Ngôi nhà cấp 4 xập xệ, cũ kỹ của bà Nguyễn Thị Bê (ở xóm Xuân Thắng – Kỳ Xuân) |
Trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ, cũ kĩ được khắc ngày hoàn thành tháng 1/1975, người mẹ già vẫn hàng ngày chống chọi với nỗi đau mất con suốt 20 năm qua. Hai khóe mắt đã chằng chịt những vết chân chim, sự mất mát quá lớn về tinh thần khiến bà Nguyễn Thị Bê (SN 1945, xóm Xuân Thắng) chẳng thể nhớ biển đã cướp 2 con trai chính xác vào năm nào. Chỉ biết rằng, vừa mãn tang con trai đầu, đứa con út cũng theo chân anh về miền cực lạc. “Cứ đi khám, bác sĩ lại bảo bệnh của bà không chữa được, bởi sầu úa từ tâm can. Nếu các con còn sống, thì cái nhà này làm gì còn…”, người phụ nữ khốn khổ kể lại, đôi mắt đờ đẫn, vô thức chìm vào khoảng không.
Xót xa hơn, bà Bê không phải người duy nhất ở mảnh đất gió lào cát trắng hứng chịu nỗi đau biển ép. Đã 15 năm trôi qua, nhưng anh Phan Viết Bình (SN 1968, xóm Cao Thắng) không thể quên ngày anh từ một thanh niên vạm vỡ, khỏe mạnh trở thành phế nhân gắn chặt cuộc đời với chiếc xe lăn. Ngày ấy, đứa con út của anh mới 10 ngày tuổi, niềm ước ao được nhìn con còn chưa kịp thực hiện, anh chẳng may bị áp suất nước ép trong một lần lên bờ khiến đôi chân vĩnh viễn không còn khả năng đi lại. Nhìn nửa thân thể teo tóp đã mất đi cảm giác, khuôn mặt rám nắng của người đàn ông bị biển ép hai hàng nước mắt rơi, không biết tương lai rồi sẽ về đâu khi 5 miệng ăn trong nhà giờ chỉ biết trông chờ vào 2 sào ruộng.
Làm thợ lặn chẳng khác nào “hồn treo cột buồm”, số phận của những con người dưới đáy biển chỉ biết phụ thuộc vào may rủi. Công việc nguy hiểm luôn cận kề cái chết nếu chẳng may bị thủy thần “chỉ mặt điểm tên” nhưng hầu hết ngư phủ lại không có được thiết bị bảo vệ. Khi lặn sâu xuống biển, thợ lặn phải thở bằng một loại khí đặc biệt, gọi là không khí nén. Đi xuống càng sâu thì áp lực không khí thở phải tương đương với áp suất môi trường, trong thành phần không khí thở lúc này có một loại khí đặc biệt, gọi là khí nitơ.
Theo những thợ lặn có thâm niên, ở độ sâu khá lớn, mọi cử động của con người trở nên mất tự nhiên, tinh thần bất ổn. Quá trình ngoi lên khỏi mặt nước và mở ống dưỡng khí, áp suất giảm thì khí nitơ sẽ thoát ra. Nếu lên bờ vội, lượng nitơ trong máu thoát qua đường phổi hoặc phế nang tạo thành những bong bóng nhỏ có thể làm tắc mao quản dẫn tới tử vong. Đây cũng là bệnh phổ biến nhất đối với thợ lặn.
Không chỉ phải chống chọi với “kẻ thù” nitơ, thợ lặn còn đối mặt với môi trường thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng tới quá trình giảm áp, sức khỏe bản thân không tốt hay những trục trặc về thiết bị hỗ trợ. Biển “ép”, nhẹ thì đau nhức tay chân, nặng thì bị liệt, thậm chí, nhiều người bị “ép” não phải bỏ mạng đầy oan uổng.
Lặn dưới biển, nghe tiếng xuồng máy chạy vội vào bờ là biết, lại một người nữa ra đi. Làng biển nghèo ngày càng nhiều những ngôi nhà vắng bóng đàn ông, những người vợ góa chồng… Vì mưu sinh, họ phải nhận về cái giá quá đắt.
Nỗi niềm mong mỏi
Ông Phạm Xuân Hận – một thợ lặn lão luyện ở Kỳ Xuân, có tới 4 người con theo nghiệp bố. Hơn chục con người trong gia đình chỉ biết trông chờ vào nguồn thu từ biển. Nhưng không phải lúc nào trời cũng chiều lòng người trên những chuyến đi, thuyền vừa ra khơi đã gặp bão, chịu lỗ ngót nghét vài ba trăm triệu đồng. Đường cùng, vợ chồng ông đánh liều huy động anh em trong nhà cầm cố sổ đỏ để có đủ 1 tỷ đồng đóng tàu làm phương tiện kiếm sống. Song, điều làm bà Vũ Thị Bảy – vợ ông Hận trăn trở là “lãi suất cao nên biết đến bao giờ chúng tôi mới trả hết…”.
Từng là thợ lặn cừ khôi, giờ anh Phan Viết Bình phải ngồi trên xe lăn vì biển “ép” |
Theo nhìn nhận của những thợ lặn một thời gắn bó với chốn thủy cung, đây là nghề tự phát và chẳng thể nào đảm bảo được cuộc sống lâu dài. Đó là chưa kể những rủi ro trong quá trình làm việc đã quật ngã bao nhiêu trụ cột, để lại gánh nặng cho không ít gia đình. “Khi đi trai tráng, khi về bủng beo” ở Kỳ Xuân đã không còn là chuyện lạ.
Ở thời điểm hiện tại, cánh thợ lặn phần nào giảm được nỗi lo khi thiết bị giảm áp của Hải quân ra đời. Nếu chữa trị kịp thời, người bị liệt có khả năng hồi phục tới 80%. Tuy nhiên, giá của mỗi ca giảm áp khá “chát”, một ca nặng dao động ở mức 50-60 triệu đồng và nhẹ cũng phải “ngốn” tới 30 triệu đồng. Ông Trần Hữu Hậu bày tỏ quan điểm: “Lặn là nghề truyền thống của người dân Kỳ Xuân nên chính quyền địa phương không thể ngăn cản. Nguyện vọng lớn nhất của xã cũng như của toàn thể người dân là Nhà nước có các chương trình, chích sách để có thể hỗ trợ một phần công cụ đảm bảo an toàn cho người lao động”.
Hành trình mưu sinh bao giờ cũng nếm trải nhiều chông gai, nhưng những người thợ lặn không chỉ đối mặt với cuộc sống cơm áo, gạo tiền mà còn phải vật lộn với cuộc chiến sinh tử dưới đáy biển. Đồng tiền từ những chuyến ra khơi luôn thấm đẫm vị mặn của muối và chan chứa giọt mồ hôi của bao người. Mặt biển hiền hòa, lặng sóng, song dưới làn nước mênh mông, đâu đó vẫn còn những ánh mắt khắc khoải trông chờ, những số phận hẩm hiu bị chôn vùi lạnh lẽo.
Thùy Dương/ Baohatinh.vn