biểu thị một tình yêu mãnh liệt và thủy chung của con người Xứ Nghệ không chỉ trong thời kỳ đó mà mãi mãi về sau.
Theo nhà NCVH Thái Kim Đỉnh thì Ngàn Hống còn là điểm bắt đầu cho một cuộc di cư từ Nam ra Bắc của người Việt. Điều này được phản ánh qua câu chuyện của vua Dương Vương. Trong một lần đi tìm hiểu dân gian bằng thuyền, khi đi qua vùng núi Hống thì nhà vua gặp một người con gái từ dưới sông nổi lên, tự xưng là Thần Long. Vua ưng ý cưới nàng về làm vợ và dựng một đô ấp ở rú Hống. Bà Thần Long sau đó đã sinh hạ được một người con trai. Khi người con này lớn lên thì vua Dương Vương cho chàng đem theo nhiều gia nhân, binh lính ra cai quản vùng đất ở ngã ba Hạc (thuộc Phú Thọ ngày nay).
Truyền thuyết về những chuyện liên quan đến Ngàn Hống rất nhiều và theo nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh thì mỗi câu chuyện phản ánh một giai đoạn lịch sử nào đó, một góc nào đó trong chiều sâu tâm hồn, nhân cách người Xứ Nghệ. Chính vì thế, tìm hiểu về các giá trị văn hóa, lịch sử của Ngàn Hống cũng chính là tìm hiểu về văn hóa con người Hồng Lam…
Trải qua triệu năm tồn tại, Ngàn Hống với những tiềm năng về văn hóa – lịch sử, kinh tế – quốc phòng đã hiển nhiên trở thành biểu tượng của vùng đất Nghệ Tĩnh. Ngàn Hống cũng vô hình trung là biểu tượng của văn hóa, văn học khi người ta muốn nói về con người ở đây: Hồng Sơn thế phổ, Hồng Sơn văn phái, đất Hồng Lam, người Hồng Lam, khí phách Hồng Lam… Một mùa xuân mới đang về trên quê hương. Và Ngàn Hống với những trầm tích văn hóa của mình cũng đang náo nức, xôn xao với nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc…
Anh Hoài/Baohatinh,.vn