Phóng sự - Ký sự

Mưu sinh ở đáy biển (Bài 1): Lặn biển – nghề “câu cơm”

Là người con của miền biển nhưng nếu chỉ “an phận” với nghề đánh bắt, anh Trần Quang Lan (xóm Lê Lợi) không thể đưa gia đình thoát khỏi cuộc sống bấp bênh, lay lắt. Cũng vì cảnh “giật gấu vá vai” mà từ một lão ngư chuyên chài lưới, người đàn ông này liều lĩnh dấn thân vào nghiệp lặn. Thu nhập chục triệu đồng mỗi tháng đã phần nào minh chứng cho quyết định đúng đắn của anh.

Sống cạnh biển nhưng ngay cả nghề chài lưới đánh bắt cũng chỉ đưa về nguồn thu bèo bọt. Thế nên, không ít thanh niên trai tráng của nhiều gia đình ven biển Kỳ Xuân (Kỳ Anh) chọn con đường mưu sinh bằng nghề lặn.“Ăn cơm trần gian, làm việc thủy phủ”

 
Nhà cửa đìu hiu khi vắng bóng trụ cột gia đình.

Với nhiều thế hệ người Kỳ Xuân, nghề lặn đã trở thành “tài sản” thừa kế lớn nhất mà cha ông để lại. Dù không hiếm ngư dân đánh bắt, chài lưới nhưng do không có vốn đầu tư lớn nên không thể đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, việc khai thác ven bờ lại chẳng mấy hiệu quả và thậm chí còn khiến cuộc sống của nhiều ngư dân lao đao vì lâm vào tình cảnh nợ nần, thua lỗ. Trước cuộc sống đầy khắc nghiệt, nghề lặn biển là nguồn sáng duy nhất thắp lên niềm hy vọng cho những người con miền cát trắng. Cũng từ đó, mưu sinh nơi đáy biển vận vào cuộc đời họ như một mối lương duyên.

Mặt trời lấp ló trên mặt biển cũng là lúc những người thợ lặn bắt đầu một ngày làm việc. Thuyền chông chênh giữa biển khơi, tốp thợ sắp sửa vào guồng công việc thường ngày. Ngư cụ cho mỗi chuyến lặn là 7 kg chì và 200m dây hơi quấn quanh hông. “Tàng hình” trong bộ đồ người nhái, chân vịt cùng bình dưỡng khí, chẳng mấy chốc, họ đã thâm nhập sâu vào thế giới thủy cung để mang về nào cá, nào tôm, sò… là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Thông thường, một thuyền chỉ hoạt động trong bán kính 15–20m, đối với chỗ nước cạn, “ê kíp” lặn mở rộng phạm vi ra 40m và làm việc ở mực nước sâu nhất có khi lên tới 60m.

Hơn chục con người trên chiếc thuyền bạc màu lênh đênh giữa biển khơi. Trên những khuôn mặt dày dạn gió sương chỉ xuất hiện nụ cười hiếm hoi khi những khoang thuyền đầy ắp cá, tôm đưa lại cho họ khoản thu nhập khá để trang trải cuộc sống. Thu nhập từ nghề lặn tuy không ổn định, nhưng bình quân mỗi tháng cũng xấp xỉ 10 triệu đồng. Đối với những chuyến đi lớn, thợ lặn ít nhất cũng “bỏ túi” 30-40 triệu đồng.

Dù phải đối mặt với gió rét, mưa lạnh và cả những hiểm nguy rình rập nhưng những thợ lặn như anh Lan vẫn luôn tâm niệm: “Chúng tôi là những người ăn cơm trần gian, làm việc thủy phủ. Dẫu biết vất vả, cực nhọc và nguy hiểm nhưng không có nghề này thì làm gì có ăn”. Số tiền tích cóp được từ nhiều năm đi biển, anh Lan đã mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng đóng thuyền lớn có công suất 90 CV. Nếu tính thêm chi phí máy móc cũng ngót nghét con số 700 triệu đồng.

Nỗi niềm tha hương…

Như bao nam thanh niên miền biển, xa mảnh đất Kỳ Xuân đầy nắng gió vào Bình Thuận làm thuê, anh Phan Ngọc Sâm (trú tại xóm Cao Thắng) và anh Lê Văn Ngạch (trú tại xóm Xuân Thắng) chỉ mang theo hành trang duy nhất là niềm tin thoát nghèo. Trong suốt chặng hành trình ấy, “vốn đầu tư” mà các anh bỏ ra chỉ là khả năng ngụp lặn của bản thân.

Công việc chính của thợ lặn “dạt biển” như anh Sâm, anh Ngạch là bắt sò mai – một “đặc sản” của biển Bình Thuận. Trong mỗi ca lặn kéo dài 4 tiếng đồng hồ, lần nhiều nhất, họ có thể vớt được 40 kg sò. Trong khi những “người nhái” còn “vật lộn” dưới thủy cung thì trên bờ, các mối thu mua đã đợi sẵn. Sau công cuộc cân đo, ra giá, lợi nhuận được chia đều theo tỷ lệ 50/50 cho chủ ghe và thợ lặn.

Đến thời điểm hiện tại, nghề lặn “cha truyền con nối” ở Kỳ Xuân mai một đi ít nhiều bởi làn sóng xuất khẩu lao động sang các nước như Malaysia, Hàn Quốc… đã mở thêm cơ hội đổi đời cho không ít người. Tuy nhiên, so với xuất khẩu lao động, một chuyến đi biển có thể đưa lại thu nhập “trong mơ”. Chưa kể, chi phí đưa con em đi nước ngoài là một thử thách đối với nhiều gia đình. Bởi những tiêu chí đó, nghề lặn luôn là lựa chọn tối ưu của những ngư dân có gia cảnh khó khăn.

“Toàn xã có 1.882 hộ dân với 7.435 nhân khẩu. Nhưng, từng ấy con người chỉ có hơn 300 ha gieo trồng. Trong tổng số 70 tỷ đồng nguồn thu nội địa của xã, 8 tỷ đồng từ sản xuất nông nghiệp thực sự chẳng thấm vào đâu so với 32,5 tỷ đồng mà nghề lặn đưa lại. Trong năm nay, Kỳ Xuân cũng chỉ phấn đấu đạt 1.395 tấn lúa đông xuân lẫn hè thu” – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân Trần Hữu Hậu trăn trở.

106 thuyền máy sản xuất, trong đó 13 thuyền lớn có công suất 90 CV chuyên đánh bắt xa bờ là phương tiện mưu sinh chủ yếu của người dân Kỳ Xuân. Mới đây, anh Phạm Văn Dũng (xóm Xuân Thắng) vừa đầu tư 1 tỷ đồng đóng thuyền có công suất 250 CV để thực hiện giấc mơ làm giàu. Gia đình anh là một điển hình ở Kỳ Xuân khi cả bố và 4 anh em trai đều đi biển, trong đó bố anh – ông Phạm Xuân Hận có tới 33 năm gắn bó với nghiệp lặn.

Trung bình một thuyền có 7-8 người và mỗi chuyến đi biển kéo dài tháng rưỡi đến 2 tháng. Tuy nhiên, cũng có những lúc thợ lặn ròng rã trên biển 5-6 tháng. Do nguồn thủy sản vùng biển Kỳ Anh ngày càng ít nên hầu hết những ai muốn “phất” không còn cách nào khác phải vào Nam hoặc đi lặn thuê cho một số chủ thuyền lớn ở Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), Hòn Gai (Quảng Ninh), Phan Thiết (Bình Thuận)…

Kỳ Xuân có hơn 1.000 lao động làm thợ lặn, nhưng gần 800 lao động trong số đó tha hương mưu sinh dọc các vùng biển trên khắp mọi miền đất nước. Dẫu nỗi nhớ nhà, nhớ người thân luôn canh cánh trong lòng nhưng để cải thiện cuộc sống, nhiều thợ lặn vẫn từng ngày miệt mài “cày xới” dưới sóng nước mênh mông. Cái bỏng rát của cát, vị mặn mòi của biển đã trở thành huyết mạch chảy trong cơ thể họ, để mỗi khi hoàng hôn buông, những người đàn ông da nhuộm màu nắng luôn dõi ánh mắt trông chờ về biển cả xa xăm.

Nhờ nghề lặn, Kỳ Xuân đang dần thoát nghèo, song lẻ loi những cánh buồm xa, vẫn đau đáu nỗi niềm mong mỏi. Dẫu biết mưu sinh nơi đáy biển ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng nhiều thợ lặn vẫn “nhắm mắt đưa chân”…

Thùy Dương

(còn nữa) Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP