Di tích - Thắng cảnh

Ngã ba Đồng Lộc: Lần theo những ngôi mộ vô danh

Tôi thực sự bất ngờ, khi được chứng kiến hàng chục ngôi mộ liệt sĩ TNXP bị cỏ cây che lấp nằm sát bờ tường khu mộ của 10 liệt nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc bốn mùa ngút ngàn hương hoa.

Lần theo những dấu tích còn sót lại nơi đây, tôi được biết thêm một số thông tin về những ngôi mộ vô danh này.


Theo những dòng địa chỉ


Trong số hai hàng mộ liệt sĩ TNXP thấp lè tè nằm lẫn khuất giữa bạt ngàn sim mua và cỏ dại ngay mé sườn tây-nam khu mộ 10 liệt nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, chỉ có một ngôi mộ nằm sát chân tường là có tấm bia ghi rõ dòng tên Liệt sĩ Phạm Chất, quê quán Đức Nhân, Đức Thọ, Hà Tĩnh; hy sinh: 25/12/1968.


Lần theo địa chỉ này, tôi về xã Đức Nhân và được biết, thân nhân gia đình liệt sĩ Phạm Chất nay đã chuyển về sinh sống tại thị xã Hồng Lĩnh. Lại thêm một cuộc lần tìm, cuối cùng tôi cũng đến được nơi cần đến.


Tiếp tôi trong ngôi nhà gần cổng Trường THPT Hồng Lĩnh thuộc khối 9, phường Bắc Hồng có cụ Hoàng Thị Nguyệt – vợ liệt sĩ Phạm Chất, và vợ chồng người con trai thứ Phạm Anh Hà, hiện là giáo viên Trường THPT Hồng Lĩnh.


Câu chuyện của mẹ con bà Nguyệt kể cho tôi nghe còn có sự chứng kiến của bác Phan Thị Mười – cựu TNXP của Đội 55, là đồng đội một thời của liệt sĩ Chất. Theo hồ sơ còn lưu giữ tại gia đình, liệt sĩ Phạm Chất gia nhập lực lượng TNXP năm 1962 sau một thời gian dài phục vụ trong ngành quân nhu Quân khu 4.


Giữa năm 1965, sau khi tốt nghiệp loại giỏi lớp Y3 tại Trường Trung cấp Y Hà Tĩnh, ông Chất được điều về nhận công tác ở Đội TNXP 55, phụ trách quân y.


“Ông ấy là người giỏi giang, được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường, được đi dự đại hội điển hình TNXP toàn quốc lần thứ nhất năm 1966, được gặp Bác Hồ và được Bác tặng huy hiệu” – bà Nguyệt nhớ lại – Cuối năm 1968, khi tui đang nằm điều trị tại bệnh viện huyện (giữa năm 1968, bà Nguyệt bị bom Mỹ cắt đứt hẳn cánh tay phải đến tận nách – PV), thì nhận được tin chồng hy sinh.


Do phải điều trị vết thương, tui không vào được, chỉ có anh em họ hàng vào dự lễ tang và kể lại mộ ông ấy chôn tại xã Xuân Lộc, Can Lộc, cạnh mộ 10 nữ liệt sĩ TNXP hy sinh hồi tháng 7/1968.


Năm 1975, mộ liệt sĩ Phạm Chất được quy tập về Ngã ba Đồng Lộc, mộ phần đặt trên mộ 10 liệt nữ TNXP, vì ông ấy là thủ trưởng của các cô. Hồi đó, do điều kiện đi lại quá khó khăn, bà Nguyệt một tay nuôi ba đứa con ăn học nên ít có dịp vào Đồng Lộc viếng mộ chồng, thỉnh thoảng các con bà đạp xe từ Đức Nhân vào thắp hương cho bố.


Khi các con bà trưởng thành (liệt sĩ Phạm Chất có ba người con, hiện một người là bác sĩ, hai người là giáo viên – PV), họ trở lại Đồng Lộc tìm mộ cha thì không còn nhận ra vì nơi đây đổi thay nhiều. Dò tìm thông tin được biết, khi nâng cấp khu mộ 10 liệt nữ năm 1990 và năm 2000, số mộ liệt sĩ quy tập về đây năm 1975 bị xáo trộn.


“Anh em tui chỉ nhớ mang máng vị trí mộ cha nằm ngay trên phần mộ 10 cô ở hàng mộ thứ nhất nên chúng tôi đoán ngôi mộ sát bờ tường khu mộ 10 cô là mộ cha mình. Mấy năm trước chúng tôi đã đúc tấm mộ chí gắn vào ngôi mộ này, xem có ai phản ứng gì không nhưng đến nay không có ai phản hồi ý kiến nên càng tin đó là mộ cha mình. Tuy nhiên, chưa có cơ sở gì minh chứng nên không ai dám bốc mộ phần về nghĩa trang” – anh Hà giải thích.


Lần tìm các dòng tin còn lưu lại tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, tôi tiếp tục cuộc hành trình về xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên), gặp thân nhân liệt sĩ Nguyễn Trọng Hiển. Tiếp tôi trong căn nhà vừa được cất lên giữa cồn cát trắng ở xóm Đông Đoài là bà Hoàng Thị Hòa, chị dâu liệt sĩ Hiển.


Bà Hòa đưa cho tôi xem tờ biên bản khám nghiệm thi hài liệt sĩ Hiển đề ngày 25/4/1970 và cho biết theo hồ sơ để lại, liệt sĩ Hiển gia nhập Đội TNXP 55 ngày 21/9/1968, đến năm 1970 hy sinh tại xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh trong khi đang làm nhiệm vụ. Năm 1976, bà Hòa về làm dâu gia đình, đã cùng người nhà vào Kỳ Phương tìm mộ liệt sĩ Hiển và được biết các ngôi mộ của Đội 55 đều đã được quy tập về Ngã ba Đồng Lộc.


Từ Cẩm Dương, gia đình bà lại lặn lội ra Đồng Lộc tìm mộ người thân nhưng thời điểm đó Đồng Lộc đang còn là vùng rừng thiêng nước độc nên không tìm được mộ.


Gần đây, ông Trương Quang Vĩnh ở thành phố Hà Tĩnh tìm gặp bà Hòa và cho biết một số thông tin về việc di dời hài cốt các liệt sĩ của Đội 55. “Nhà chồng tui có hai anh em trai đều là liệt sĩ chống Mỹ.


Chồng tui hiện được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, còn mộ phần của chú Hiển đang bị thất lạc tại Đồng Lộc. Tên của chú ấy cũng chưa được khắc ở Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc, mặc dù bằng tổ quốc ghi công đã được cấp năm 1999. Nguyện vọng của gia đình mong muốn các ngành chức năng quan tâm kiếm tìm hồ sơ khu mộ và sớm quy tập, tôn tạo các mộ phần để chúng tôi đỡ tủi thân mỗi dịp đến thăm” – bà Hòa khẩn thiết.


“Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi/ Còn hương nữa hãy dành phần cho đất/ Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi/ Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc/ Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp/ Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi…” – lời thỉnh cầu của 10 liệt nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã được nhà thơ Vương Trọng nói hộ trong bài thơ khắc trên bia đá đặt tại khu mộ các cô cũng chính là tâm nguyện của mỗi du khách khi về thăm Đồng Lộc.Theo địa chỉ bà Hòa giới thiệu, tôi đã đến phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh gặp ông Trương Quang Vĩnh (ông Vĩnh là em trai của liệt sĩ Trương Quang Tụng, hy sinh cùng lúc với liệt sĩ Hiển).


Trong số các gia đình thân nhân tôi tiếp xúc, chỉ có ông Vĩnh còn giữ được giấy thông báo về việc quy tập mồ mả của Đội 55 do đội trưởng Võ Xuân Oánh ký ngày 10/1/1975, ghi rõ: “Chúng tôi kính thông báo cho gia đình biết mộ phần liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang tại Ngã ba Đồng Lộc (địa điểm 10 cô gái hy sinh năm 1968) để hàng năm tiện việc thăm viếng mồ mả con em”. Nhờ những thông tin ấy, tôi đã tìm gặp được ông trưởng ban quy tập mộ liệt sĩ của Đội 55 ngày đó, và qua đó hé lộ thêm được một số thông tin về các mộ phần.


Ông Nguyễn Thế Linh – nguyên đại đội trưởng của 10 cô gái TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc và cũng chính là người phụ trách công tác quy tập mộ liệt sĩ Đội TNXP 55 năm 1975 đã ngoài tuổi 70, nghỉ hưu tại xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc.


Khi tôi nêu vấn đề về các ngôi mộ nói trên, ông Linh cho rằng đây là điều bấy lâu nay ông đang dày vò tâm trí vì cảm thấy mình chưa thật trọn vẹn với những đồng đội đã khuất.


Ông Linh kể, trước ngày giải thể năm 1975, thực hiện chủ trương của trên, Đội 55 đã quy tập mộ các liệt sĩ và tử sĩ của đơn vị về Ngã ba Đồng Lộc, hoàn thành các thủ tục bàn giao cho Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh và Phòng LĐ-TB&XH Can Lộc quản lý, đồng thời thông báo tới thân nhân các gia đình liệt sĩ.


Tổng số hơn 40 mộ liệt sĩ và tử sĩ chủ yếu hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc và một số địa bàn thuộc phạm vi quản lý của đội được quy tập thành hai hàng ngang dưới chân núi Trọ Voi, phía trên bên phải hố bom nơi 10 nữ liệt sĩ TNXP hy sinh.


Sau khi bàn giao đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, tôi đi nhận nhiệm vụ mới và đinh ninh rằng, gia đình các liệt sĩ đã đến nhận người thân và đưa họ về các nghĩa trang liệt sĩ địa phương.


Thực tế do điều kiện hoàn cảnh lúc bấy giờ, chỉ có rất ít gia đình thân nhân liệt sĩ thực hiện được việc đó. Đến năm 1990, khi chúng ta xây dựng khu mộ 10 nữ liệt sĩ TNXP tại nơi các cô hy sinh, rồi năm 2000 lại mở rộng thêm khu vực này thì một số mộ liệt sĩ còn nằm lại ở đây đã bị dịch chuyển do vướng mặt bằng quy hoạch.


Gần đây, một số gia đình thân nhân liệt sĩ đến gặp tôi hỏi về vấn đề này, chúng tôi trực tiếp làm việc với các cơ quan quản lý hồ sơ và được giải thích do đã quá lâu và qua hai lần tách nhập tỉnh nên hiện sơ đồ các phần mộ này đã bị thất lạc.


Đã nhiều lần tôi trở lại nơi chôn cất các đồng đội năm xưa, nhận ra khoảng 15 mộ phần liệt sĩ còn dấu vết ngay bên cạnh hàng rào khu mộ 10 nữ liệt sĩ TNXP, nhưng thực tế chắc còn nhiều hơn – ông Linh ngậm ngùi.


Lời thỉnh cầu tháng bảy


Du khách viếng mộ 10 liệt nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc


Anh Phạm Anh Hà tâm sự: “Vào các dịp 27/7 hay ngày lễ, tết, mẹ con tôi đều vào Đồng Lộc viếng mộ cha. Mỗi lần vào đây là mẹ tôi lại khóc hết nước mắt, còn chúng tôi cũng cảm thấy xót xa khi thấy người thân của mình còn bị lãng quên ngay tại nơi được nhiều người nhớ”.


Khi tôi nêu vấn đề này, ông Nguyễn Thế Linh đề xuất: “Việc quy tập, tôn tạo phần mộ các liệt sĩ nói trên là việc không thể chần chừ thêm. Nhiều người nêu lý do sẽ khó khăn khi quy tập các ngôi mộ này vì hiện có một số mộ của dân nằm rải rác trong khu vực.


Nhưng thực tế hầu hết mộ dân đều có chủ, hơn nữa, khi quy tập về đây, các hài cốt liệt sĩ đều được liệm trong cùng một loại tiểu sành nên sẽ rất dễ nhận biết khi khai quật. Vấn đề cần phải bàn thêm là nên đưa anh em về đâu cho ý nghĩa.


Do hồ sơ đã thất lạc, hầu hết các ngôi mộ này nay không còn một dòng địa chỉ nên việc quy tập họ về nghĩa trang liệt sĩ các địa phương là điều không thể. Một số ý kiến cho rằng, nên đưa số mộ này về nghĩa trang huyện Can Lộc, nhưng theo tôi đó không phải là phương án hay. Sẽ rất ý nghĩa nếu những đồng đội của tôi được tôn vinh ngay tại nơi họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và ngã xuống vì những cung đường.


Và để vong linh các liệt sĩ vô danh được phần nào an ủi, tốt nhất là hãy chọn một vị trí nào đó tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, xung quanh Nhà bia ghi tên liệt sĩ TNXP toàn quốc là thích hợp nhất, để quy tập, tôn tạo mộ phần cho họ, và như thế sẽ tạo thêm được một điểm nhấn cho khu di tích này”.


Lời thỉnh cầu của ông Linh cũng là tâm nguyện của thân nhân các gia đình liệt sĩ, của nhiều cựu TNXP và du khách tôi đã gặp khi thực hiện phóng sự này.


Văn Học

TP

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP