Khu vực Bắc Trung Bộ đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt; tại Nghệ An, nhiệt độ ban ngày luôn dao động từ 38 đến 40 độ C, có nơi lên tới gần 41 độ C.
Anh Nguyễn Thanh Tâm, công nhân xây dựng, cho biết: “Công việc tranh thủ làm sớm chứ đến 9h sáng là phải tạm dừng vì trời quá nóng. Anh em công nhân tản ra mỗi người một góc tìm chỗ râm mát tránh nắng, chứ nắng gắt như ri mà phơi giữa công trình không khéo bị ngất, sốc nhiệt”.
Tại các vùng phụ cận thành phố Vinh như Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn… nông dân vẫn phải ra đồng gặt hái vụ hè – thu dưới trời nắng như lửa đốt. Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên nói: “Chưa có năm nào bước vào vụ gặt lại nắng nóng như năm nay. Để tránh nắng, gia đình tôi phải ra đồng gặt lúa từ lúc 5 giờ sáng nhưng vẫn không kịp chạy nắng”. Khoảng 17-18h, người dân đổ xô xuống biển để giải tỏa cơn nóng. Biển Cửa Lò những ngày này lượng khách liên tục tăng.
Nắng nóng gay gắt dẫn tới nhiều hệ lụy. Tại các bệnh viện ở Nghệ An, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. BS. Trần Văn Cương, Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho hay, trong đợt nắng nóng này, bệnh nhân đến điều trị cấp tập, cao điểm nhất là 1.000 bệnh nhân nội trú/ngày, trong khi bệnh viện này chỉ đáp ứng được khoảng 500 giường bệnh. Theo quan sát của PV lúc 8h sáng 27/5, tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, số bệnh nhi đến khám vì sốt, ho, viêm phổi đông chật kín cả hành lang. Tại khoa hô hấp, tiêu hóa, hầu hết trẻ nhập viện trong tình trạng viêm phổi, tiêu chảy cấp.
Bác sĩ Bùi Anh Sơn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, nói: “Khoảng một tuần nay, trước tình trạng bệnh nhi nhập viện gia tăng dẫn đến quá tải, chúng tôi phải sử dụng cả khu vui chơi giải trí của Khoa để làm phòng điều trị kiểu dã chiến ngay trong bệnh viện. Đấy là cách tốt nhất để giải quyết tình trạng 2-3 bệnh nhi nằm một giường với cái nắng gắt này”. Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang phải la lết chống chọi nắng nóng cộng gió Lào cao độ. Ông Nguyễn Văn Biên (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) kể: “Tui bị bệnh hiểm nghèo mới phát hiện được vài tháng nay. Giờ con cháu tìm cách kìm hãm sự phát tán của bệnh để được ở bên người nhà lâu hơn, nhưng với cái nắng nóng khủng khiếp này chắc tui khó mà đỡ nổi”.
Ngư dân Trần Văn Bình ngụ tại Xuân Hải, Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết: “Ngư dân không say sóng, mà có thể say nắng. Tàu chúng tôi vừa phải đưa 2 anh em lao động trở về đất liền chữa bệnh vì say nắng. Nắng nóng, trên biển phải đối chọi với gió Lào khô khốc nên các bữa ăn không đảm bảo, uống nước nhiều quá cũng bị oải thôi”.
* Các huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh) những ngày này luôn phải đối chọi nắng nóng khốc liệt, nhiều nơi cây trồng héo khô. Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Xí nghiệp Chè 20/4 (Hương Khê, Hà Tĩnh) nói: “Nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng chè chết khô, hai tuần nay chúng tôi phải huy động toàn bộ anh em công nhân viên của xí nghiệp ngày hai buổi ra đồi chè tưới nước cứu chè. Với thời tiết như hiện nay, chỉ một ngày không tưới là cả đồi chè chết rũ”.
Do nắng nóng kéo dài, ngày 25/5 tại xóm Tân Phong, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương xảy ra vụ cháy rừng lan sang xã Nam Thái, Nam Thượng (huyện Nam Đàn). Năm giờ sáng 26/5, một đám cháy khác lại bùng phát ở xã Nam Thái. Đến 9h cùng ngày, đám cháy mới được dập tắt. Gần đây, tại Nghệ An xảy ra 4 vụ cháy rừng ở các huyện Nam Đàn, Quỳ Châu, Đô Lương, Thanh Chương. Tổng diện tích rừng bị thiêu trụi là 21,27ha.
Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ Tăng Văn An cho biết: “Ngày 27/5, nắng nóng gay gắt vẫn tiếp tục xảy ra trên diện rộng với nền nhiệt độ lúc 13 giờ trưa ở trung du và vùng núi 38 – 40 độ C, một số nơi cao hơn như Quỳ Hợp 40,7 độ C; Con Cuông 40,3 độ C. Dự báo đợt nắng nóng này còn kéo dài trong khoảng 4 – 5 ngày tới. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp I. Trong những ngày nắng nóng, chiều tối thường xảy ra mưa rào và giông mạnh nên cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như tố, lốc, mưa đá, sét, gió giật mạnh”.
Tiền Phong